40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (17-2-1979 - 17-2-2019)

Quảng Nam - Đà Nẵng với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc

.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cùng cả nước bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh.

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979.  (Ảnh tư liệu của Báo Quân đội nhân dân)
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh tư liệu của Báo Quân đội nhân dân)

Trong những năm đầu sau chiến tranh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cùng cả nước tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, nhất là vào thời điểm đầu năm 1979. Lúc này, đối với Campuchia, ngày 26-2-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 15/CT-TV “về việc tổ chức cuộc vận động cứu trợ nhân dân tỉnh Stung Treng (Campuchia)”.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang mở cuộc vận động nhân dân quyên góp công cụ sản xuất và phương tiện sinh hoạt cứu trợ nhân tỉnh Stung Treng; kêu gọi đồng bào, chiến sĩ vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội hãy ra sức tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, vững bước tiến lên, hăng hái, dũng cảm, bình tĩnh, thông minh và sáng tạo, vượt qua mọi thử thách, giành chiến thắng rực rỡ trong cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay của nhân dân ta.

Đối với biên giới phía Bắc, đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương, cùng với các tỉnh bạn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang, ra mặt trận lên tuyến trước xây dựng phòng tuyến chống quân thù.

Vào tối 4-3-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng họp bất thường quyết định các vấn đề khẩn cấp (1). Lúc 4 giờ 30 chiều 5-3-1979, hàng ngàn người dân Đà Nẵng, huyện Hòa Vang kéo đến dự mít-tinh tại sân vận động Chi Lăng để phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc (2). Ngay buổi tối ngày 5-3-1979, trên khắp các tuyến đường, thôn xóm trong toàn thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và các huyện khác trong tỉnh, nhân dân cầm cờ, băng rôn, khẩu hiệu tuần hành phản đối hành động của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Thành ủy, Ủy ban MTTQ các phường, xã của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang tổ chức hội nghị Diên Hồng thề quyết tâm đánh trả quân xâm lược.

Chỉ qua một đêm, khoảng 7 giờ sáng hôm sau (6-3-1979), thầy trò Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng mít-tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và phát động lòng yêu nước trong toàn trường. Đặc biệt, với khí thế của tuổi trẻ, hàng ngàn thầy trò Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cùng các Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và các trường khác rầm rộ xuống đường hô vang các khẩu hiệu, biểu dương sức mạnh và ý chí quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Lúc bấy giờ, cả khu vực Hòa Khánh rợp bóng cờ và biểu ngữ với thầy trò các trường nối tiếp nhau cùng những tiếng hô vang dội và đanh thép, khí thế thật hào hùng.

Cùng lúc, ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, Trường THPT Phan Châu Trinh cũng tổ chức mít-tinh và xuống đường, cả ngàn giáo viên, học sinh diễu hành qua các đường phố lớn, cùng nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, với chủ trương “làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quán triệt tinh thần mỗi bản làng, mỗi hợp tác xã, xí nghiệp, mỗi quận/huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh/thành là một chiến trường, cả nước là một chiến trường lớn, hậu phương và tiền tuyến gắn bó làm một, với khẩu hiệu cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”(3), Thành ủy Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã vận động nhân dân cùng lực lượng vũ trang tăng cường công tác xây dựng trận tuyến quốc phòng toàn dân, lập các trạm canh gác ở những địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác củng cố lực lượng dân quân, tổ chức tuần tra canh gác, đề cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến trường.

Để xây dựng phòng tuyến ven biển, nhân dân Đà Nẵng, Hòa Vang đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công, gốc tre, dây thép gai rào bảo vệ hành lang dọc ven biển. Trên tất cả xóm làng, nhân dân Đà Nẵng, Hòa Vang hăng hái thực hiện chủ trương “tất cả cho tiền tuyến”, “ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm” để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp huy động nhân tài, vật lực để xây dựng các công trình phòng thủ như đèo Hải Vân, Phước Tường, Non Nước; tham gia xây dựng cụm làng xã chiến đấu thí điểm do Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện ở Hòa Hải - Bắc Mỹ An.

Với quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, cùng sự phản đối mạnh mẽ của dư luận thế giới đối với cuộc xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc, ngày 7-3-1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân, đến ngày 20-3-1979, phần lớn quân Trung Quốc rút về bên kia biên giới. Có thể khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979, bảo vệ chủ quyền dân tộc của Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, là sự thắng lợi có tính bước đầu, nhưng có ý nghĩa to lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong đó, quân và dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã góp phần cùng cả nước vào sự thắng lợi chung này, bảo đảm an ninh chính trị, ổn định đời sống.

VÕ HÀ

(1) Lúc 6 giờ chiều ngày 4-3-1979, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

(2) Cấp quận/huyện thuộc tỉnh tổ chức lúc 4 giờ 30 chiều; cấp xã/phường tổ chức buổi tối; đối với các cơ quan chung quanh tỉnh và Trung ương đóng trên địa phương tổ chức lúc 6 giờ 30 tối do Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì. “Thông tri ngày 5-3-1979, về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4-3-1979”. Hồ sơ P-XIII-64. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(3) Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: “Nghị quyết số 04/NQ-TV, ngày 20-3-1979 về tình hình và nhiệm vụ toàn tỉnh trong cuộc kháng chiến chống bọn Trung Quốc xâm lược”. Tài liệu lưu tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng.

;
;
.
.
.
.
.