60 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam (1-1959 – 1-2019)

Quảng Nam-Đà Nẵng với Nghị quyết 15 của Đảng

.

Những năm 1954-1959, phong trào cách mạng miền Nam nói chung, Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng gặp muôn vàn khó khăn trước các chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng” của Mỹ-Diệm. Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra đời đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng miền Nam, là yếu tố quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chuyển sang thời kỳ mới.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ hai, từ phải) thăm nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận (bìa phải, ngày 19-10-2017), người có công lớn trong trận đánh Chi khu quận lỵ Hiệp Đức đêm 19 rạng ngày 20-8-1960. (Ảnh tư liệu)
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (thứ hai, từ phải) thăm nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận (bìa phải, ngày 19-10-2017), người có công lớn trong trận đánh Chi khu quận lỵ Hiệp Đức đêm 19 rạng ngày 20-8-1960. (Ảnh tư liệu)

Quảng Nam-Đà Nẵng đêm trước Nghị quyết 15

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết ngày 21-7-1954, quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản. Trái lại, Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm tìm mọi cách phá bỏ hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước sử dụng đấu tranh chính trị hiệp thương tổng tuyển cử.

Tại Quảng Nam, sau khi tiến hành tiếp quản địa bàn, tháng 9-1954, Mỹ-Diệm thành lập bộ máy tề ngụy, nhà tù, trại giam từ quận, khu đến xã; gây ra nhiều vụ thảm sát để khủng bố tinh thần của nhân dân ta tại chợ Được, Cây Cốc, Chiên Đàn… Bọn tay sai ở địa phương ra sức truy tìm, khủng bố trả thù những người tham gia kháng chiến chống Pháp bằng những hình thức giết người dã man. Địch tiến hành nhiều vụ giết người trên sông Thu Bồn, sông Vu Gia, đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, lò vôi Xuyên Trà (Duy Xuyên), Khe Tre, động Hà Sống (Đại Lộc), biển Tam Hải, Giếng Lạng (Tam Kỳ)... Tính đến ngày 14-11-1954, chưa đầy ba tháng sau khi đến tiếp quản, địch đã sát hại trên 300 cán bộ, đảng viên và hàng trăm nhân dân trong tỉnh; bắt, tra tấn, giam cầm hàng ngàn cán bộ, đảng viên.

Trước tình hình đó, để giữ vững phong trào, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng: “Quyết tâm bám chặt cơ sở, giữ vững phong trào và động viên đảng viên bám cơ sở”; trong hoạt động “phải hết sức khéo léo che giấu lực lượng để tránh bể vỡ, bảo tồn lực lượng”. Nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, thà chết chứ không đầu hàng, quyết bảo vệ thanh danh của Đảng đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Liệu (Duy Xuyên), khi bị địch bắt, thà chết không chịu đầu hàng, tự mổ bụng chết một cách oanh liệt trước kẻ thù ở chợ Cẩm Khê; đồng chí Đinh Tùng, cán bộ phụ trách xã Điện Phước (Điện Bàn) bị địch bắt giam tại nhà lao Vĩnh Điện, đã dùng dao mổ bụng, dứt ruột ra ngoài để tố cáo tội ác và âm mưu phá hoại Hiệp định Genève của địch, giữ tròn khí tiết của người cộng sản. Một số cán bộ, đảng viên hoạt động thoát ly khi rơi vào tay giặc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ uy tín của Đảng và cơ sở cách mạng, như các đồng chí Cao Sơn Pháo - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trương Vạn, Đoàn Nghiên ở Đại Lộc, đồng chí Ngô Tuận ở Quế Sơn…

Thổi bùng ngọn lửa đấu tranh

Trước tình hình địch ngoan cố không thi hành Hiệp định Genève, con đường đấu tranh chính trị đơn thuần không còn phù hợp, từ ngày 12 đến ngày 22-01-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp tại thủ đô Hà Nội, ban hành nghị quyết về con đường đấu tranh giành chính quyền cho cách mạng miền Nam. Nghị quyết nhấn mạnh: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết 15, tháng 6-1959, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập Hội nghị mở rộng tại thôn Bà Ghì, Bến Giằng để học tập Nghị quyết 15. Sau khi đánh giá lại tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, hội nghị đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh công tác xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng, tuyên truyền đường lối của Đảng đến cán bộ, nhân dân, móc nối xây dựng lại cơ sở ở đồng bằng, rút thanh niên lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành diệt ác, phá kìm, khôi phục phong trào đấu tranh của nhân dân; phát động thi đua sản xuất.

Tiếp đó, tháng 1-1960, Đảng bộ tỉnh tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ IV tại thôn Adhur (A Duân), bên bờ sông A Vương. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới về phương thức hoạt động: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Thành công của đại hội đã củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của đồng bào trong tỉnh.

