Sáng 13-3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm việc với UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.
Theo báo cáo của UBND thành phố, Đà Nẵng hiện có hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ. Trong đó, có 3.704 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; nhóm cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao, gồm: 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 210 nhà cao tầng và khách sạn từ 7 tầng trở lên, 70 chợ, 35 siêu thị, 7 kho xăng dầu, 93 cửa hàng và 27 tàu kinh doanh xăng dầu, 1 kho khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng trăm cửa hàng kinh doanh gas. Bên cạnh đó, còn có 53.000ha rừng và nhiều khu vui chơi, giải trí.
Từ năm 2014 đến 2018, thành phố xảy ra 326 vụ cháy; trong đó, có 317 vụ cháy tại các cơ sở kinh tế, văn hóa, sản xuất kinh doanh dịch vụ, nhà dân, phương tiện giao thông làm 4 người chết, 34 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng hơn 53,6 tỷ đồng; 33 vụ cháy rừng thiệt hại khoảng 12,55ha. 5 năm qua, thành phố có gần 1.500 công trình, dự án được thẩm duyệt về PCCC; 1.111 công trình, dự án được nghiệm thu về PCCC; 23 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, hiện còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Trong giao thông phục vụ chữa cháy, thành phố vẫn còn một số khu dân cư cũ chưa được quy hoạch, chỉnh trang; các đường kiệt, hẻm nhỏ xe chữa cháy không vào được; một số nơi xe chữa cháy vào được nhưng lại bị lấn chiếm cơi nới, hệ thống dây điện, điện thoại chằng chịt không bảo đảm cho xe chữa cháy hoạt động. Các xe thang chữa cháy không thể đưa đến những tầng nhà quá cao do lên cao áp lực nước yếu nên cần phải có hệ thống chữa cháy tự động tại các tòa nhà.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các cấp, ngành chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC cho người dân; nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu; cần kiên quyết trong việc thẩm định, nghiệm thu các công trình; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt ở các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao; các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ… phải có hệ thống chữa cháy tại chỗ; kiểm định định kỳ bình chữa cháy tại nhà và xử lý các vi phạm theo quy định, cần có chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn với những hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị Công an thành phố quan tâm đầu tư cho công tác PCCC về con người, phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy cho các lực lượng liên quan; chú trọng trong PCCC rừng, chữa cháy trên sông; rà soát toàn bộ hệ thống cấp nước, sửa chữa, bổ sung mới các trụ nước; thực hiện đồng bộ, bảo đảm hệ thống phương tiện thông tin liên lạc chỉ huy chữa cháy của Cảnh sát PCCC thành phố liên lạc được xuyên suốt, phục vụ kịp thời, có hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn tiếp thu những kiến nghị, bất cập của các địa phương cũng như yêu cầu của chính quyền thành phố; đồng thời, nhấn mạnh công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, lấy phương châm “Bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) làm quan điểm chính thống.
THU THẢO