Ngày 2-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2018.
Theo PAPI 2018, Đà Nẵng đạt điểm cao nhất nước chỉ số nội dung quản trị điện tử. TRONG ẢNH: Một cửa điện tử tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: S.TRUNG |
Đà Nẵng đạt 45,36 điểm, xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất. Cụ thể, điểm số ở các chỉ số nội dung là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: 5,13; công khai minh bạch: 5,65; trách nhiệm giải trình với người dân: 4,55; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 6,51; thủ tục hành chính công: 7,49; cung ứng dịch vụ công: 7,68; quản trị môi trường: 4,10; quản trị điện tử: 4,24.
Đáng chú ý là các chỉ số nội dung: công khai minh bạch, cung ứng dịch vụ công, quản trị điện tử của Đà Nẵng đều thuộc nhóm cao nhất, đặc biệt chỉ số nội dung quản trị điện tử đạt mức cao nhất nước. Tuy nhiên, theo báo cáo PAPI 2018, về chỉ số quản trị môi trường và chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, Đà Nẵng thuộc nhóm thấp nhất.
Trước đó, năm 2017, thành phố Đà Nẵng đạt 37,21 điểm, xếp vào nhóm đạt điểm trung bình cao. Như vậy, so với năm 2017, điểm số PAPI năm 2018 của Đà Nẵng tăng 8,15 điểm và xếp vào nhóm đạt điểm cao nhất.
PAPI 2018 được đo lường qua các chỉ tiêu cấu thành 8 nội dung, gồm 6 nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) và 2 nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử).
Theo báo cáo PAPI 2018, điểm số của 63 tỉnh, thành phố đều tăng so với năm 2017. Kết quả khảo sát cho thấy cung ứng dịch vụ công và thủ tục hành chính công là 2 lĩnh vực nội dung đạt hiệu quả khá hơn cả trong số 8 chỉ số nội dung; lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công từng bước cải thiện. Kết quả khảo sát ở 5 lĩnh vực nội dung còn lại cho thấy các cấp chính quyền còn rất nhiều việc phải làm để người dân hài lòng hơn. Kết quả 2 chỉ số nội dung mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử rất thấp.
Báo cáo PAPI ghi nhận 2018 là năm đầu tiên người dân cho thấy có sự cải thiện trong cả 6 trục nội dung cơ bản, lấy ví dụ như việc tham nhũng ở các bệnh viện cấp huyện giảm mạnh và người dân ngày càng hài lòng hơn với thủ tục hành chính công. Báo cáo chứng minh, trong năm qua, phần lớn trong số 14.300 người dân ngẫu nhiên được hỏi nói rằng họ ghi nhận nỗ lực cải thiện dịch vụ và thủ tục hành chính công ở các địa phương, với điểm của các tỉnh, thành phố đạt được dao động từ 6,9 đến 7,95 (trên thang điểm 10).
Người dân trên toàn 63 tỉnh, thành cả nước cũng tương đối hài lòng với các dịch vụ công căn bản như y tế, giáo dục (với 87% người dân có bảo hiểm y tế); ghi nhận việc các cấp chính quyền cơ sở đã tương tác nhiều hơn với người dân cũng như cơ chế “một cửa” ở cấp xã/phường được cải thiện. Đáng chú ý, gần 60% số người dân trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua; khoảng 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.
Cùng với những điểm sáng và thay đổi tích cực, báo cáo PAPI 2018 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại: đói nghèo vẫn là vấn đề lớn với việc đa số người dân coi đây là “vấn đề hệ trọng nhất”, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm vừa qua đạt mức kỷ lục hơn 7%. Nhiều người lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo. Bất bình đẳng thu nhập cũng là yếu tố làm người dân cảm thấy bất an. Theo khảo sát, 90% số người được hỏi có thu nhập dưới mức 20 triệu đồng/tháng, và chỉ 1,7% có mức trên 40 triệu đồng/tháng.
Phát hiện chính từ thống kê chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” cho thấy, từ năm 2011 đến 2018, chưa đến một phần tư dân số có thể truy cập thông tin về quy hoạch sử dụng đất của địa phương và chưa đến một phần ba có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Một điểm đáng chú ý khác là, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy chỉ số của cả hai nội dung mới được đưa vào thống kê là quản trị môi trường và quản trị điện tử vẫn đang ở mức thấp. Cụ thể, chỉ số quản trị môi trường đang ở dưới mức trung bình trên toàn quốc, điều này cho thấy người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố chưa hài lòng với chất lượng môi sinh và hiệu quả quản trị môi trường.
Bản báo cáo cũng nêu rõ người dân Việt Nam có xu hướng ngày càng ủng hộ mạnh mẽ hơn việc bảo vệ môi trường, với 74% người dân không muốn đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Đa số người trả lời ủng hộ chính sách xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu “sạch”.
Kết quả Chỉ số tổng hợp PAPI 2018 cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần nỗ lực hơn trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ công tại địa phương để người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực nội dung PAPI đo lường. Khoảng cách giữa điểm tổng hợp cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và điểm tối đa 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 tổng hợp tám chỉ số nội dung) còn rất xa.
S.TRUNG - L.PHƯƠNG