Khởi động một chu kỳ phát triển mới cho Đà Nẵng

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là bước tiếp của Nghị quyết số 33-NQ/TW với mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn, khơi đúng vào lúc thành phố đang cần động lực, nguồn lực mới.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện phát triển Đà Nẵng thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.Ảnh: THANH TÌNH
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện phát triển Đà Nẵng thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: THANH TÌNH

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung.

Bên cạnh những thành tựu đạt được cũng có những vấn đề đã và đang trở thành lực cản đối với sự phát triển. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu bức thiết phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để giải tỏa các điểm nghẽn về không gian phát triển, cân đối lại nguồn lực và khởi động một chu kỳ phát triển mới cho Đà Nẵng, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực. Đó là lý do Nghị quyết số 43-NQ/TW ra đời.

Sự kết tinh trí tuệ quan trọng

Để ban hành nghị quyết quan trọng này, từ tháng 3-2018, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo 130) do Ban Kinh tế Trung ương làm cơ quan Thường trực, phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và các Bộ, ngành Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và đề xuất Bộ Chính trị về ban hành nghị quyết mới về Đà Nẵng.

Công việc này được Ban Chỉ đạo 130 của Trung ương tiến hành rất công phu trên cơ sở Báo cáo tự đánh giá, tổng kết của Đà Nẵng; kế thừa kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; báo cáo tổng kết của 14 ban cán sự Đảng các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; nhiều hội thảo, tọa đàm, tiếp thu ý kiến của các tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyên gia, có cả chuyên gia, tổ chức nghiên cứu nước ngoài tại các hội thảo khoa học về “Ý tưởng quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng”; kết quả khảo sát thực tế của các thành viên Ban Chỉ đạo…

Trước khi trình Bộ Chính trị, dự thảo báo cáo và nghị quyết được tu chỉnh, hoàn thiện nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của 17 ban cán sự Đảng các Bộ, ngành Trung ương liên quan, của Thành ủy Đà Nẵng, để hình thành nên quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, mô hình phát triển mới cho Đà Nẵng đã được khẳng định ở nghị quyết.

Vì vậy có thể nói, nghị quyết lần này là sự kết tinh trí tuệ quan trọng và là văn kiện có ý nghĩa lịch sử với hệ thống quan điểm phát triển, mục tiêu, giải pháp đồng bộ, khả thi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố Đà Nẵng, để Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045.

Những điểm nhấn của nghị quyết

Hệ thống các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là điểm nhấn của Nghị quyết 43-NQ/TW (Nghị quyết 33-NQ/TW không có phần này).

Về quan điểm phát triển, nghị quyết khẳng định dứt khoát rằng, không gian phát triển của Đà Nẵng trong những năm đến phải là một không gian mở, chiến lược và các chính sách phát triển Đà Nẵng phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, “có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển khác không chỉ trong nước mà còn với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương”.

Có thể nói, đây là chiến lược trọng tâm cho sự phát triển của Đà Nẵng, bởi vì chỉ có làm tốt chức năng kết nối trong một không gian mở, Đà Nẵng mới có cơ hội mở rộng quy mô kinh tế, dân số, thị trường nhằm khắc phục hạn chế được nêu ra ở Nghị quyết 33-NQ/TW cách đây 15 năm và bây giờ là Nghị quyết 43-NQ/TW. Đó là: “quy mô nền kinh tế có tăng nhưng vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,55% GDP cả nước (1); tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước”.

Nghị quyết 43-NQ/TW đặt ra yêu cầu, để phát triển nhanh, bền vững, Đà Nẵng cần “thay đổi căn bản mô hình phát triển”, trọng tâm là tập trung thực hiện đồng thời ba quá trình chuyển đổi lớn về mặt kinh tế, xã hội và quản trị đô thị.

Thành phố phải nhận thấy rõ những “điểm nghẽn” phát triển cần phải vượt qua trên con đường đến, “nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới”, chuyển đổi từ phương thức quản trị đô thị truyền thống, ít dựa vào công nghệ, sang phương thức quản trị đô thị thông minh; thí điểm chính quyền đô thị thông minh, kiến tạo phát triển nhằm điều hành tốt hệ thống kinh tế và xã hội, kết nối được các chủ thể từ người dân, các cộng đồng với khối doanh nghiệp, “kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” hướng tới tăng trưởng nhanh, đổi mới sáng tạo và tiến bộ.