Thực hiện nghị quyết đại hội, Tỉnh ủy tổ chức thành lập các đội công tác phụ trách các xã; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; rút thanh niên lên căn cứ để xây dựng lực lượng vũ trang. Để xây dựng căn cứ địa và đẩy mạnh hoạt động quân sự tạo ra sự chuyển biến mới cho phong trào cách mạng, Tỉnh ủy chủ trương mở đợt hoạt động quân sự đánh vào hệ thống phòng thủ của địch ở miền núi và vùng giáp ranh.

Tháng 3-1960, nhân dân làng Ông Tía ở Phước Sơn (nay thuộc xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức) dưới sự lãnh đạo của cán bộ, đã nổi dậy dùng vũ khí thô sơ như rựa, giáo mác, cung tên, đã tiêu diệt 5 tên địch, thu súng, đốt cơ quan, kéo nhau vào rừng bất hợp tác với địch. Cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết 15 của Trung ương. Cuộc khởi nghĩa gây tiếng vang lớn trong nhân dân, củng cố lòng tin vào đường lối của Đảng và động viên tinh thần tiến công địch của cán bộ, nhân dân trong Đảng bộ.

Cùng với nhân dân làng Ông Tía, nhân dân trong 10 làng vùng thấp Phước Sơn đã tổ chức bố phòng sẵn sàng đánh địch. Ngày 28-2-1960, nhân dân làng Cha Đó, xã Bến Yên (Bến Giằng) đấu tranh không cho địch phá làng và mở rộng phạm vi hoạt động. Ở Bến Hiên, nhân dân bố trí chông thò khắp nơi để hạn chế và làm thất bại cuộc hành quân của địch vào vùng Bô Lô, nhiều tên địch phải đền tội.

Đêm 19 rạng ngày 20-8-1960, ta nổ súng tiến công vào Chi khu quận lỵ Hiệp Đức, tiêu diệt đại đội bảo an, bắt tù binh, thiêu hủy đồn trại địch. Lực lượng ta rút về căn cứ mang theo 2 xe chở chiến lợi phẩm. Nhưng khi đến vạn Phước Sơn, bị địch phục kích, ta hy sinh 4 người, bị thương 1 người. Trận Hiệp Đức gây tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ đến tinh thần cán bộ, nhân dân. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh vào một cứ điểm mạnh của địch sau khi có Nghị quyết 15, do đồng chí Trần Thận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Quân sự tỉnh trực tiếp chỉ huy. Về phía địch, đây là đòn thất bại thảm hại theo như lời tự thú của Trung tướng ngụy Trần Văn Đôn: “Việt cộng đã có một lực lượng chiến đấu thực sự ở Trung Bộ, một vùng mà từ lâu được coi là không có hoạt động của cộng sản, các cơ quan Chính phủ ở Trung Bộ lúc này không những không nhận thức được mối nguy cơ cộng sản, mà còn tìm cách che giấu sự thật”(*).

Phối hợp với Hiệp Đức, ở Trà My, lực lượng ta đánh vào đồn Đồng Trại, đồn dân vệ, trụ sở hội đồng Phương Đông (Trà My) hỗ trợ đồng bào ở khu dồn Nước Trắng nổi dậy phá khu dồn về làng cũ. Cán bộ tổ chức mít-tinh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và rút thanh niên xây dựng lực lượng.
Ngày 15-10-1960, tại dốc Gợp, xã Mà Cooil (Bến Hiên), một trung đội bộ đội tập trung huyện với vũ khí thô sơ tự tạo, với tuyến chông thò dài 100 mét đã tiêu diệt một trung đội địch, mở đầu phong trào vũ trang đánh địch của đồng bào các dân tộc miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 17-10, ta tiến công hạ đồn GaLâu (Bến Hiên) và tiêu diệt nhiều binh lính địch. Đây là đồn địch đầu tiên bị ta tiêu diệt ở vùng Bến Hiên, Bến Giằng.

Ngày 23-10-1960, lực lượng ta tấn công đánh đồn Bót-Xít (Bến Giằng). Với sự phối hợp giữa bộ đội tỉnh, huyện và du kích của Axăh, Raràng, sau hơn 1 tiếng đồng hồ chiến đấu, các chiến sĩ làm chủ trận địa, diệt 10 tên lính bảo an, bắt 20 tù binh. Sau các trận đánh, đồng bào lấp các ngả đường lên núi, tăng cường rào làng chiến đấu trong núi sâu, hạn chế địch lên núi. Đến cuối năm 1960, các đồn địch đóng vùng trung, cao ở miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng đều bị ta tiêu diệt. Ở phía bắc, chỉ còn 2 thôn Tống Cói và Ô Rây ta giữ thế hợp pháp để mua hàng nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

Như vậy, Nghị quyết 15 mới ra đời và chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng phong trào cách mạng trong tỉnh có bước chuyển biến quan trọng: từ thế bị động đối phó, chuyển sang thế tiến công địch.

(*) Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia H.2006, tr.414.

LÊ NĂNG ĐÔNG
 

;
;
.
.
.
.
.