Cảnh giác cháy, nổ ở các chợ dịp Tết

.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa đổ về các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều; đặc biệt trong đó có các mặt hàng dễ cháy như: áo quần, hương đèn, vàng mã… Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong dịp này luôn được đặt lên hàng đầu.

Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và bảo vệ chợ Cồn hướng dẫn tiểu thương chợ sử dụng bình chữa cháy xách tay. 					Ảnh: THU THẢO
Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và bảo vệ chợ Cồn hướng dẫn tiểu thương chợ sử dụng bình chữa cháy xách tay. Ảnh: THU THẢO

Chợ Cồn có hơn 2.000 hộ kinh doanh. Trong những ngày cận Tết, lượng hàng hóa được các tiểu thương đưa về rất nhiều, trong đó có nhiều mặt hàng dễ cháy như: vàng mã, hương đèn, giày dép, áo quần.

Ông Đoàn Quốc Hùng, Phó Ban quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, những ngày giáp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa và người dân tập trung về đây gấp đôi so với ngày thường; vì thế, bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn (CHCN), Công an thành phố trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, BQL chợ thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp thờ cúng, thắp hương, xông trầm, mắc điện không an toàn.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, tại chợ đã trang bị trên 200 quả cầu tự động ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ, trên 600 bình chữa cháy xách tay; đồng thời trang bị hệ thống nước ngầm với 360 khối nước và hệ thống bơm điện hiện đại. Hệ thống điện được tách làm 3 nguồn, gồm nguồn điện của hộ kinh doanh (vận hành từ 6 giờ đến 19 giờ), nguồn điện bảo vệ và nguồn điện ưu tiên công tác PCCC hoạt động 24/24 giờ.

“Những ngày giáp Tết (từ 20 đến 30 tháng Chạp), BQL chợ tăng cường lực lượng bảo vệ, trực 24/24 giờ, túc trực xe chuyên dụng PCCC để ứng phó kịp thời”, ông Đoàn Quốc Hùng nói.

Tại chợ Hàn, sau ngày 15 tháng Chạp, lượng hàng hóa về chợ ngày một tấp nập. Chị Mai Thị Hoa (chủ quầy hàng hương đèn) cho biết, để phòng tránh cháy nổ xảy ra, quầy luôn hạn chế việc thắp hương, việc treo, móc hàng hóa cũng tránh xa khu vực dây điện.

Ông Dương Văn Thanh, Tổ trưởng tổ PCCC chợ Hàn cho hay: “Để bảo đảm an toàn cháy nổ tại chợ trong dịp Tết, chúng tôi sắp xếp hợp lý các ngành hàng dễ bắt lửa ở gần ngành hàng khó bắt lửa; trưng bày hàng hóa theo đúng quy định, treo móc hàng hóa xa thiết bị điện, đường dẫn điện…; đồng thời tổ chức kiểm tra, vận hành các thiết bị PCCC, máy bơm, máy nổ, luyện tập phương án PCCC, bảo đảm công tác PCCC luôn sẵn sàng”.

Công an phường Hải Châu 2 (quận hải Châu) và bảo vệ chợ Cồn kiểm tra hệ thống chữa cháy tại chợ Cồn.
Công an phường Hải Châu 2 (quận hải Châu) và bảo vệ chợ Cồn kiểm tra hệ thống chữa cháy tại chợ Cồn.

Trong khi đó, siêu thị Big C Đà Nẵng có hơn 50.000 mặt hàng dân dụng, với 4 tầng kinh doanh và 1 tầng hầm gửi xe. Những ngày gần Tết, lượng hàng hóa tập kết tại đây rất lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

“Để bảo đảm an toàn, từ tháng 4-2018, siêu thị tổ chức diễn tập PCCC quy mô lớn cho lực lượng chữa cháy cơ sở và nhân viên siêu thị. Riêng năm nay, siêu thị đã xây dựng các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ từ rất sớm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng và các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định liên quan đến an toàn cháy nổ”, ông Hồ Công Phước, phụ trách an ninh và PCCC siêu thị cho biết.

Nhiều chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn thành phố như: chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê), chợ Đống Đa (quận Hải Châu), siêu thị Mega, Lotte, Co.opmart… cũng tăng cường công tác PCCC. Đại úy Trần Thanh Hải, Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an thành phố cho biết, để chủ động bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung và PCCC tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại nói riêng, Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an thành phố đã ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, lực lượng kiểm tra, xử lý các vi phạm, yêu cầu cơ sở khắc phục, bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; đồng thời phối hợp tổ chức thực tập phương án PCCC tại các cơ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, tránh bị động khi có cháy, nổ xảy ra; phối hợp tuyên truyền tại các điểm và lưu động đến với nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp luôn bảo đảm nhân lực và phương tiện ứng trực 24/24 giờ. Bên cạnh đó, từ ngày 26-1 đến 4-2, Phòng bố trí lực lượng và phương tiện (6 cán bộ chiến sĩ và 1 xe chuyên dụng PCCC) túc trực, bảo vệ tại chợ Cồn.

Đại úy Trần Thanh Hải khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại cần tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, báo cháy, chữa cháy tự động và các phương tiện chữa cháy; sắp xếp hàng hóa hợp lý, thông thoáng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, không lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn; bố trí, tăng cường lực lượng PCCC cơ sở trực bảo vệ 24/24 giờ. Các hộ cẩn trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn điện, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi đun nấu, thắp hương, thờ cúng; kiểm tra và thay thế các thiết bị điện đã cũ; đóng, tắt các thiết bị điện khi đi ra ngoài; trang bị bình chữa cháy tại nhà.

Đại úy Trần Lê Minh Dũng, Phó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an thành phố cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 371 vụ cháy, thiệt hại hơn 468 triệu đồng. Trong đó có 80 vụ cháy nhà dân, 38 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, 8 vụ cháy phương tiện giao thông, 7 vụ cháy khu chung cư, còn lại là lĩnh vực khác (theo chỉ tiêu thống kê mới theo quy định của Bộ Công an) như: cháy cỏ, rác, biển quảng cáo, trạm biến áp… 238 vụ. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống điện, 207 vụ (chiếm 55,8% số vụ cháy).

Bài và ảnh: THU THẢO

;
;
.
.
.
.
.