Luồng sinh khí mới cho Đà Nẵng

.

Từ năm 1990 trở về trước, phố xá Đà Nẵng chỉ quanh quẩn mấy phường phía tây sông Hàn. “Xương sống” của thành phố lúc bấy giờ được hình dung là con đường nối từ ngã ba Huế theo Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, Hùng Vương và dừng lại khi chạm sông. Dấu ấn Đà Nẵng bấy giờ là những đài nước cũ; khu vực ngã năm Phan Châu Trinh-Hoàng Diệu với khách sạn Phương Đông, Thái Bình Dương; với con dốc đường Lê Duẩn, bến phà qua sông Hàn...

Những năm đầu thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, người ta đã nhận thấy Đà Nẵng đang trì trệ. Hải Phòng-thành phố kết nghĩa, khi ấy đã trực thuộc Trung ương, trong khi Đà Nẵng vẫn còn trực thuộc tỉnh với cơ chế thành phố tương đương với cấp huyện thị; mức đầu tư cho cả Đà Nẵng chỉ bằng một công ty thường thường bậc trung của Hải Phòng. Nhiều người ví von Đà Nẵng như một thân thể cường tráng phải bó mình trong chiếc áo quá chật...

Đầu năm 1997,  Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Quyết định hợp thời hợp lúc đã mang đến những thay đổi lớn cho Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhưng dấu ấn đặc biệt phải kể đến là vào ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo hướng: trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước…

Vậy, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đà Nẵng đã làm được những gì và “còn nợ” những gì?

Sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW được ban hành, dễ nhận thấy nhất là diện mạo Đà Nẵng thay đổi từng ngày. Tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng nhanh chóng đến nỗi ngay cả chính người dân Đà Nẵng vài tháng trở lại vùng ngoại ô cũng ngỡ ngàng trước những thay đổi diệu kỳ. Ai đó từng đi công tác trong Nam, ngoài Bắc, trong những câu chuyện với bè bạn phương xa, điều đầu tiên chúng ta nghe được là sự thán phục về cách nghĩ, cách làm của Đà Nẵng.

Trong chừng ấy thời gian, thành phố đã di dời giải tỏa khoảng 98.000 hộ dân, chiếm 1/3 tổng số hộ dân của thành phố. Giải tỏa di dời từ vùng trũng, xóm nước đen, khu nhà chồ, hoặc những khu dân cư chật chội để đến những nơi khang trang hơn, giải tỏa để nhường chỗ cho những công trình phúc lợi công cộng mọc lên, giải tỏa để xây dựng Đà Nẵng từ chỗ chỉ gần 400 con đường sau 15 năm đã có thêm gần 1.000 con đường mới.

Và không chỉ có vậy! Trên hành trình 15 năm qua, Đà Nẵng có những  cách làm “chẳng giống ai” và qua đó đã xây dựng những giá trị nhân văn mới.

Đó là những chủ trương mà mỗi người dân TP đều thuộc nằm lòng như: “5 không” (Không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có cướp của giết người); “3 có” (Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị); hỗ trợ ngư dân bám biển; hỗ trợ 100% viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; lập Quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo; lập Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình; chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội)…

Có thể hiểu, tất cả những cách làm rất riêng và liên tục của Đà Nẵng trong nhiều năm qua là sự hiện thực hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW với khát vọng xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển nhanh và an bình, thu hút du khách thập phương.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, 15 năm qua, Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây Nguyên và của cả nước, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, trong đó ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao; du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế…

Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy. Hạ tầng kinh tế-xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người được nâng lên; duy trì được vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Chính trị - xã hội được duy trì ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, kết nối; chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung-Tây Nguyên.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành; một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; chậm triển khai một số công trình, dự án trọng điểm; nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào đất đai…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, những vướng mắc, khó khăn nêu trên là “điểm nghẽn”, trở thành lực cản đối với sự phát triển của thành phố. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, Nghị quyết số 43-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, định hướng trong quá trình phát triển thành phố, tạo một nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Với nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Về tầm nhìn đến năm 2045: Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành vào tháng 1-2019, trong những ngày náo nức chào xuân Kỷ Hợi, là luồng sinh khí mới đầy hân hoan, phấn khởi, mang đến cho mỗi cán bộ, nhân dân khát khao cống hiến xây dựng thành phố của mình ngang tầm với tiềm năng, lợi thế.

Chúng ta tự hào về thành quả đạt được trong 15 năm qua, về những “thương hiệu” đã  xây dựng được, về những niềm tin yêu đã đem lại cho mọi người. Bên cạnh, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết, những việc chưa làm được.

Với những nhận định sát hợp thực tiễn; đánh giá ưu, khuyết trong tiến trình xây dựng Đà Nẵng một cách chuẩn xác, đồng thời nêu rõ định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, Nghị quyết số 43-NQ/TW có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử với Đà Nẵng.

Để đạt được những thành quả ấy trong tương lai, mỗi người dân, địa phương, đơn vị ở Đà Nẵng phải vận dụng sáng tạo tiềm năng, lợi thế, phát huy tài năng, trí tuệ và sức lao động, có những cách làm hay và hiệu quả để từng bước đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy thách thức không cho phép mang tư tưởng chủ quan hoặc trông đợi phép màu, song Đà Nẵng có niềm tin sẽ hiện thực hóa được ước mơ này bởi đã có nền tảng, định hướng, có tiền đề và khát vọng.

Từng tự hào là công dân Đà Nẵng, đó chính là nguồn động lực để mỗi người phát huy khả năng, trí tuệ và đồng lòng hiệp sức cống hiến, để trong tương lai không xa, lòng tự hào ấy được nhân lên khi chúng ta sẽ là công dân của thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á! Khi đó, công dân Đà Nẵng sẽ là người đầu tiên được thụ hưởng thành quả ấy, và họ còn được vinh dự mang niềm kiêu hãnh dang tay gọi mời bạn bè, khách thập phương đến thưởng ngoạn và chung tay xây dựng thành phố biển này ngày càng thêm tráng lệ, quyến rũ, thân thiện và an bình.

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.