40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc (17-2-1979 – 17-2-2019)

Từ Mê Kông đến Kỳ Cùng

.

Ngày 27-2-1979, từ thị xã Cam Pốt, Campuchia, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 thực hiện một cuộc hành quân thần tốc lần thứ 3 bằng các phương tiện (cơ giới đường bộ, hàng không…) trở về sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc.

Các chiến sĩ chuẩn bị khí tài chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. Ảnh: TTXVN
Các chiến sĩ chuẩn bị khí tài chiến đấu trên mặt trận Hà Tuyên. Ảnh: TTXVN

Trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3-1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của quân và dân ta diễn ra quyết liệt. Khi còn chiến đấu ở xa Tổ quốc, Trung đoàn 95 vẫn giữ vững niềm tin tất yếu quân và dân ta sẽ giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong lúc cả đơn vị đang dồn sức cho cuộc hành quân thì từ sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát lên bài hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...”.

Bài ca như lời hiệu triệu thúc giục người dân Việt đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Bài ca tạo thêm sức mạnh, ý thức chấp hành nghiêm mệnh lệnh với tinh thần tích cực, khẩn trương cho cuộc hành quân thần tốc đưa toàn bộ lực lượng và phương tiện của Trung đoàn từ 27-2 đến 15-3-1979 đến vị trí tập kết đúng quy định trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện nhiệm vụ trên giao, đơn vị tổ chức ngay một đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa ở khu vực Lạng Sơn.

Sau một cuộc hành quân đường dài bằng nhiều phương tiện, không một ngày ngưng nghỉ, toàn Trung đoàn hối hả, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Nhưng sau thời gian đi chuẩn bị chiến trường các phương án chiến đấu được hình thành, thì tình hình có những diễn biến khác. Bởi những đòn phản công tự vệ quyết liệt của quân và dân ta và phản ứng mạnh mẽ của dư luận tiến bộ toàn nhân loại, Trung Quốc đã cho rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta trên vùng biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17-2-1979 đã tạm kết thúc. Trung đoàn 95 được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ động và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu.

Là Phó trung đoàn trưởng, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy bộ đội làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu ở nhà dân trong những ngày sống trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái. Được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Trong thời gian rất ngắn nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 đã để lại dấu ấn tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào các dân tộc địa phương.

Sau khi kết thúc một giai đoạn của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, đặc biệt là thế trận phòng thủ của ta trên toàn tuyến biên giới được củng cố, tăng cường, từ cuối tháng 3-1979, Trung đoàn 95 được lệnh về đứng chân ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một Trung đoàn chủ lực cơ động nằm trong đội hình của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 sẵn sàng nhận nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới.

Thực hiện nhiệm vụ trên giao, vừa huấn luyện diễn tập nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đến tháng 3-1988, Trung đoàn ngược dòng sông Lô - dòng sông đã từng ngân vang bản trường ca thời đánh Pháp, giục bước Trung đoàn 95 tiến vào mặt trận mới chốt giữ tuyến biên ải ở Vị Xuyên, Hà Giang.

Trong thời gian này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân bền chặt, tạo được điểm tựa vững chãi trong lòng các đồng bào dân tộc ở Vị Xuyên, Hà Giang. Ngày 17-3-1988, Trung đoàn vào khu vực tập kết chiến đấu bí mật tại nông trường Việt Lâm. Các tiểu đoàn lần lượt vào chốt giữ các khu vực: Đồi Cô Ích, 6A, 6B, Si Gió Gạo, Pháp 1, Pháp 2, Đồi Dài, Cót Ép, A21, H6, Hang Giữa, Núi Phong Lan, Nòng Tòng...

