Ký ức cựu binh

.

4 thập kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm cựu chiến binh (CCB) Trương Khánh Hợp (ảnh), 67 tuổi, ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). 

Truong-Khanh-Hop.jpg

Hồi ấy, ông Hợp là Phó Đại đội trưởng về chính trị Đại đội 25 thuộc Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2). Đầu tháng 3-1979, sau khi tham gia giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng, Quân đoàn 2 được lệnh tăng cường bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau đó, đơn vị về đóng quân tại tỉnh Bắc Giang, làm công tác huấn luyện và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Ông Hợp kể, giữa tháng 2-1988, Sư đoàn 325 được lệnh thay chốt tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Cán bộ các đơn vị lên trước cả tuần lễ để nắm tình hình, rồi mới tổ chức cho từng trung đội bí mật vào thay quân. Việc thay quân tiến hành vào ban đêm theo nguyên tắc bộ phận tiền tiêu thay trước, bộ phận hậu cứ thay sau. Lúc này, ông Hợp đã đảm đương cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị kiêm Trưởng ban Cán bộ Trung đoàn 18, được tăng cường cho Tiểu đoàn 18 - tiểu đoàn phòng ngự tại điểm cao 1.100, tiếp giáp với điểm cao 1.509 mà đối phương đang chiếm giữ. Tại đây, trận địa ta và địch sát nhau. Địch có lợi thế về độ cao và hỏa lực, gây cho ta nhiều khó khăn.

Quân ta đã dùng cụm từ “mình ở thế bị soi gương” để ví đối phương trên điểm cao 1.509 quan sát xuống trận địa ta, đồng thời để nhắc nhở nhau luôn cảnh giác, phòng ngừa.  Ở Vị Xuyên, các chiến hào của ta đều được đắp đất dày bên trên, thường gọi là “chiến hào trong lòng đất”. Công tác bí mật được đặc biệt chú trọng, mọi sự cơ động, vận chuyển đều đi trong lòng chiến hào. Dọc các chiến hào phía trước, cứ cách khoảng 15 mét là có một tổ chiến đấu, với những lỗ châu mai được ngụy trang khéo léo, phù hợp với màu sắc chung quanh.

Các tổ chiến đấu thường xuyên quan sát, cảnh giới, theo dõi mọi động tĩnh của đối phương nhằm kịp thời ngăn chặn các hành động xâm lấn. Vũ khí, đạn dược và lương thực ở các đơn vị tiền tiêu bảo đảm chiến đấu được nhiều ngày. Trong chiến hào có thắp đèn dầu vừa đủ thấy đường cơ động, ánh sáng không lọt ra ngoài. Độ 6 giờ chiều mỗi ngày, bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn mang cơm vắt ra cho bộ đội ở tiền tiêu. Mỗi chiến sĩ nhận một vắt cơm để ăn trong 3 bữa. Mỗi tuần, các chiến sĩ ở tiền tiêu được luân phiên về phía sau tắm giặt, nghỉ ngơi 1 ngày.

Trung đoàn 18 có 3 tiểu đoàn. Tiểu đoàn 18 phòng ngự tại điểm cao 1.100, Tiểu đoàn 9 phòng ngự tại Đồi Không Tên, Tiểu đoàn 17 làm lực lượng dự bị. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn tổ chức xây dựng, củng cố hầm hào. Các khối bê-tông để làm hầm hào các loại được công binh cấp trên đúc sẵn và chở đến cách trận địa khoảng 1.000 mét. Hầm hào làm theo phương pháp lắp ghép. Ban đêm, bộ đội bí mật kéo vào tu bổ, thay thế và làm mới hầm hào. Từng động tác phải hết sức nhẹ nhàng, kín đáo, không để địch phát hiện. Đất đắp bên trên dày khoảng 1 mét, ngụy trang trùng khớp với đặc điểm địa hình...

Nhớ lại một thời khốc liệt ở biên giới Vị Xuyên, ông Hợp bùi ngùi kể về những hy sinh, tổn thất trên mặt trận này năm xưa. Suốt ngày, địch bắn pháo sang trận địa ta không thành quy luật, hễ phát hiện quân ta là pháo địch từ nhiều nơi bắn đến và bắn rất dai. Ông Hợp còn nhớ rõ một đơn vị thay chốt bị địch phát hiện và bắn pháo trúng đội hình, hy sinh hàng trăm người. Ông nhớ có một chiến sĩ trẻ khi ngụy trang lại lỗ châu mai do sơ ý mà lá ngụy trang khác với màu sắc xung quanh, vậy là pháo địch bắn trúng lỗ châu mai ấy, gây thương vong cho cả tổ chiến đấu. Người CCB già không thể nào quên hình ảnh những chiến sĩ phòng ngự ở tiền tiêu dưới trời mưa dầm nhiều ngày liên tục, ướt sũng quần áo, lạnh run nhưng vẫn kiên cường chốt giữ trận địa, quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.  

Cựu chiến binh Trương Khánh Hợp là 1 trong 2 thương binh ở Đà Nẵng được chọn đi dự buổi gặp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tại Hà Nội ngày 23-1-2019.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.