Báo chí phải vừa có tính chính trị sâu sắc, vừa có tính chiến đấu mạnh mẽ

.

Mở lối đi xuống biển cho người dân, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải, quy hoạch bán đảo Sơn Trà vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng, xử lý khiếu nại kéo dài ở Cồn Dầu… là những vấn đề “nóng” mà cử tri Đà Nẵng đặc biệt quan tâm trong năm 2018 đã được các cơ quan báo chí thành phố đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Bằng ngôn từ giàu chất chính luận và sắc nét, nhiều bài viết, phóng sự, thước phim của các cơ quan báo, đài có sức thuyết phục bạn đọc với những lập luận vững vàng, giàu tính chiến đấu và bám sát đời sống chính trị.

Qua đó, các trang báo đã mở ra cho người dân thành phố cái nhìn thấu đáo, tường tận hơn về những vấn đề “nóng”, bức xúc mà trước đây họ không hiểu đúng hoặc không hiểu hết, tránh để các phần tử xấu lợi dụng kích động.

Chính nhờ tính chính trị và tính chiến đấu thể hiện rõ nét qua mỗi trang báo mà hoạt động báo chí trên địa bàn đã phát huy hiệu quả vai trò là vũ khí sắc bén trong công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Cần quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi nghiệp vụ làm báo. trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018.Ảnh: xuân sơn
Cần quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi nghiệp vụ làm báo. trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018.Ảnh: xuân sơn

Sinh thời, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với báo chí trong những thời điểm đặc biệt. Đó là thời điểm lịch sử cần phải có tiếng nói chủ đạo để tổ chức phong trào cách mạng, hướng dẫn quần chúng nhân dân. Báo chí của Người thực sự là những “tờ hịch cách mạng” phát động phong trào đấu tranh của nhân dân, là “kim chỉ nam” cho hành động của người chiến sĩ cách mạng.

Người dạy rằng: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-1962), Người chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Và Người yêu cầu “tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Ðường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, báo chí có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có một nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí cách mạng Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định từ những năm 20 của đầu thế kỷ XX và đã thực hiện trong suốt 50 năm hoạt động báo chí của mình là báo chí luôn mang tính chính trị và tính chiến đấu, mục đích cuối cùng là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Quan điểm đó thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí cách mạng Đà Nẵng nói riêng.

Nền báo chí cách mạng Đà Nẵng đã trải qua gần 8 thập kỷ, cho đến nay có những bước phát triển mạnh mẽ về chất và lượng, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Thành ủy và chính quyền thành phố; là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để người dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu thành phố an bình, văn minh, hiện đại.

Dù ở giai đoạn nào, báo chí thành phố cũng bám sát định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước, thể hiện tính chiến đấu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ít nhà báo dám dấn thân vào hiểm nguy, lăn lộn trong thực tiễn để kiếm tìm những đề tài “nóng”, những vấn đề bức xúc mà người dân thành phố quan tâm và cho ra đời nhiều bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại.

Hầu như trong các bài báo ấy, tính chính trị và tính chiến đấu luôn song hành và hòa quyện vào nhau như một thực thể không tách rời. Nếu tính chính trị là “ngọn đuốc” soi đường trên mỗi trang báo thì tính chiến đấu được xem là linh hồn, là thương hiệu riêng của mỗi tờ báo.

Bàn về tính chính trị, giữa báo chí và chính trị có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ cho nhau. Một mặt, chính trị có trách nhiệm định hướng cho báo chí, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, tôn trọng tự do của báo chí.

Mặt khác, báo chí cũng phải đồng hành trách nhiệm với chính trị, phải là mạch đập của xã hội, phải tham gia vào đấu tranh xã hội, phải giữ vững tôn chỉ mục đích, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Tính chính trị của tờ báo thể hiện rõ nét ở việc phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sâu sát đời sống nhân dân và có khả năng định hướng dư luận.

Nhìn lại năm 2018, báo chí thành phố đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng cao, hình thức phong phú, đa dạng về những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Đà Nẵng; các chủ trương, chính sách nổi bật của thành phố như chương trình “Thành phố 4 an” gắn với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình “Thành phố 5 không”, “3 có”, chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, xây dựng nông thôn mới... Nhiều cơ quan báo chí phát huy thế mạnh của các loại hình, có sáng kiến mở các chuyên mục, đặt bài chuyên gia, mở tọa đàm, phỏng vấn nên thu hút được lượng lớn độc giả theo dõi.

Không chỉ đưa thông tin mà báo chí còn là kênh kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với hoạt động của chính quyền thành phố, cơ quan quản lý; đi đầu trong cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo; quản lý, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, báo chí còn bám sát, tích cực tham gia phản biện việc các chủ trương, chính sách của thành phố và các sở, ngành, để từ đó chính quyền thành phố đã lựa chọn tiếp thu một số vấn đề và có sự điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; phản ánh kịp thời thực tiễn cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh thành phố đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước...

Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, trong năm 2018, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Trong năm, đã có 444/519 vấn đề báo chí nêu (chiếm 86%) được các cơ quan, đơn vị phản hồi, xử lý kịp thời.

