Quảng Nam - Đà Nẵng với 'phong trào hướng về Trường Sa' năm 1988

.

Đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa (Huy Gơ), Ga Ven và Xu Bi, quân Trung Quốc chuẩn bị mở rộng xâm lấn bằng kế hoạch thôn tính 3 bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc nhóm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Lúc này, bất chấp phản đối của chính phủ và nhân dân Việt Nam, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, tháng 3-1988, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên huy động một lực lượng lớn tàu chiến xâm nhập, đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Thư của quân và dân phường Hòa Cường (Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 5-4-1988).
Thư của quân và dân phường Hòa Cường (Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 5-4-1988).

10 người con đất Quảng đã anh dũng hy sinh ngày ấy

Sáng 14-3-1988, Trung Quốc “đã cho tàu chiến bắn cháy, bắn chìm 3 chiếc tàu vận tải của ta, cho quân đổ bộ, bắn giết chiến sĩ của ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sau đó, họ lại ngăn cản không cho các tàu cứu hộ của ta thực hiện việc cứu người bị nạn trên biển do chính họ gây ra”(1).

Về thông tin chính thức sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14-3-1988, trong Thông báo số 3 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 24-3-1988 cho biết Trung Quốc đã “đưa tàu đến và ngang nhiên cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ ta kiềm chế không nổ súng và ra hiệu cho chúng rút lui khỏi đảo. Lính Trung Quốc không nghe, xông vào phá cột cờ trên đảo, dùng dao găm đánh bộ đội ta.

Các chiến sĩ ta trên đảo dũng cảm chống trả quyết liệt bảo vệ cột cờ đảo, buộc lính Trung Quốc phải bỏ đảo rút lên tàu. Nhưng sau đó, chúng dùng pháo 100 ly trên tàu, bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của ta ở bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát. Sau sự việc xảy ra, Việt Nam đã phái hai tàu cứu hộ, cắm cờ chữ thập đỏ và không có vũ khí đến làm nhiệm vụ cấp cứu. Các tàu chiến Trung Quốc đã ngăn cản các tàu cứu hộ của ta đến khu vực này làm nhiệm vụ cấp cứu những người bị nạn, bị thương chính do phía Trung Quốc gây nên. Và sau đó buộc bộ đội ta phải bắn trả vào tàu Trung Quốc để tự vệ”(2).

Trong trận chiến này, đã có 10 người con đất Quảng anh dũng hy sinh trong tổng số 64 liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gồm: Nguyễn Bá Cường (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn); Lê Thế (An Trung Tây, huyện Hòa Vang); Trần Mạnh Viết (phường Bình Hiên, Đà Nẵng); Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Văn Sỹ, Trần Tài, Trương Quốc Hùng, Lê Văn Xanh, Nguyễn Phú Đoàn, Phạm Văn Lợi (phường Hòa Cường, Đà Nẵng). Tính đến ngày 28-3-1988, trên Báo Quân đội nhân dân, cho biết có 74 chiến sĩ mất tích trên 3 tàu 505, 604, 605. Tuy nhiên trên thực tế, có 10 chiến sĩ đang bị Trung Quốc bắt giữ, trong đó có Dương Văn Dũng (phường Hòa Cường), sau đó được trao trả về Đà Nẵng vào cuối năm 1991.

Vì số lượng chiến sĩ hy sinh, mất tích có quê quán tại Hòa Cường - Đà Nẵng đến 8 người (kể cả chiến sĩ Dương Văn Dũng kể trên), vào ngày 2-4-1988, quân và dân phường Hòa Cường (nay là phường Hòa Cường Nam và phường Hòa Cường Bắc) đã có thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, ở biên giới, hải đảo và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, trong đó nêu rõ quyết tâm: “Trong những ngày này, quân và dân Hòa Cường chúng tôi luôn hướng về Trường Sa, hướng về biên giới, đẩy mạnh mọi hoạt động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho Trường Sa thân yêu. Thanh niên Hòa Cường đã lên đường nhập ngũ tiếp bước chiến sĩ đàn anh. Hiện nay đã có 185 thanh niên đăng ký sẵn sàng nhập ngũ. Nhân dân chúng tôi quyết định lấy ngày 14-4 khởi công xây dựng tuyến đường từ tây sang đông trong phường mang tên Trường Sa và xây dựng công trình mẫu giáo vì con em Trường Sa”(3). Hòa Cường là phường có nhiều con em hy sinh nhất cả nước trong sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988.

“Phong trào hướng về Trường Sa” thân yêu

Trước tình hình Trung Quốc đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng cùng với cả nước, đặc biệt chú trọng công tác chủ động thông tin tuyên truyền và tập hợp lực lượng quần chúng, kêu gọi đấu tranh, mít-tinh. Thông báo số 3 nêu rõ: “Việc tranh chấp chủ quyền ở đây còn lâu dài và phức tạp.

Đấu tranh của ta phải kiên trì, có phương thức thích hợp, trong từng lúc, có tính đến xu thế thế giới và khu vực, tạo được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi mới có thể giành được thắng lợi”(4). Thời gian này, “thông tin báo chí và phong trào các giới lên tiếng phối hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao của ta đã động viên được bộ đội làm nhiệm vụ ở Trường Sa và bước đầu làm cho địch chùn lại, dịu giọng, phải chịu để tàu vận tải cứu hộ của ta đi lại bình thường.

