Dạy thể thao miễn phí cho trẻ em

.

Gần 8 năm nay, ông Vũ Tiến Ninh (SN 1960, trú thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trở thành thầy giáo dạy thể thao cho hàng chục trẻ em xã miền núi Hòa Bắc. Ông Ninh chưa qua một khóa nghiệp vụ giảng dạy nào, thế nhưng vẫn được các em gọi bằng cái tên đầy thân thương: “Thầy Ninh”.

Một buổi tập luyện cầu lông của thầy Ninh và các em nhỏ.
Một buổi tập luyện cầu lông của thầy Ninh và các em nhỏ.

Ngày bé, ông Ninh vốn ham học và mê thể thao. Vì điều kiện sức khỏe và kinh tế gia đình, ông sớm bỏ dở chuyện học hành. Năm 19 tuổi, ông viết đơn xin vào làm việc trong ngành đường sắt. Thời gian này, ông được cơ quan cử đi học lớp năng khiếu bóng đá và trở thành đội trưởng đội bóng đá ngành đường sắt Đà Nẵng. Đội bóng dần lớn mạnh và đi giao lưu khắp các tỉnh bạn, đạt được nhiều giải thưởng cao.

Năm 2010, ông lập gia đình và chuyển về sống tại xã Hòa Bắc. Thời gian này, ông chứng kiến nhiều em nhỏ không có sân chơi lành mạnh sau giờ học. Các em đa phần tìm đến các trò chơi điện tử; ra sông, suối chơi đùa nguy hiểm. Mặt khác, nhìn nhiều em nhỏ yêu thích thể thao nhưng không có điều kiện tiếp tục tập luyện, ông Ninh đau đáu tìm cách giúp đỡ. “Có lần tôi tình cờ xem các em nhỏ thi đá bóng ở trường. Nhìn các em yêu thích đá bóng nhưng thiếu kiến thức nên tôi ấp ủ dự định sẽ dạy đá bóng cho tụi nhỏ. Tôi nói với các cháu sẽ đi xin bóng về tập cho các cháu”, ông Ninh nhớ lại.

Ông Ninh lần lượt tìm đến các bạn bè, đồng nghiệp ngày xưa từng chơi bóng để xin hỗ trợ. Ông xin số bóng cũ, quả cầu lông cũ của các đội luyện tập để lại; xin kinh phí sắm từng bộ quần áo, từng đôi giày cho các em. Có bóng, có cầu lông, nhưng làm sao để các em đến lớp đều đặn và duy trì lâu dài. Ông lại cọc cạch đến gõ cửa từng nhà thuyết phục bố mẹ các em cho con theo học. Nhiều phụ huynh thấy ông làm cái việc “dở người” chép miệng: “Chắc cũng chỉ dạy được năm ba bữa rồi thôi”...

Sau khi vận động, ông thành lập được một lớp bóng đá khoảng 13 em từ 10 đến 13 tuổi. Để thuyết phục được phụ huynh, ông động viên các em đến lớp đều đặn vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và các buổi sáng để luyện tập. Nhờ chăm chỉ luyện tập, đội bóng đạt được nhiều giải cao trong các phong trào do huyện và thành phố tổ chức. Từ thành công ban đầu, ông Ninh tiếp tục đào tạo thêm một lớp bóng đá gồm 14 em và lớp cầu lông 5 em. Nhờ những kiến thức, kinh nghiệm từ “thầy Ninh”, lớp cầu lông có một em 4 năm liền đoạt giải nhất huyện, một em 3 năm liền đoạt giải nhất huyện. Còn lớp bóng đá thì “thi đâu thắng đấy”, đưa phong trào thể thao của Hòa Bắc dần đi lên.

Năm 2014, ông Ninh xin nghỉ hưu do mất sức. Sau khi nghỉ hưu, lẽ ra nên nghỉ ngơi nhưng ông lại tiếp tục trăn trở tìm cách đưa phong trào thể thao của Hòa Bắc đi vào ổn định. Đầu năm 2018, ông đề xuất và xin thành lập lớp bóng đá bậc tiểu học gồm 13 em, bậc trung học gồm 15 em và lớp cầu lông gồm 14 em. Hiện nay, các lớp bóng đá, cầu lông tham gia tập luyện ổn định. Đều đặn thứ ba, năm hằng tuần, lớp bóng đá tham gia luyện tập; thứ tư, sáu lớp cầu lông luyện tập; ngày thứ bảy và chủ nhật là tổng kiểm tra. Thời gian luyện tập cố định từ 16 giờ đến 18 giờ 30 hằng ngày. Bên cạnh đó, ông cũng nhận hướng dẫn cho một lớp bóng bàn 5 học sinh và một câu lạc bộ cầu lông cho người lớn với 9 thành viên.

Các em tham gia học lớp bóng đá, cầu lông của ông Ninh hoàn toàn miễn phí. Hằng ngày, nhìn các em say mê luyện tập với quả bóng tròn, với cây vợt cầu lông, ông Ninh như sống lại những ngày niên thiếu đam mê bóng đá. “Thấy các em được luyện tập bài bản, thi đấu và đạt nhiều giải thưởng cao, tôi hạnh phúc và hãnh diện lắm. Từ nền xi-măng mà luyện các em thành tài. Từ một người không biết cầm vợt trở thành người chiến thắng nhiều năm liền. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với tôi”, ông Ninh tâm sự.

Trong thời gian tới, ông Ninh hướng đến thành lập câu lạc bộ bóng đá trẻ, câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn và bộ môn cờ tướng cho người cao tuổi với hy vọng đưa phong trào thể dục thể thao tại xã miền núi Hòa Bắc ngày một phát triển vững mạnh.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.