Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội

.

Sáng 22-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và hơn 2.000 đại biểu từ 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 5 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nền nếp.

MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội, nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 492.784 cuộc và tổ chức 82.865 cuộc phản biện xã hội. Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận các cấp thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp, cách làm hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Trong đó, Trung ương MTTQ Việt Nam cần tập trung giám sát về cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…; phấn đấu 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tham mưu cấp ủy ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân và ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân.

Đặc biệt, Mặt trận các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong thực hiện Quy chế dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì và phối hợp triển khai.

Q.KHẢI
 

;
;
.
.
.
.
.