Hướng đấu tranh ngoại giao của ta hiện nay là khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đề xướng đối thoại hòa bình”(5).

Có thể nói, công tác thông tin tuyên truyền tại Đà Nẵng được đặc biệt quan tâm, đã giải thích cho nhân dân hiểu rõ tình hình ở Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, vạch rõ ý đồ của Trung Quốc, kịp thời đưa tin các vụ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trước dư luận trong nước và quốc tế một cách đúng mức, có tính thuyết phục cao; vận động đồng bào các giới trong tỉnh lên tiếng đồng tình ủng hộ giải pháp đối thoại như Công hàm 17-3 và 23-3 của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tỉnh ủy kêu gọi, tiếp tục động viên nhân dân, chiến sĩ toàn tỉnh, bằng mọi hoạt động thiết thực về tinh thần và vật chất, góp phần ủng hộ đối với bộ đội đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa nói riêng và hải đảo, biên giới nói chung.

Tiếp đó, trong tháng 3 và 4-1988, tại Quảng Nam - Đà Nẵng, các địa phương, từ tỉnh đến phường, xã; các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang đã hưởng ứng phong trào Hướng về Trường Sa một cách mạnh mẽ với những hành động thiết thực, như: chi viện hàng hóa, thuốc men, ra sức lao động thi đua sản xuất, động viên con em lên đường nhập ngũ...

Khi quân Trung Quốc đẩy mạnh gây hấn, xâm chiếm đúng vào dịp tháng 3, dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến ngày 18-3-1988, đã quyên góp được 3.180.000 đồng(6); trong đó, riêng với phong trào “con gà tiền tuyến”, chị em đã đóng góp được 1.601.000 đồng. Ngay trước sự kiện ngày 14-3, trong đợt đầu của cuộc vận động nhân dịp 8-3, phụ nữ toàn tỉnh đã gửi tặng chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa một số quà trị giá hơn 100.000 đồng.

Ngày 11-4-1988, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình chị em có con em mất tích tại Trường Sa, tìm hiểu cuộc sống của từng gia đình, bước đầu ủng hộ, giúp đỡ một số gia đình khó khăn về kinh tế.

Thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang, huyện Thăng Bình, thị xã Hội An, cùng các cơ quan, doanh nghiệp: Công ty Cung ứng tàu biển, Nhà máy Nhựa Đà Nẵng, Nhà máy Dệt 29-3, Xí nghiệp Thiết kế thủy lợi, Công ty Điện máy miền Trung, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh... là những đơn vị có phong trào mạnh. Riêng Huyện Đoàn Hòa Vang đã phát động thi đua Tuần vì Trường Sa thân yêu. Ngay trong 10 ngày đầu phát động, Chi đoàn Nhà máy Dệt Hòa Thọ đã đóng góp 200.000 đồng để gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa.

Ngành Văn hóa - thông tin đã phát động, tổ chức các đêm biểu diễn văn nghệ ủng hộ Trường Sa. Đoàn cải lương Sông Hàn đã tổ chức diễn tại Hợp tác xã Hòa Tiến 2, góp được 190.000 đồng; Đoàn Nghệ thuật tuồng, Đoàn ca múa nhạc tỉnh, mỗi dơn vị ủng hộ 50.000 đồng. Đặc biệt, có 2.500 phụ lão đại diện cho 25.000 phụ lão của Hội Phụ lão thành phố tổ chức mít-tinh, biểu thị tình cảm yêu thương sâu sắc đối với các chiến sĩ Trường Sa và phản đối hành động xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc; đồng thời phát động Tuần lễ hướng về Trường Sa thân yêu và góp được 800.000 đồng.

Ngoài ra, để vận động các hoạt động thiết thực hơn nữa, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban Bảo vệ hòa bình tỉnh tập trung tuyên truyền, tổ chức các cuộc hội thảo để hiểu rõ tình hình ở Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, vạch rõ âm mưu và tội ác thâm độc của Trung Quốc đối với nước ta.

Có thể nói, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa quản lý huyện đảo Trường Sa) là những địa phương hưởng ứng phong trào hướng về Trường Sa mạnh mẽ nhất. Đó không chỉ là vì tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi có phường Hòa Cường có nhiều chiến sĩ hy sinh nhất trong trận chiến Gạc Ma ngày 14-3 mà còn là địa phương hiểu rõ sự mất mát đó khi đã trải qua sự kiện Hoàng Sa năm 1974 trước đó, nên có sự thấu hiểu, đồng cảm và hưởng ứng mạnh mẽ cũng là điều dễ hiểu.

VÕ HÀ

(1)  Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: “Thông báo hưởng ứng phong trào hướng về Trường Sa bằng những hành động thiết thực và cụ thể, ngày 28-3-1988”.

(2) Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: “Thông báo số 3 ngày 24-3-1988”.

(3) “Thư của quân và dân phường Hòa Cường”, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 5-4-1988.

(4) “Thông báo hưởng ứng phong trào hướng về Trường Sa...”, đã dẫn.

(5) “Thông báo số 3 ngày 24-3-1988”, đã dẫn.

(6) “Quảng Nam - Đà Nẵng: phụ nữ hưởng ứng phong trào ủng hộ các chiến sĩ tiền phương”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 18-3-1988.

;
;
.
.
.
.
.