Phụ nữ tiên phong trong hạn chế rác thải nhựa

.

Xác định tầm quan trọng của việc “chống rác thải nhựa”, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn đã cụ thể hóa bằng chương trình “Phụ nữ Ngũ Hành Sơn khéo tay, hạn chế rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên trong việc sử dụng các phế liệu để làm những vật dụng thiết thực phục vụ cuộc sống và bảo vệ môi trường, được các cấp hội hưởng ứng nhiệt tình.

Nhiều sản phẩm từ nhựa phế thải đã được hội viên phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn sáng tạo tái chế trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.
Nhiều sản phẩm từ nhựa phế thải đã được hội viên phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn sáng tạo tái chế trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.

Hội thi “Phụ nữ Mỹ An khéo tay, hạn chế rác thải nhựa” được Hội LHPN phường Mỹ An tổ chức mới đây diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Với sự khéo léo của mình, các chị đã tận dụng những phế liệu là vỏ chai nhựa, can nhựa, lon sữa… tạo nên những vật dụng hữu ích, như; ống heo phục vụ chương trình nuôi heo đất, các con vật xinh xắn, chậu cây cảnh trang trí…

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội LHPN phường Mỹ An nhìn nhận, nhiều sản phẩm tái chế từ nhựa phế thải được các chị mang đến hội thi cho thấy sự sáng tạo của các hội viên phụ nữ rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là sự hữu ích của những vật dụng mà trước đây cứ ngỡ bỏ đi.

“Thông qua hội thi, chúng tôi kết hợp phát động phong trào “Phụ nữ chung tay vì môi  trường”, trong đó trọng tâm là việc hạn chế sử dụng túi ni-lông, kêu gọi việc tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, giỏ, làn nhựa… Đây là hình thức tuyên truyền vận động để chị em thấy được những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi  trường; từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay cùng cộng đồng hạn chế những tác hại ảnh hưởng đến môi trường, tác động đến đời sống, sinh hoạt của con người”, chị Thảo cho biết thêm. 

Chị Nguyễn Kim Thanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ 3 An Thượng, (phường Mỹ An) hào hứng nói: “Từ nhiều năm nay, chị em phụ nữ chi hội vận động nhau thực hiện mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ”, đồng thời, hướng dẫn nhau cách phân loại rác thải tại nguồn. Đặc biệt, cứ mỗi buổi sáng tập thể dục, trên đường đi các chị em cứ thấy bao ni-lông là thu gom lại và bỏ đúng nơi quy định”.

Ở các phường còn lại, việc thực hiện chủ đề “Chống rác thải nhựa” được các cấp Hội LHPN thực hiện theo các nhóm nội dung, giải pháp, như: phát động hạn chế sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy và nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, sử dụng sản phẩm thủy tinh/inox thay cho sản phẩm nhựa...; tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình chống rác thải nhựa; phát động cho các chi hội phụ nữ ra quân dọn vệ sinh môi trường và thu gom, phân loại rác thải nhựa.

Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn Trần Thị Ngọc Lan cho hay, điều đáng ghi nhận trong việc thực hiện ở các phường là đã tổ chức cho hội viên phụ nữ ký cam kết thay đổi thói quen của bản thân và gia đình để góp phần hạn chế và giảm thải các loại rác nhựa và ni-lông bằng các việc làm cụ thể, như: có thùng đựng rác ngay tại gia đình; sử dụng làn nhựa, làn cói để đi chợ, mua thực phẩm đựng trong hộp giấy; mang theo đồ đựng thực phẩm riêng khi mua đồ ăn bên ngoài; hạn chế sử dụng túi ni-lông trong mua bán, trao đổi hàng hóa; phân loại rác thải ngay từ nhà… Đặc biệt, tuyên truyền cho người thân và nhân dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa, túi ni-lông đối với môi trường và sức khỏe con người.

Phong trào “Chống rác thải nhựa” còn được Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn lồng ghép thực hiện cùng phong trào “Phụ nữ Ngũ Hành Sơn - Hành động xây dựng quận môi trường” với các nội dung và giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Thu gom phế liệu gây quỹ”, Câu lạc bộ, nhóm “Sống xanh”, “Phụ nữ nói không với túi ni-lông”…

“Để phong trào được lan tỏa mạnh mẽ, Hội thường xuyên tổ chức các điểm tuyên truyền với các nội dung: “Phụ nữ hoạt động bảo vệ môi trường biển”, “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh”… và vận động hội viên phụ nữ tham gia dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải dọc các bãi biển, phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức cấp giỏ nhựa đi chợ để hạn chế việc sử dụng túi ni-lông; thành lập các nhóm “Sống xanh”, tận dụng các vật dụng để trồng rau xanh, cây cảnh tạo không gian xanh, nâng cao chất lượng bữa ăn của gia đình…”, chị Lan cho biết thêm.

Bài và ảnh: NHƯ Ý

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.