Diễn tập cảnh báo sóng thần mức cao nhất tại Đà Nẵng và Quảng Nam

.

ĐNO - Lúc 9 giờ 33 phút ngày 26-12, tại 30 trạm trực canh về cảnh báo thiên tai tại các phường ven biển của thành phố Đà Nẵng cùng 21 trạm của tỉnh Quảng Nam đã phát còi hụ, tín hiệu đèn màu tím và thông tin cảnh báo sóng thần giả định mức 3 (mức cao nhất) phục vụ diễn tập cảnh báo sóng thần.

Trạm trực canh đặt tại trụ sở UBND phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đã phát thông tin, tín hiệu cảnh báo sóng thần giả định mức 3, mức sơ tán dân.
Trạm trực canh đặt tại trụ sở UBND phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đã phát thông tin, tín hiệu cảnh báo sóng thần giả định mức 3, mức sơ tán dân.

Lúc 9 giờ cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bắt đầu diễn tập cảnh báo sóng thần bằng hình thức trực tuyến với giả định là một trận động đất 9 độ richter với độ sâu tâm chấn tiêu là 23,2km, xảy ra tại khu vực máng biển sâu Manila, Philipines vào lúc 8 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 26-12.

Trung tâm Cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWC) và Trung tâm cảnh báo sóng thần Tây Thái Bình Dương đã phát cảnh báo sóng thần đối với toàn khu vực Biển Đông, trong đó có dải ven biển Việt Nam.

Viện Vật lý địa cầu (Hà Nội) nhận định, vùng ảnh hưởng lớn nhất sẽ là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với độ cao sóng trên 5m, độ cao sóng cực đại từ 6-7m, thời gian sóng thần tấn công từ 10 giờ 30 đến 12 giờ 30.

Lúc 9 giờ 12 phút, nhiều thuê bao di động của Viettel trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã nhận được tin nhắn cảnh báo thiên tai có nội dung “Đây là bản tin diễn tập”.

Đến 9 giờ 33 phút, đồng loạt 51 trạm phát đèn tín hiệu màu tím, còi hụ và phát bản tin phát thanh cảnh báo sóng thần đầu tiên được gửi đi từ Viện Vật lý Địa cầu.

Lúc 9 giờ 41 phút, các trạm phát bản tin phát thanh thứ 2 yêu cầu đồng bào sơ tán ngay vào sâu trong đất liền hoặc lên các vùng đất cao. Các tàu thuyền đang ở trên biển phải tiếp tục ở lại ngoài khơi cho đến khi nhận được thông báo an toàn. Các tàu, thuyền đang neo đậu ở cảng hoặc trên các bờ vịnh cần ra khơi cho đến khi nhận được thông báo an toàn.

Đến 9 giờ 48 phút, tiếp tục phát còi hụ, đèn tín hiệu và bản tin phát thanh cuối cùng về trận sóng thần và đề nghị đồng bào mau chóng rời nơi sơ tán trở về nơi cư trú.

Phát biểu kết luận buổi diễn tập, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp, điều hành và triển khai thực hện của các đơn vị chức năng và 2 địa phương.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị, địa phương xem đây là bước triển khai ứng phó ban đầu, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, tồn tại và chậm trễ. Về lâu dài, các trạm phát tín hiệu và phát thanh cảnh báo sóng thần sẽ chuyển sang cảnh báo lũ lụt, bão… để hoạt động thường xuyên, bảo đảm tính đa mục tiêu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư và phục vụ hiệu quả cho đời sống nhân dân.

Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.