Nước sinh hoạt có vị lợ, đục

.

Do tình hình nhiễm mặn nguồn nước sông Cầu Đỏ trong 14 ngày qua nên từ sáng 10-2 đến nay, người dân thành phố phải sử dụng nước sinh hoạt có vị lợ. Trong khi đó, một số người dân phản ánh nước sinh hoạt trong đường ống có nhiều cặn bẩn. Tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) khẳng định, chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân vẫn ở ngưỡng an toàn.

Dawaco đang đưa nguồn nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất.
Dawaco đang đưa nguồn nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để sản xuất.

Độ mặn trong nước sinh hoạt ở mức dưới 100mg/l là có vị ngọt, còn cao hơn 100mg/l là có vị lợ. Song, theo kết quả quan trắc chất lượng nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn của nước sạch sau trạm bơm cấp 2 (ra mạng lưới cấp nước cho thành phố) từ ngày 10-2 đến nay thường xuyên ở trên mức 150mg/l, cao hơn mức trung bình tiêu chuẩn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) do Bộ Y tế ban hành. Chỉ số nói trên đồng nghĩa với việc nước sinh hoạt trong mạng lưới đường ống cấp nước có vị lợ.

Đặc biệt, từ 4-9 giờ sáng 13-2, độ mặn sau trạm bơm cấp 2 tăng vọt lên từ 190-197mg/l và lúc 10 giờ là 199mg/l. Đến chiều 14-2, độ mặn của nước sạch sau trạm bơm cấp 2 cấp nước sạch cho thành phố tăng lên đến 211mg/l  lúc 13 giờ, tăng lên 227mg/l lúc 14 giờ và 232mg/l lúc 15 giờ.

Dù vị lợ trong nước sinh hoạt cấp cho thành phố tăng dần, nhưng theo Dawaco, tại QCVN 01:2009/BYT, độ mặn trong nước ăn uống ở các khu vực bình thường từ 250mg/l trở xuống là an toàn, riêng khu vực ven biển và hải đảo (như thành phố Đà Nẵng) thì dưới 300mg/l là an toàn. Trong những ngày qua, tuy nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng kéo dài, nhưng Dawaco đã bơm nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch về để sản xuất và khống chế độ mặn trong nước cấp cho thành phố thấp hơn so với QCVN 01:2009/BYT.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay: “Tiêu chuẩn cho phép là độ mặn dưới 300mg/l nên chúng tôi khống chế độ mặn trong nước sinh hoạt cấp cho thành phố ở mức dưới 200mg/l, trường hợp khó khăn nhất là khoảng 220mg/l. Chất lượng nước như vậy là vẫn ở ngưỡng an toàn theo quy chuẩn. Hiện nay, Dawaco vẫn đang duy trì vận hành 3 máy bơm ở Trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa nước ngọt về cấp nước sinh hoạt cho thành phố”.

Bên cạnh nước sinh hoạt có vị lợ, một số người dân còn phản ánh trên một số trang mạng xã hội về nước sinh hoạt có cặn. Nhiều người dân để trữ nước một thời gian đều đóng váng màu vàng ở đáy thùng. Có người dân cẩn thận đã dùng cách buộc khăn lọc màu trắng vào vòi nước để lọc cặn, thì sau 1 tuần, cặn đã đọng đen khăn.

“Sau khi phản ánh, Dawaco đã nhanh chóng cử nhân viên đến nhà và lấy mẫu nước mang đi kiểm tra tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Sau khi kiểm tra, mọi chỉ tiêu đều nằm trong mức cho phép. Nhưng theo cảm quan thì nhìn vào tấm khăn lọc, tôi và gia đình vẫn rất lo lắng”, ông Lưu Công Lĩnh (người dân trú đường Bình Thái 1, quận Cẩm Lệ) cho hay.

Theo quy định, độ đục trong trong nước sinh hoạt chỉ cho phép ở mức thấp hơn hoặc bằng 2 NTU. Thực tế, kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ trong thời gian qua dù nhỏ hơn mức cho phép, nhưng nhiều thời điểm, độ đục trong nước vẫn cao hơn mức trung bình theo tiêu chuẩn cho phép, nhất là vào ngày 15-1 với độ đục trong nước là 1,42 NTU.

Sau khi nhận được 2 phản ánh của người dân ở quận Thanh Khê và Cẩm Lệ vào ngày 13-2, Dawaco cử nhân viên đến lấy mẫu nước, đem đi phân tích và mẫu nước của hộ dân ở quận Thanh Khê phản ánh có độ đục là 1,18 NTU, mẫu nước của hộ dân ở quận Cẩm Lệ phản ánh có độ đục là 0,71 NTU… Ông Hồ Hương giải thích: “Trong đường ống cấp nước có cặn là bình thường, nhưng vẫn nằm trong mức cho phép. Độ đục cho phép là không quá 2 NTU. Hai mẫu nước nói trên có độ đục thấp hơn 2 NTU”.

Tại báo cáo gửi UBND thành phố và các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường vào ngày 12-2, Dawaco cho rằng, ngoài chỉ tiêu về độ mặn, các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước như: độ đục, hàm lượng cặn, pH… vẫn ở mức trung bình theo tiêu chuẩn cho phép. Chất lượng nước sau xử lý tại các nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay luôn bảo đảm đạt theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Đáng nói, cũng tại báo cáo nói trên, Dawaco không kiến nghị, đề xuất UBND thành phố và các ngành chức năng của thành phố về giải pháp chống nhiễm mặn và khắc phục tình trạng nước có vị lợ.

Tại báo cáo này, Dawaco nhấn mạnh: “Dự kiến trong quý 1 của năm 2019, nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố chưa cao cộng với nguồn nước suối về ổn định như hiện nay và độ mặn sông Cầu Đỏ dưới 1.000mg/l thì tổng công suất tại các nhà máy của Dawaco vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho thành phố”.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho hay, hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang làm việc với tỉnh Quảng Nam để thống nhất phương án đắp đập bao cát tại đập điều tiết nước sông Quảng Huế nhằm giảm trữ lượng nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn; đồng thời theo dõi chặt chẽ việc vận hành của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 để xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 12,5m3/s khi mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức thấp. “Hiện nay, mực nước của hồ thủy điện A Vương quá thấp nên vẫn đang tích nước. Hồ thủy điện Sông Bung 4 đang được hạn chế xả nước để phục vụ mùa cao điểm nắng nóng. Hồ thủy điện Đăk Mi 4 đang xả nước về sông Vu Gia hằng ngày với lưu lượng 12,5m3/s. Mực nước tại đập dâng An Trạch đang ở cao trình bảo đảm vận hành các máy bơm nên Dawaco cần tăng cường bơm nước từ đập dâng An Trạch về để bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố khi sông Cầu Đỏ đang nhiễm mặn”, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết.
 

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.