Nghị quyết 43-NQ/TW xác định mục tiêu rõ hơn, cụ thể hơn so với Nghị quyết 33-NQ/TW. Có mấy điểm nhấn cơ bản: Đà Nẵng phải đặt nặng Trung tâm đổi mới sáng tạo, vì các điều kiện của Đà Nẵng rất thuận lợi cho việc phát triển bên cạnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Xác định rõ về hướng đi trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh. Tập trung phát triển 3 trụ cột chính là: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển, tạo động lực, nguồn lực thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế.

Mức sống của người dân thuộc loại dẫn đầu cả nước (qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW thì Đà Nẵng chưa đạt yêu cầu này, trong khi thành phố đáng sống phải đạt được yêu cầu đó).  Các chỉ tiêu được nêu rõ hơn (vấn đề năng lực cạnh tranh, giảm nghèo và chênh lẹch giữa các nhóm thu nhập, tiếp cận công bằng về an sinh xã hội...) đạt được như thế nào, đều rất đầy đủ, cụ thể.

Về tầm nhìn, Nghị quyết 33-NQ/TW không định hình tầm nhìn, chỉ có mục tiêu đến 2020 (song nhiều mục tiêu không rõ); Nghị quyết 43-NQ/TW xác định rõ hơn tầm nhìn đến năm 2045 “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”, theo đó từ quy hoạch đến các chính sách đều  xoay quanh mục tiêu đến mốc 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước).

Tiếp cận mới về các nhiệm vụ, giải pháp

Về nhiệm vụ, giải pháp: cách tiếp cận của Nghị quyết 43-NQ/TW về nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đưa ra rất rõ, phải “Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đế năm 2045 bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà NẴng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn; hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng”. Nghị quyết 43-NQ/TW cũng chỉ rõ, xây dựng nguồn nhân lực như thế nào; thử nghiệm những mô hình mới ứng dụng kinh tế số ra sao. Đó là tư tưởng thay cho Nghị quyết 33 chủ yếu  nhấn mạnh về du lịch.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện phát triển Đà Nẵng thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: Nguyễn T. THU
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện phát triển Đà Nẵng thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: Nguyễn T. THU

Nghị quyết mới xác định rõ ràng 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng (không phải du lịch nói chung); cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp (Nghị quyết cũ thiên về du lịch, dịch vụ là chính). Điểm mới khác về nhiệm vụ, giải pháp là phải phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, đô thị biển mang tầm vóc quốc tế và chuỗi cung ứng logistics...

Một điểm mới quan trọng về thay đổi mô hình phát triển là phát triển Khu Công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực.

Nghị quyết cũng yêu cầu, cần quan tâm phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực cơ bản cho chất lượng cuộc sống đô thị, đó là: Y tế, với việc hình thành các bệnh viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một thành phố sống tốt; Giáo dục với chú trọng đào tạo nghề, giải tỏa điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực mũi nhọn; quan tâm đúng mức Dịch vụ môi trường như là chức năng thiết yếu bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững và trở nên đáng sống...

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cơ bản là phải có cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Về chủ trương là có; phải phân cấp phân quyền. Đồng ý xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất ở Đà Nẵng theo mô hình tiên tiến hiện đại; thí điểm mô hình chính quyền đô thị tiên tiến, hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phó.

Khởi động một chu kỳ phát triển mới ở một tầm cao hơn

Nghị quyết 43-NQ/TW là một nghị quyết đột phá cho Đà Nẵng, không những định hướng chiến lược phát triển mà còn cả đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế có tính chất mở đường; rất tốt, hữu ích, là cơ hội rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân thành phố, đưa Đà Nẵng bước vào một chu kỳ phát triển mới ở một tầm cao hơn.

Thực hiện tốt nghị quyết, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên như kỳ vọng.

Với khí thế quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố, với Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng thực sự có cơ sở, điều kiện để đẩy mạnh phát triển đúng với những mục tiêu đã để ra, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. 

Phạm Quý,
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy

* In nghiêng và trong ngoặc kép là trích Nghị quyết 43-NQ/TW.

;
;
.
.
.
.
.