Những đôi tay thầm lặng

.

Từ sự hỗ trợ của thành phố và sự chung tay của cộng đồng, hoạt động bảo trợ xã hội đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” với nhiều số phận kém may mắn. Chương trình “Thành phố 4 an” thành công hay không cũng nhờ sự sẻ chia này.

Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tặng quà cho người dân nghèo thành phố.
Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tặng quà cho người dân nghèo thành phố.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi báo chí đưa thông tin về 2 người con của anh Nguyễn Quốc Hải (tổ 68, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bị bệnh hiểm nghèo, UBND thành phố đã hỗ trợ 20 triệu đồng, nhiều cá nhân và tổ chức cũng quyên góp trên 100 triệu đồng để gia đình anh có điều kiện cứu chữa 2 con. Anh Nguyễn Quốc Hải tâm sự: “Tôi làm nghề bảo vệ, vợ là thợ may, chỉ đủ sống qua ngày. Cầm trên tay cả trăm triệu đồng để thuốc thang cho con mà cứ như là giấc mơ vậy. Xin cảm ơn tất cả mọi người”.

Theo chị Phan Thị Kim Út, cán bộ phụ trách lĩnh vực xã hội-trẻ em phường Hòa Minh, thời gian qua, hoạt động bảo trợ thu hút nhiều cơ quan, đoàn thể và người dân tham gia, không chỉ gia đình anh Hải mà rất nhiều số phận không may mắn đã được giúp đỡ. Chỉ tính riêng năm 2018, trên địa bàn phường có trên 50 trường hợp trẻ em khó khăn như bệnh nặng, ba mẹ bị tai nạn được hỗ trợ với số tiền gần 200 triệu đồng.

Chị Trương Thị Nếp Trang (tổ 31, phường Hòa Minh) cho hay: “Bây giờ gia đình tôi đã thoát nghèo, tuy nhiên địa phương vẫn tiếp tục giúp đỡ trong việc hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, giới thiệu chính sách ưu đãi. Nhờ sự giải thích của cán bộ phường, năm nay tôi quyết định mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho cả 5 chị em. Mua theo hộ gia đình vừa tiết kiệm chi phí, mỗi thành viên lại vừa có tấm thẻ BHYT phòng lúc ốm đau”.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), năm 2018, Hội Phụ nữ phường được giao chỉ tiêu hỗ trợ 15 gia đình hội viên nghèo, đến nay tất cả đều thoát nghèo. Với hơn 100 triệu đồng từ chương trình thu gom rác thải và nuôi heo đất hằng ngày, Hội Phụ nữ phường đã giúp nhiều trường hợp đau ốm, hoạn nạn. Điển hình nhất là Chi hội Phụ nữ tổ 28 đã chăm sóc cho 2 em nhỏ gần 4 năm qua khi ba mẹ các em qua đời vì bệnh tật. Những trường hợp này nếu không có sự chung tay giúp đỡ của xã hội thì không biết tương lai của 2 em đi về đâu. Và như vậy, chương trình “Thành phố 4 an” cũng khó thành công trọn vẹn khi có những hoàn cảnh đáng thương không được quan tâm kịp thời.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2018, chính quyền thành phố có sự quan tâm rất lớn trong các hoạt động bảo trợ xã hội, nhất là các dịp lễ, Tết, nhằm giúp tất cả trường hợp khó khăn được chăm lo chu đáo. Chỉ riêng Tết Mậu Tuất 2018, thành phố dành gần 30 tỷ đồng hỗ trợ gạo cho 50.827 hộ và tiền mặt cho 41.789 người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, 120 người rơi vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất đã được thành phố hỗ trợ gần 300 triệu đồng. Thành phố cũng đã trích ngân sách hơn 330 tỷ đồng hỗ trợ thường xuyên (hằng tháng) cho 7.095 người khó khăn, già yếu không còn sức lao động; hỗ trợ tiền điện và sinh kế cho 7.208 hộ nghèo; điều trị bệnh cho 68.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp gần như bế tắc trong cuộc sống, nhờ sự hỗ trợ kịp thời đã có thể “quay” trở lại cuộc sống bình thường, theo như tâm sự của em N.T.A.T - một người từng nghiện ma túy được hỗ trợ vốn làm ăn: “Lúc nhận giấy khen của thành phố dành cho những người cai nghiện tiến bộ năm 2018, em thực sự không tin được. Nhờ sự hỗ trợ của thành phố, em được học nghề và làm nghề. Không những thế, em còn giúp được vài thanh niên khác có việc làm”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.