40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Giữ vững nền hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

.

Rạng sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Lai Châu, với quân số hơn 600.000 người (32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng lực lượng lớn dân quân và dân công).

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang.  									                       Ảnh: TRUNG TIẾN
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: TRUNG TIẾN

Do đang tập trung ở mặt trận Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên lãnh thổ Campuchia nên lực lượng tại chỗ của Việt Nam chỉ có 6 sư đoàn của Quân khu I và Quân khu II (các sư đoàn: 325B, 3, 346, 316A, 345, 326) cùng bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân du kích, tất cả chỉ khoảng 50.000 người. Tương quan lực lượng buổi đầu của cuộc chiến quá sức chênh lệch là 1-12.

Đối phương dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, lấy “biển người” để đồng loạt tấn công các vị trí xung yếu ở 6 tỉnh biên giới. Bộ đội và dân quân các nơi tuy bị áp đảo về quân số, nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu, chặn đứng từng bước và làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thọc sâu, tiêu diệt lớn” của chúng, tiêu hao số lượng lớn sinh lực địch. Sau 16 ngày chiến đấu cầm chân địch bằng lực lượng ít ỏi tại chỗ, các quân đoàn chủ lực từ Campuchia và ở Tây Nam đã dùng cầu không vận với sự giúp sức của không quân Liên Xô tăng viện lên biên giới phía Bắc, tương quan lực lượng thay đổi. Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ban hành lệnh tổng động viên, thể hiện quyết tâm quét sạch quân xâm lược để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Không thực hiện được kế hoạch đề ra và đứng trước nguy cơ bị tổn thất trầm trọng thêm bởi những đơn vị thiện chiến của Việt Nam đã tăng cường, trưa 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và bắt đầu rút quân.

Ngày 7-3-1979, Việt Nam thể hiện thiện chí hòa bình và lòng nhân đạo, tuyên bố cho phép Trung Quốc rút lui mà không rượt đuổi hay đánh chặn. Trung Quốc hoàn thành việc rút quân vào ngày 18-3-1979 với tuyên bố không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đóng giữ một số vị trí dọc tuyến biên giới, phá hủy nhiều cột mốc và vẫn đồn trú lực lượng quân sự trên suốt chiều dài biên giới hai nước, tiếp tục khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Nhằm làm cho thế giới biết rõ tính chính nghĩa của mình, ngày 15-3-1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố bị vong lục về vấn đề biên giới Việt-Trung, lên án cả việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau ngày 18-3-1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, thường xuyên chủ động tiến hành các cuộc giao chiến nhỏ dọc tuyến biên giới xen kẽ với những chiến dịch lớn trên đất liền và cả trên lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông, tiến hành chiếm đóng trái phép một số vị trí trên đất liền và hải đảo của Việt Nam suốt hơn 10 năm.

Các cuộc giao chiến chính trong giai đoạn sau ngày 18-3-1979 đến tháng 9-1989 tập trung ở Cao Bằng (tháng 6 và tháng 7-1980); Lạng Sơn và Hà Giang (tháng 5 và tháng 6-1981, tháng 4 đến tháng 7-1984); Hà Giang (tháng 6-1885, tháng 10-1986 đến tháng 1-1987, tháng 4-1987 đến tháng 9-1989); quần đảo Trường Sa (ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đánh chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma). Chiến sự đạt đến cao điểm nhất trong 10 năm này kể từ sau tháng 2 và 3-1979 là giai đoạn 1984-1985, tập trung ở mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang.

Trong trận chiến tháng 2 và tháng 3-1979, phía Trung Quốc có khoảng 62.500 lính thương vong; 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị thiệt hại nặng; 550 xe quân sự các loại bị phá hủy; 115 khẩu pháo, súng cối hạng nặng bị tịch thu. Phía Việt Nam bị tổn thất rất nặng nề: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị chết và thất lạc; hàng chục nghìn ha hoa màu tan nát; nhà cửa và tài sản nhân dân bị hủy hoại nghiêm trọng; khoảng 8.000 chiến sĩ hy sinh và 10.000 thường dân thiệt mạng, chưa tính số bị thương.

