Sự việc tại chùa Ba Vàng: Đi ngược triết lý Phật giáo, đạo đức xã hội

.

Việc gọi vong, giải nghiệp (thỉnh oan gia trái chủ) tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) không đúng với giáo lý nhà Phật, chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đạo đức xã hội.

Chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)
Chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến những thông tin về việc chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức gọi vong, giải nghiệp (thỉnh oan gia trái chủ) thu hút sự chú ý của dư luận trong những gần đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, việc này hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật, chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đạo đức xã hội.

Đi ngược với tất cả!

“Trong khi tất cả chúng ta đều cảm thấy xót xa trước sự việc một cô gái ở Điện Biên bị sát hại dã man thì một người phụ nữ có tên là Phạm Thị Yến khi thuyết giảng tại chùa Ba Vàng (trong clip ‘Bí ẩn vụ nữ sinh ship gà bị sát hại’) lại lấy đó làm ví dụ cho việc ‘oan gia trái chủ,’ lý giải rằng nạn nhân bị nhân vậy là do báo oán từ việc làm ác từ những kiếp trước; từ đó cho rằng cần thỉnh vong, giải nghiệp. Đây là hành động không thể chấp nhận được, đi ngược với giáo lý đạo Phật và đạo đức xã hội,” Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.

Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, giáo lý đạo Phật không có chuyện thỉnh vong, giải oan gia trái chủ như chùa Ba Vàng thực hiện.

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, giáo lý nhà Phật có thuyết luân hồi, nghiệp quả. “Nghiệp chịu sự chi phối của nhân quả, có nghiệp tốt, nghiệp xấu. Hành động và ý thức của chính mình quyết định nghiệp của bản thân. Bởi vậy, chỉ có bản thân mỗi người mới có thể quyết định, giải nghiệp cho chính mình. Ngoài ra, không có ai (kể cả Đức Phật) có thể giải nghiệp cho người khác. Bởi vậy, việc thỉnh oan giải nghiệp là điều không đúng với giáo lý nhà Phật.”

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, việc thỉnh vong, giải nghiệp là hành động dẫn con người vào tà kiến, thể hiện nhận thức sai.

“Ngoài ra, khi xem clip, tôi cũng nhận thấy, người thuyết giảng nhiều lần nhắc đến việc cúng dường, thậm chí cả việc chuyển khoản, trả góp các khoản cúng dường. Điều này hoàn toàn đi ngược với giáo lý đạo Phật và chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam,” Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: CTV)
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: CTV)

Trách nhiệm trong việc quản lý

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) để làm rõ sự việc, đồng thời chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng, truyền bá mê tín dị đoan.

Trao đổi về vấn đề quản lý việc thuyết giảng tại các chùa, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, ở trung ương có Ban Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở địa phương có Ban Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố. “Ban Hoằng pháp có nhiệm vụ thuyết giảng, hướng dẫn, thực hành giáo lý. Giáo hội quản lý thông qua sư trụ trì. Bởi vậy, sư trụ trì là người chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, thuyết giảng tại chùa,” Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

Trước đó, ngày 20-3, Báo Lao động có bài viết “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỷ” với nội dung phản ánh về hoạt động gọi vong tại ngôi chùa này: “Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải  là bởi oán hồn gây ra. Muốn thoát nạn thì buộc phải ‘trả nợ’ cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Hoạt động này đã công khai  diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) - một cơ sở thờ tự lớn và rất nổi tiếng ở phía Bắc.”

Ngay sau khi đăng tải, nội dung bài báo đã lập tức thu hút sự chú ý từ dư luận, được dẫn lại trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngay từ chiều 20-3, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc. Ngày 21-3, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa Cơ sở đã thành lập đoàn công tác, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh để xác minh, làm rõ các vấn đề nêu trên.

Ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, sự việc tại chùa Ba Vàng có liên quan tới các lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa và an ninh trật tự. Vì vậy, trong khi xác minh, xử lý cần căn cứ theo các quy định của Luật Tôn giáo tín ngưỡng cũng như Luật Di sản Văn hóa. “Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong sự việc lần này cũng cần được làm rõ,” ông Phạm Cao Thái cho hay.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.