Tính chiến đấu của báo chí là chiến đấu vì lý tưởng, mục tiêu cách mạng; bảo vệ lợi ích của nhân dân, đề cao cái hay, cái đúng, cái đẹp; đồng thời đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những sai trái, tiêu cực trong xã hội và trong mỗi con người; đấu tranh với những âm mưu phá hoại của kẻ thù; qua đó thể hiện bản lĩnh, đạo đức và năng lực của cơ quan báo chí và người làm báo cách mạng.

Tính chiến đấu của báo chí hiện nay đòi hỏi phải phản ánh được những yêu cầu, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của người dân. Nhất là trước những thông tin đa chiều, phức tạp, báo chí phải phân tích, làm rõ cái đúng, cái sai, kịp thời và thường xuyên định hướng dư luận; phát hiện, biểu dương những con người và việc làm dũng cảm, tích cực đấu tranh vì lẽ phải, vì nhân dân.

Ðồng thời, báo chí phải kiên quyết, kịp thời, đấu tranh phê phán những hành vi thiếu lương tâm, trái với đạo đức trong xã hội, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong năm qua, báo chí thành phố đã mạnh dạn khai thác những “góc khuất” của xã hội; dũng cảm đấu tranh trên các mặt trận tư tưởng như: nêu rõ các hạn chế trong công tác quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường, công tác bảo đảm an toàn giao thông, công tác cán bộ; phát hiện hàng trăm tấm gương bình dị ở mảnh đất Đà Nẵng với những việc làm tốt, có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng…

Nhiều nhà báo từng trải, già dặn trong nghề nghiệp tiếp tục phát huy “ngòi bút” sắc bén của mình, thể hiện được bản lĩnh và tính chiến đấu trong từng tác phẩm, cùng với đó là đội ngũ những người làm báo trẻ ngày càng đông đảo, được đào tạo có nền nếp, có kiến thức rộng, khẳng định vị trí của mình trong làng báo thành phố.

Hàng trăm ngòi bút của làng báo thành phố đã tham gia, phát hiện, đấu tranh với cái xấu, cái ác, những hiện tượng tham ô, lãng phí, tiêu cực; biểu dương, cổ vũ, động viên những điển hình tiên tiến, cái tốt, cái đẹp trong đời sống xã hội, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và chính quyền thành phố, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Tính chính trị và tính chiến đấu của báo chí được thể hiện trên tất cả các thể loại, trong mỗi tác phẩm mà trước hết là ở chủ đề, nội dung, tính thuyết phục, nhân cách của nhà báo. Chúng ta biết rằng, trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng nghìn bài báo, với đủ các thể loại và dù ở thể loại nào cũng luôn toát lên tính chính trị sâu sắc và tính chiến đấu mạnh mẽ.

Tính chính trị và tính chiến đấu trong các bài báo của Bác không chỉ thể hiện ở lập luận đầy sức thuyết phục mà còn thể hiện đẹp đẽ trên mỗi trang báo qua việc biểu dương nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những hành động đẹp, những tấm lòng nhân ái; nhưng không hề “thờ ơ” trước những hiện tượng tiêu cực của xã hội. Trong bài giảng Cách viết tại lớp chỉnh Đảng Trung ương vào ngày 17-8-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn.

Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội, nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”.

Ðể nâng cao đạo đức nghề nghiệp theo tấm gương và lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ những người làm báo phải nâng cao nhận thức về tính chính trị và tính chiến đấu trong tình hình hiện nay, luôn rèn luyện về nghiệp vụ, đạo đức báo chí.

Báo chí thành phố cũng cần nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trước những yêu cầu, đòi hỏi của Ðảng, nhân dân, của sự nghiệp cách mạng để kịp thời khắc phục, sửa chữa, xứng đáng với danh hiệu cao quý là người tuyên truyền, cổ động và người tổ chức quần chúng.

Muốn làm được điều này, thông tin báo chí thành phố phải phản ánh khách quan, chân thực đời sống của nhân dân; phải bảo đảm tính thời sự, chất lượng và giá trị, phải mang tính dự báo và định hướng dư luận xã hội, từng bước tạo ra chuyển biến trong tư duy, suy nghĩ và hành động của nhân dân.

Báo chí phải là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát hiện những nhân tố mới, những gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong thời đại 4.0, thách thức cận kề đối với người làm báo chính thống khi sức mạnh của mạng xã hội đã thể hiện rõ ràng, nhà báo cũng cần có các yêu cầu mới. Những người cầm bút cần phải tiếp cận, thanh lọc thông tin, tuyên truyền một cách đúng đắn và hiệu quả nhưng cũng phải thật chính xác, phải lột tả được bản chất của sự thật.

Vì vậy, đi đôi với đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm, các cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi nghiệp vụ làm báo. Từ đó mới có thể sản sinh ra những tác phẩm báo chí tác động tích cực, hiệu quả đến xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2019.

Bùi Xuân
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy

;
;
.
.
.
.
.