Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch

.

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý-BQL) thực hiện, tổ chức vào sáng 4-12. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kết luận tại buổi làm việc.  Ảnh: TRỌNG HÙNG
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Trên cơ sở báo cáo về việc triển khai các dự án do BQL thực hiện cũng như những vướng mắc, kiến nghị từ các sở, ban, ngành và các quận, huyện; đặc biệt là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng di dời giải tỏa để thực hiện dự án, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: những dự án mà BQL báo cáo đều là những dự án ưu tiên, có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; là những dự án mà thành phố đang phải gấp rút thực hiện.

Về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu, trong công tác này phải thực hiện rạch ròi, minh bạch ngay từ ban đầu, khi xác định giá trị của căn nhà hay đất nằm trong diện giải tỏa là bao nhiêu tiền. Công tác bố trí đất tái định cư cho người dân phải công khai, minh bạch về giá trị của từng lô đất theo từng khu vực, tuyến đường… Nếu không rõ ràng trong công tác bố trí tái định cư rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, nếu việc thực hiện bố trí tái định cư minh bạch, sòng phẳng chắc chắn sẽ đâu vào đấy. Người dân bốc thăm trúng vào lô đất nào nộp tiền đúng giá trị của lô đất đó sẽ không có người được bốc thăm trúng lô đất 1 mặt tiền và người được 2 mặt tiền mà tiền sử dụng đất phải nộp lại như nhau.

Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy cho rằng, hiện nay, việc triển khai dự án theo báo cáo của BQL và các quận, huyện chủ yếu là vướng công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đến ngày 31-12, các quận, huyện phải có báo cáo đánh giá về việc giao cho quận, huyện thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, đồng thời nêu rõ trách nhiệm thuộc quận, huyện theo phân cấp, phân quyền đã xử lý như thế nào.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng nên không triển khai được. Điều này lãng phí vô cùng. Trong khi đó, các dự án mà thành phố đang triển khai đều là những dự án ưu tiên, trọng điểm và có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. “Việc giải phóng mặt bằng phải trên cơ sở đồng thuận của người dân đã trở thành thương hiệu lâu nay của Đà Nẵng. Chúng ta không làm được là có lỗi với các thế hệ đi trước. Vì vậy đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần hết sức lưu ý tập trung vào công tác này”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Hiện thành phố còn 15.000 lô đất tái định cư. Đây là sự bất cập và lãng phí cũng như thiếu đánh giá mang tính xã hội học. Đất thì thừa, nhưng người dân lại không có đất xây nhà, bởi nó không phù hợp với chuyện tái định cư.

Quan niệm kiểu có đất tái định cư là “bốc” người dân đến chỗ này, chỗ khác là không ổn, mà cần phải gom lại xét các dự án tái định cư theo từng quận, huyện. Đối với các quận Thanh Khê và Hải Châu, nếu còn lại lô đất công nào, còn lại dự án nào có thể triển khai thì nhất thiết phải dành lại quỹ đất phục vụ cho người thu nhập thấp và hộ dân nằm trong diện tái định cư khi bị giải tỏa.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu, những người có trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư không được phép hứa về mặt chính sách. Chính sách và phương án là phải thực hiện. Riêng đối với thành phố, cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất là ngay cả điều chỉnh một vấn đề nào đó cũng phải đưa ra Hội đồng đánh giá xem cái nào phù hợp hay không phù hợp.

Bí thư Thành ủy hay Chủ tịch UBND thành phố không được hứa với người dân là bố trí 1 lô đất hay 2 lô đất, đường 5,5m hay 10,5m… Tuy nhiên, nếu thấy người dân đề xuất hợp lý, nên ghi nhận lại và trình Hội đồng giải phóng mặt bằng xem xét quyết định.

“Việc giải phóng mặt bằng sẽ quyết định thực hiện dự án và cũng quyết định thực hiện lời hứa của lãnh đạo thành phố đối với các nhà đầu tư. Mặt khác, nó còn thể hiện được sự thống nhất của toàn Đảng, toàn dân trong định hướng phát triển chung của thành phố”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.

Đề cập tới hợp phần của dự án hệ thống xe buýt nhanh BRT, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, đây là dự án đang được triển khai ở rất nhiều nước. Nhưng ở Việt Nam hiện chỉ có thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện.

Việc triển khai dự án này ở Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn, nếu thành phố và các sở, ngành không quyết tâm, không khéo dự án sẽ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, giả sử nếu chúng ta làm một dự án hoàn chỉnh đi chăng nữa nhưng thiếu sự quyết  tâm, tính kỷ cương cũng như sự ủng hộ của nhân dân thì chắc chắn sẽ thất bại.  

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, thành phố đã quan tâm và triển khai dự án này rất sớm; thành phố đang vay của Ngân hàng Thế giới để thực hiện. Vì vậy nếu chúng ta khai thác nhanh, triển khai sớm cũng như bảo đảm tiến độ của dự án sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Càng triển khai chậm, thành phố càng phải gánh thêm lãi suất vốn vay và vấn đề trượt giá.

Do đó, việc tập trung triển khai dự án phải quyết liệt vì lợi ích của người dân, bởi đây là dự án hướng tới sự phát triển bền vững của thành phố. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý các sở, ban, ngành phải thực hiện hết sức nghiêm túc dự án vì hiện tại nguồn vốn ODA không còn nhiều và đến giai đoạn hết thời gian ưu đãi về lãi suất.

Liên quan đến việc triển khai các dự án xử lý nước thải, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo Sở Xây dựng trong 3 tháng phải tập trung rà soát lại tất cả các dự án ven biển về tình trạng, quá trình xây dựng hệ thống kỹ thuật cũng như chất lượng nước thải đối với dự án ven biển và các tòa nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng; đồng thời sớm có giải pháp pháp xử lý bảo đảm về môi trường.

Sở Giao thông vận tải sớm có báo cáo đề xuất đề án phương tiện cá nhân và cấm một số phương tiện cá nhân ở một số khu vực.

Ban cán sự Đảng UBND thành phố phải có báo cáo về đề xuất sắp xếp cán bộ của các quận, huyện, phường, xã không làm tròn trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án.

Theo báo cáo của BQL, dự án phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của thành phố với tổng mức đầu tư 358,319 triệu USD.

Quy mô của dự án có 5 hợp phần gồm: cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải; hệ thống xe buýt nhanh BRT; các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược; tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án và các hoạt động được chuyển sang từ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2013 đến năm 2019.

Trọng Hùng
 

;
;
.
.
.
.
.