Sau hơn 20 năm, Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, sự phát triển của thành phố có đóng góp to lớn của quận Hải Châu - quận trung tâm thành phố. Với những lợi thế cũng như sức hút đặc biệt, Hải Châu trở thành quận tiên phong trong dòng chảy phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Một góc quận Hải Châu nhìn từ cầu Sông Hàn. |
Gặp ông Lê Khánh (72 tuổi, ở phường Thuận Phước) trong một buổi chiều khi ông dạo bộ dọc vỉa hè đường Như Nguyệt, chúng tôi nghe ông nói về đổi thay của thành phố cũng như phường Thuận Phước nơi ông đang sống. Ông bảo, mới hơn mươi năm trở lại đây, sự phát triển của phường Thuận Phước nói riêng cũng như thành phố nói chung vượt ngoài sức tưởng tượng của ông.
“Nhanh đến chóng mặt. Trước năm 2000, vùng này vẫn còn hoang sơ lắm. Nhiều gia đình dân chài sinh sống lênh đênh trên sông nước. Đời sống người dân khá vất vả, lo cái ăn, cái mặc cho con cái đã đủ mệt. Ngay như cái kênh Đầm Rong, rồi mấy cái hồ đọng dưới cầu Thuận Phước (đường 3 Tháng 2) đấy thôi, hôi thối, ô nhiễm kinh khủng; thế mà bây giờ, thành thảm cỏ xanh, khu công viên cộng đồng... Thật đáng sống!”, ông Khánh nói.
Phường Thuận Phước từng là địa phương thuộc diện nghèo nhất, nhì quận Hải Châu. Nhắc đến Thuận Phước là nhắc đến những tồn tại cố hữu từ nghèo đói, ô nhiễm môi trường, tình hình an ninh trật tự bất ổn, những con đường nhếch nhác, ngập úng cục bộ về mùa mưa... Đấy còn là những khu ổ chuột, xóm nhà chồ không điện, không nước sạch, thậm chí không có nhà vệ sinh.
Bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết, từ năm 2000 trở lại đây, Thuận Phước bắt đầu chuyển biến với những dự án lớn do thành phố triển khai. Đó là đường Liên Chiểu - Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành, đường 3 Tháng 2 có thể thông thương với các nơi khác, thoát khỏi ám ảnh về miền đất ven biển nghèo nàn, lạc hậu và cô lập. Đến năm 2007, cuộc di dời lớn của phường Thuận Phước là giải tỏa cảng cá Thuận Phước, rồi thi công tuyến đường Như Nguyệt. Năm 2009, thành phố triển khai dự án hồ Đầm Rong 2 và kênh thoát nước Thuận Phước, mở đường, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại suốt hàng chục năm trời.
“Hồi đấy, có 33 hộ dân vạn đò từ Huế di cư vào sinh sống trên âu thuyền, không chịu di dời. Chúng tôi phải xuống vận động nhiều lần, trực tiếp đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng của họ. Sau đó, họ chấp nhận lên bờ, bây giờ cuộc sống đã ổn định, con cái đi học đầy đủ”, bà Thuận kể.
Cho đến nay, toàn phường có 20 dự án lớn của thành phố đang triển khai. Sau hơn 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Thuận Phước thật sự thay da đổi thịt, từ trình độ dân trí, mức sống, mức thụ hưởng của người dân được nâng cao đến hạ tầng đô thị được xây dựng, cải tạo khang trang, rộng lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng cải thiện...
Thuận Phước trở thành địa phương có tỷ lệ thu ngân sách tốp đầu của quận Hải Châu năm 2018, đạt 110,82%. Đây cũng là phường thu lại tiền cao nhất từ phân loại rác thải tái chế với trên 300 triệu đồng năm 2018...
Ngày 23-1-1997, theo Nghị định số 07/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, quận Hải Châu được tái lập với tên gọi mới như bây giờ. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhờ sự linh hoạt tận dụng những lợi thế sẵn có, huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, quận Hải Châu từng bước khắc phục khó khăn, thử thách, nắm bắt thời cơ và có những bước phát triển vượt bậc; tăng trưởng kinh tế luôn đứng tốp đầu khối quận, huyện.
Quá trình phát triển thể hiện sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế với việc lấy thương mại, dịch vụ làm đòn bẩy, từng bước cân đối, phù hợp theo xu thế phát triển chung. Nếu năm 1997, thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 58%, thì đến năm 2016 đã tăng lên 75,18%. Năm 2018, tổng thu ngân sách đạt trên 1.200 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ 2017.
Trong công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ năm 1997 đến năm 2016, toàn quận hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho trên 2.200 hộ chính sách với số tiền trên 23 tỷ đồng. Đến nay, quận không còn hộ chính sách trong diện hộ nghèo. Hải Châu cũng là quận về đích trước 1 năm so với Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2012 của thành phố và trước 2 năm so với đề án giai đoạn 2013-2017...
Hiện Hải Châu có trên 22.300 camera an ninh được lắp đặt, nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, kiểm soát tốt trước các tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội. Vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường đô thị luôn được bảo đảm, là điểm đến thu hút du khách thập phương.
Đánh giá những thành tựu đạt được sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh cho biết, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với truyền thống đoàn kết của tập thể lãnh đạo quận và toàn thể nhân dân quận nhà. Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên để mang lại thành quả phát triển, đáp ứng kỳ vọng và nâng cao mức hưởng thụ cho người dân là niềm tự hào của nhiều thế hệ lãnh đạo quận Hải Châu.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY