Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW

Bài 5: "Cởi trói" cho Đà Nẵng phát triển với cơ chế, chính sách đặc thù mới

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong chặng đường mới. Đặc biệt, nghị quyết đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “cởi trói”, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ

Cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực cho Đà Nẵng tập trung vào 3 lĩnh vực chính: (1) Cho Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; (2) Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; (3) Cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù trên, có lẽ hai yếu tố quan trọng song hành để Đà Nẵng tạo ra đột phá phát triển trong thời gian tới là:

(1) Xây dựng chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật; và (2) Có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; 5 lĩnh vực mũi nhọn(1)  và 3 lĩnh vực cơ bản(2) được xác định ở nghị quyết.

Và một đột phá nữa giúp giải tỏa các điểm nghẽn trong phát triển là vấn đề quy hoạch. Đà Nẵng cần phải thực hiện quy hoạch lại, tận dụng những dư địa còn lại của nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, để tạo ra một chu kỳ phát triển mới ở một tầm cao hơn.

Nguyên tắc của quy hoạch là: bảo đảm sự phát triển thông minh, bao trùm và bền vững của thành phố; bảo đảm “có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương…; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng…; tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi, bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại”(3) v.v… như nghị quyết đã khẳng định. Về lộ trình thực hiện:

Giai đoạn 2019-2020:

- Quy hoạch lại phát triển kinh tế-xã hội của thành phố để giải tỏa các điểm nghẽn về không gian phát triển, cân đối lại nguồn lực và khởi động một chu kỳ phát triển mới. Trên cơ sở của Quy hoạch mới, triển khai các dự án phát triển trong những năm tới (được biết, thành phố đã có hợp tác với Công ty Sakae Corporate Advisory - Singapore để tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030).

- Thu hồi các dự án treo gây lãng phí đất của thành phố trong nhiều năm.

- Mở rộng không gian công cộng của khu vực bờ biển vốn bị các resort chắn thông qua các dự án như: các hành lang đi ra bãi biển; khu vui chơi công cộng ven biển.

- Cải cách tổ chức và bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết của Quốc hội số 56/2017/QH14, ngày 24 tháng 11 năm 2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một chính quyền đổi mới, có khả năng giải trình cao, thực sự cầu thị, gần dân và luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, phục vụ và kiến tạo phát triển.

- Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục hậu quả liên quan đến các vi phạm về quản lý đất đai theo các kết luận của cấp có thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức và cá nhân, nguồn thu ngân sách Nhà nước(4). Khôi phục lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

- Tiếp tục hoàn thành các dự án đang triển khai.

Giai đoạn 2020-2030:

Dựa trên ý tưởng của Bản quy hoạch mới và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 được tư vấn nước ngoài hỗ trợ, thành phố cần mời chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư chiến lược để trao đổi về những dự án lớn của thành phố.

Trong giai đoạn này cũng cần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp sáng tạo, mang lại sự năng động mới cho Đà Nẵng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai đoạn 2031-2045:

Trong giai đoạn này, thành phố đã có sự phát triển nhất định. Các dự án phát triển đã được vận hành từ đó mang lại những nguồn lực mới cho thành phố để tiếp tục triển khai những dự án phát triển mới theo chiều sâu hơn.

PHẠM QUÝ


(1) Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; (2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (4) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (5) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
 

(2) 3 lĩnh vực cơ bản khác cho chất lượng cuộc sống đô thị, đó là:  Y tế, với việc hình thành các bệnh viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một thành phố đáng sống; Giáo dục với chú trọng đào tạo nghề, giải tỏa điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố; đáp ứng yêu cầu thu hút nhân lực chất lượng cao; quan tâm đúng mức dịch vụ môi trường như là  chức năng thiết yếu đảm bảo cho thành phố phát triển bền vững và trở nên đáng sống...
 

(3)  Trích Nghị quyết số 43-NQ/TW.
 

(4)  Trích Nghị quyết số 43-NQ/TW.

;
;
.
.
.
.
.