Sau gần một tháng, Trung đoàn đã hoàn thành tốt cuộc hành quân đường dài, tổ chức thay phiên cho các đơn vị bạn an toàn, bí mật, triển khai kịp thời phương án tác chiến, xây dựng hệ thống công sự hầm hào, quyết bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối diện trận địa phòng ngự của Trung đoàn, đối phương rất manh động và khiêu khích... Song, được rèn luyện, giáo dục, quán triệt tốt nhiệm vụ nên bộ đội ta biết kiềm chế trước mọi động thái của đối phương, chỉ đánh trả khi chúng gây tội ác với đồng bào, đồng chí. Nhiều lần, đối phương đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo sang phía sau trận địa phòng ngự của Trung đoàn và vào sâu các vùng định cư của nhân dân ta. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã kịp thời chặn đứng bàn tay gây tội ác của chúng.

Nắm chắc thủ đoạn chiến đấu và quy luật hoạt động của hỏa lực đối phương, cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh trụ bám kiên cường trên các chốt tiền tiêu. Và từ đây đã tạo nên thế trận sau gần 200 ngày đêm làm nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trực tiếp - tiếp xúc ở tuyến trước, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã mưu trí, sáng tạo bằng trí tuệ và công sức kể cả xương máu để cải tạo địa hình, tạo nên thế trận phòng ngự liên hoàn vững chắc với một hệ thống trận địa dựa vào các hang, hốc đá, đào đắp công sự, hầm hào hoàn chỉnh tạo thành “lũy thép” ngăn bước tiến của đối phương.

Suốt một dải điểm tựa trên núi đá tai mèo từ A2 đến đồi Cô Ích, hằng ngày đối phương thường xuyên dùng pháo binh với mật độ cao đánh vào các trận địa phòng ngự của bộ đội ta và vào sâu khu vực định cư của nhân dân. Bộ đội ta rất kiên trì và thực hiện phương châm “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn...”, bằng phương pháp tuyên truyền đặc biệt (địch vận), kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và chính trị trong tác chiến phòng ngự để kêu gọi đối phương không nên manh động, khiêu khích, dùng hỏa lực đánh vào trận địa bộ đội ta và sát hại đồng bào vô tội dọc tuyến biên giới. Song, bất chấp đạo lý “láng giềng - hữu nghị” đối phương càng gây thêm tội ác chất chồng.

Với tinh thần quyết đánh, quyết thắng trả thù cho đồng bào, đồng chí, đúng 16 giờ ngày 22-6-1988, khi hoàng hôn đã trải dài trên những vách núi của một dải biên cương, các loại hỏa lực của Trung đoàn pháo kích mãnh liệt vào các điểm cao: 400, 300 đất, 300 đá và khu vực cửa rừng, bịt ngay họng pháo của đối phương, chặn đứng bàn tay gây tội ác của chúng.

Trận thắng giòn giã đạt hiệu suất chiến đấu cao có ý nghĩa giải quyết vướng mắc trong tư tưởng của bộ đội, do những thông tin sai lệch cho rằng: “Ta đánh một, địch đánh mười”, hay còn gọi là đối phương dùng chiến thuật “lấy thịt đè người”; từ đó củng cố niềm tin cho từng cán bộ, chiến sĩ là dù bất luận trong tình huống nào với khả năng và sức mạnh chiến đấu của Trung đoàn ta đều đánh thắng đối tượng tác chiến mới này.

Qua khói lửa đạn bom, gian khổ, hy sinh, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc đã khẳng định sự trưởng thành của Trung đoàn 95 với truyền thống “Đoàn kết - Kiên cường - Quyết thắng...”, tạo nên một tập thể xuất sắc với 174 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 252 thanh niên được đứng vào đội ngũ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trung đoàn được Chỉ huy Sư đoàn 325, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 khen ngợi; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất; 3 tiểu đoàn, 8 đại đội và 21 cá nhân được tặng và truy tặng huân chương chiến công các loại.

Từ thực tiễn chiến đấu hào hùng với sự kiên cường, dũng cảm và từ việc được khen thưởng, động viên kịp thời của Quốc hội, Nhà nước và chỉ huy các cấp đã tạo niềm tin vững chắc vào bước trưởng thành và những chiến công, thành tích trong nhiệm vụ mới của Trung đoàn.

Thiếu tướng
TRẦN MINH HÙNG
(Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2)

;
;
.
.
.
.
.