Về các trận chiến từ sau ngày 18-3-1979 đến tháng 9-1989, chỉ mới tính riêng ở Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang trong 5 năm (từ tháng 4-1984 đến tháng 5-1989), phía Trung Quốc đã huy động gần 50 vạn quân gồm 17 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn-lữ đoàn pháo binh cùng các đơn vị sơn cước, công binh, thông tin, vận tải của các Đại quân khu Côn Minh (6-1985 sáp nhập với Đại quân khu Thành Đô), Phúc Châu (6-1985 sáp nhập với Đại quân khu Nam Kinh), Tế Nam, Lan Châu, Nam Kinh và Thành Đô.

Cùng thời gian đó, phía Việt Nam tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên cấp sư đoàn có F313, F314, F316, F356 của Quân khu II; F3, F322 của Quân khu I; F328 của Đặc khu Quảng Ninh; quân chủ lực của Bộ có F312 của Quân đoàn I, F325 của Quân đoàn II, F31 của Quân đoàn III. Ngoài ra, phía Việt Nam tham gia chiến đấu cấp trung đoàn còn có E247 của tỉnh ghép Hà Tuyên, E754 của Sơn La; cùng các lữ đoàn pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin, vận tải và một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Quân khu II.

Trong 5 năm giao chiến ở Vị Xuyên, Trung Quốc bị tổn thất hàng ngàn quân, còn phía Việt Nam có trên 3.700 liệt sĩ và hàng ngàn lính bị thương. Hiện nay, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia ở Vị Xuyên có 1.756 mộ liệt sĩ quê ở 32 tỉnh, thành đã quy tập, còn trên 2.000 liệt sĩ hy sinh tại Vị Xuyên vẫn chưa tìm được hài cốt.

Ngày 26-9-1989, quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế và rút khỏi Campuchia. Trong tháng này, quân Trung Quốc cũng rút hết lực lượng khỏi các vị trí chiếm đóng trước đó của Việt Nam ở Hà Giang (ngoại trừ các bãi đá ở Trường Sa đã chiếm đóng). Chiến tranh chấm dứt, mở ra quá trình thương lượng bình thường hóa giữa hai bên ở Thành Đô (3-9-1990). Đến ngày 10-11-1991, hai bên ra “Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc ” tại Bắc Kinh, chính thức khẳng định việc bình thường hóa giữa hai nước.

Bình thường hóa quan hệ giữa các nước sau chiến tranh là nhu cầu thiết yếu và hết sức tốt đẹp cho tất cả các bên tham chiến mà Việt Nam đã thực hiện rất thành công với Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên, với Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.

Nhân 40 năm mở đầu và 30 năm kết thúc “Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1989)”, phải thấy được cốt lõi vấn đề là trong bối cảnh chính trị-kinh tế-xã hội khó khăn, Hoa Kỳ còn bao vây cấm vận Việt Nam, quan hệ khu vực và quốc tế phức tạp, nhưng biết bao thế hệ công dân Việt Nam tham gia lực lượng vũ trang và đồng bào đã đồng tâm chiến đấu gian khổ, kiên cường, bất khuất, rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống vì Đất Mẹ, mới đổi lấy được nền hòa bình. Vì thế, minh bạch quá khứ là nhận thức hết sức cần thiết, không phải để khơi sâu hận thù dân tộc, mà để hiểu biết, tôn trọng lịch sử và cảm thông lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp bền vững của tương lai!
Càng trân trọng truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, các thế hệ con dân Việt Nam hôm nay và mai sau cần phải biết nâng niu, quý trọng và giữ vững nền hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

(Cựu Trinh sát Trung đoàn Thành đồng Biên giới (E165), Sư đoàn 312, Quân đoàn I, chiến đấu ở Vị Xuyên - Hà Giang trong Chiến dịch MB 84)

;
;
.
.
.
.
.