Ở địa bàn quận Thanh Khê hiện có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thường xuyên chiếm dụng vỉa hè và lòng đường, khiến người dân bức xúc. Điều đáng nói là việc kinh doanh phế liệu này có nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cơ sở kinh doanh phế liệu ở số 43 Đỗ Ngọc Du để hàng hóa tràn xuống lòng đường. |
Theo tìm hiểu, cơ sở kinh doanh phế liệu số 43 Đỗ Ngọc Du (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) hoạt động khoảng 5 năm nay, hằng ngày có 4-5 nhân công làm việc. Sau khi thu gom phế liệu, cơ sở này để chai lọ, lon bia, thanh sắt, tủ lạnh hư… tràn xuống lòng đường. Diện tích cơ sở thu mua rộng chỉ vài chục mét vuông nhưng phế liệu chất cao; bao bì, nhựa, bọc ni-lông... ngổn ngang khắp nơi.
Một người dân sống trong khu vực (xin giấu tên) bức xúc: “Cơ sở này rất nhếch nhác. Có những ngày họ kéo sắt thép, lon bia và các đồ vật xuống lòng đường để đập inh tai nhức óc, chưa kể nước thải, rác từ phế liệu đổ ra. Cuối năm 2018, tại cơ sở này xảy ra cháy, dù không có thiệt hại về người và của nhưng gây hoang mang trong khu phố”.
Theo ông Vũ Tường Linh, Tổ trưởng tổ dân phố 26, phường Thanh Khê Đông, trong thời gian tới, Ban điều hành tổ dân phố sẽ mời chủ hộ kinh doanh họp, đưa ra những giải pháp để xử lý và khắc phục tình trạng này.
Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cũng thừa nhận, phản ánh của người dân là có căn cứ. Cơ sở phế liệu nói trên do hộ ông Hồ Kinh Chấn làm chủ, có đăng ký giấy phép kinh doanh và hoạt động từ lâu. UBND phường Thanh Khê Đông đã làm việc và lập biên bản yêu cầu ông Chấn sắp xếp các vật dụng, thu gom các phế liệu vào khu vực cho phép, không để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị; dọn dẹp sạch sẽ xung quanh khu vực để vật dụng phế liệu.
Theo khảo sát của chúng tôi, ở địa bàn các phường An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê Tây… hiện cũng có gần chục cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động trong khu vực dân cư. Hằng ngày, các loại bao bì, lon bia, giấy… được các chủ cơ sở chất thành từng đống không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê cho biết, trong thời gian đến, Phòng Tài nguyên-Môi trường sẽ phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn quận. Với những cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh thì yêu cầu trong quá trình hoạt động phải bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự và mỹ quan đô thị cũng như an toàn trong công tác phòng chống chảy nổ. Còn với những cơ sở kinh doanh tự phát, chưa được cơ quan chức năng cho phép, sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết.
Bài và ảnh: ĐOAN CHI