Đà Nẵng xác định chương trình giảm nghèo là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và cụ thể hóa vào Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, các chỉ tiêu đề ra trong Đề án giảm nghèo 2016-2020, tính đến cuối năm 2018 cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, cụ thể: chỉ tiêu về vốn, y tế, giáo dục, chính sách bảo trợ xã hội bảo đảm cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận; chính sách về nhà ở vượt 109,17%; 99,1% hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo, thành phố cơ bản hoàn thành đề án trước 2 năm.
Có thể nói, bên cạnh thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, Đà Nẵng đã ban hành một số chính sách đặc thù để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố. Đó là nâng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo xây mới từ 30 lên 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa từ 15 triệu đồng lên 20 triệu đồng/nhà; miễn giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước...
Đó còn là việc ưu tiên xem xét bố trí chung cư cho hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân thuộc hộ nghèo; hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương; cho vay không lãi suất đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, mức vay 30 triệu đồng/hộ, trong vòng 3 năm, miễn học phí cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông con hộ thoát nghèo 2 năm; nâng mức đóng bảo hiêm y tế (BHYT) cho hộ nông lâm, ngư nghiệp lên 50%; hỗ trợ tiền điện mở rộng đến hộ nghèo theo chuẩn của thành phố…
Song song đó, thành phố tiếp tục trợ cấp hằng tháng cho người thuộc hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo bị ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo, mức 500.000 đồng/người/tháng; và tiếp tục hưởng 2 năm sau khi thoát nghèo; hỗ trợ thêm mức 300.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng đã hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành và mức 500.000 đồng/người/tháng đối với người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi, ốm đau thường xuyên, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội và tiếp tục hưởng 2 năm sau khi thoát nghèo…
Như vậy, trong 3 năm (2016-2018), với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố đạt những kết quả quan trọng. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành và triển khai thực hiện. Các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo được giải quyết kịp thời. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất được quan tâm thực hiện tạo điều kiện cho người nghèo có vốn để đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập.
Chính sách hỗ trợ về y tế, hỗ trợ xóa nhà tạm, bố trí chung cư cho hộ nghèo được thực hiện tốt. Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đời sống của đại bộ phận của hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện trên nhiều mặt.
Kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua, một mặt nhờ quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể và các địa phương, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, mặt khác nhờ sự tác động tích cực của các chính sách mang tính đặc thù của thành phố trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo như: trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, nhà ở, y tế, giáo dục, phương tiện sinh kế, vốn vay ưu đãi... Phương pháp và cách thức tổ chức triển khai thực hiện năng động, quyết liệt, sáng tạo, chặt chẽ, sát với từng hộ nghèo nên hiệu quả mang lại thiết thực, toàn diện và bền vững.
Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng, một số chính sách giảm nghèo còn dàn trải, phân tán, tính hiệu quả chưa cao. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức giảm nghèo tuy đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện nhưng hình thức truyền thông, đối thoại thông qua cộng đồng chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, một số địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng hộ chưa cụ thể và phù hợp nên tính bền vững trong thoát nghèo của hộ nghèo chưa cao. Việc làm cho người lao động nghèo vẫn là một vấn đề bức xúc. Các địa phương có nhiều khu chung cư, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo khá lớn.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý và thực hiện các chính sách đối với những hộ này chưa kịp thời. Một hạn chế nữa là một số cán bộ làm công tác giảm nghèo ở địa phương tuy đã được đào tạo, tập huấn về công tác quản lý, tổ chức thực hiện chương trình nhưng năng lực tham mưu triển khai còn gặp nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn mang nặng tâm lý nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc đánh giá, nhận diện hộ nghèo, hộ thoát nghèo còn nhiều bất cập, độ chính xác chưa cao...
Đà Nẵng đang thực hiện chuẩn nghèo mới áp dụng trong 2 năm (2019-2020). Với chuẩn nghèo mới, toàn thành phố có gần 20.000 hộ nghèo (thêm gần 17.000 hộ nghèo theo chuẩn mới và 2.300 hộ nghèo còn lại của chuẩn cũ). Như vậy, để giảm nghèo theo chuẩn mới, cần có sự quyết tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Các chính sách mới được ban hành triển khai phải gắn với mục tiêu phát triển và bảo đảm an sinh xã hội; tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.
Đặc biệt, những giải pháp đề ra của chương trình phải thiết thực mang tính khả thi tập trung vừa đầu tư phát triển cơ sở vật chất vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ không mang tính chất cho không. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bền vững, cần nhiều hơn các giải pháp như: hướng dẫn làm ăn, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định; có kế hoạch lộ trình triển khai cụ thể, huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực và tiềm năng tại chỗ. Bộ LĐ-TB&XH cũng cần xây dựng thêm các chính sách đối với hộ cận nghèo bởi một số chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo hiện nay chưa đủ cơ sở để giúp hộ cận nghèo thoát cận nghèo một cách bền vững.
KIM NGÂN