Cưu mang những phận đời...

.

Không máu mủ ruột thịt, không quen biết, nhưng bằng tình yêu thương, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên phục vụ, Phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN), Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (BVPS - NĐN) vẫn luôn dang rộng vòng tay nhân ái, tận tình quan tâm, chăm sóc những bệnh nhân không thân nhân, cưu mang những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, nhân viên phục vụ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng đang hỏi thăm một nam bệnh nhân không thân nhân.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, nhân viên phục vụ Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng đang hỏi thăm một nam bệnh nhân không thân nhân.

Bệnh nhân thành... người thân

Gần 1 tháng qua, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ Khoa Nội hô hấp – Miễn dịch dị ứng (NHH-MDDU), BVĐN vừa điều trị bệnh vừa làm người thân chăm sóc cho một bệnh nhân nam, hiện vẫn chưa tìm được thân nhân và vừa qua đời vào cuối tháng 3-2019.

Ông Hồ Anh, Phó phòng CTXH, BVĐN cho biết: “Lúc 15 giờ ngày 3-2-2019, BVĐN tiếp nhận một nam bệnh nhân từ Trung tâm Cấp cứu (TTCC) 115 trong tình trạng hôn mê, thở máy, được chẩn đoán bị chấn thương sọ não. Theo ghi nhận của TTCC 115, nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại đường số 10, quận Liên Chiểu, trên người không có giấy tờ tùy thân”.

Dựa vào những thông tin ban đầu, Phòng CTXH đăng tin tìm thân nhân lên trang mạng xã hội Facebook; phòng Hành chính Quản trị phụ trách đăng tin tìm thân nhân lên kênh VTV8, DaNangtv, song đến lúc bệnh nhân qua đời vẫn chưa tìm được thân nhân.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, nhân viên phục vụ, Khoa NHH-MDDU chia sẻ: “Chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc bệnh nhân. Các bác sĩ lo điều trị bệnh, ăn uống phải đưa qua ống thông (xông) nên điều dưỡng phụ trách, còn chị em nhân viên phục vụ chúng tôi thì làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân rồi tranh thủ những lúc ít việc để trò chuyện với họ, mong khai thác thêm được thông tin gì đấy, giúp sớm tìm được người thân. Nhưng nam bệnh nhân quá yếu, chỉ biết ra dấu bằng cách lắc đầu, gục đầu. Ngoài số tiền được Phòng CTXH kêu gọi từ các nhà hảo tâm để lo chi trả viện phí, thuốc men, những khi thấy ông ấy thiếu gì, chúng tôi không ngại bỏ tiền ra mua. Tôi cũng như những đồng nghiệp khác, coi những bệnh nhân không thân nhân như người thân của mình”.

Tận mắt chứng kiến chị Hương lau người, thay bỉm, dọn xú uế cho nam bệnh nhân mới thấy công việc thật sự vất vả. Chị Hương bảo: “Những hôm ông ấy sốt cao, chúng tôi gần như phải thức trắng đêm”.

Rồi chị Hương kể cho tôi nghe về một nữ bệnh nhân có tên Hồng, từng điều trị tại khoa vì bị hen suyễn trong khoảng 4 năm. Trước, bà Hồng hay bán vé số trong khuôn viên BVĐN. Không người thân, sống dựa vào mấy tờ vé số. Lo cho bản thân còn chưa xong, ấy vậy mà bà Hồng còn nhận nuôi mấy đứa trẻ bị bỏ rơi ở Khoa Sản của bệnh viện.

Theo lời kể, sau khi cha mẹ bà Hồng bị địch bắn chết vào khoảng năm 1968, bà bỏ nhà đi và sống lang thang. Trong một lần lên cơn hen suyễn, bà được y tá, bác sĩ BVĐN cứu sống, kể từ đó bà lấy bệnh viện làm nhà.

Nhưng cũng có người kể, vào những năm đầu thập niên 60, có một người đàn ông dắt một đứa trẻ bị câm đến bệnh viện điều trị hen suyễn, nhưng bệnh đứa trẻ chưa khỏi thì người đàn ông bỏ đi biệt tăm. Và mọi người cho rằng, đứa trẻ đó chính là bà Hồng.

Khoảng năm 2013, bệnh hen suyễn của bà Hồng trở nặng nên được đưa vào điều trị tại khoa. Nhớ lại những ngày chăm bà Hồng, chị Hương bồi hồi: “Bà ấy bị câm điếc chứ cái gì cũng biết, không ai lừa được bà ấy đâu. Tới giờ cơm, bà ấy đưa đủ tiền rồi nhờ chúng tôi đến một quán nào đó mua cơm giúp. Phải mua đúng quán, đồ ăn ngon bà ấy mới ăn”.

Đến khoảng đầu năm 2017, bà Hồng qua đời. Cả khoa, đặc biệt là những ai từng tận tay chăm sóc cho bà ấy đều có cảm giác như vừa mất đi một người thân. Suốt câu chuyện về bà Hồng, chị Hương không thôi nhắc đi, nhắc lại: “Thương lắm em à!”.

Chị còn chia sẻ: “Mồng 4 Tết vừa rồi, chị với mấy bác sĩ, điều dưỡng có ghé thăm bà ấy tại nơi bà được hỏa táng. Nhìn di ảnh, mọi người lại rất nhớ bà ấy”.

Nam bệnh nhân, bà Hồng chỉ là 2 trong số rất nhiều những bệnh nhân không thân nhân từng điều trị tại BVĐN. Có người chỉ điều trị vài ngày, có người ở đến vài tháng. Có người sau khi sức khỏe ổn định, được BVĐN phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển qua Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố; có người không may qua đời nên bệnh viện lo mai táng. Có người mãi đến khi mất vẫn không tìm được thân nhân, hoặc bị thân nhân chối bỏ…

Cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi

Phòng CTXH, BVPS-NĐN cũng là nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhi bị bỏ rơi ngay tại bệnh viện. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong nhưng không có thân nhân. Vào năm 2017, có 3 trẻ sơ sinh không thân nhân, tử vong; 6 trẻ sơ sinh không thân nhân. Và năm 2018, bệnh viện cũng nhận chăm sóc 3 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Đại diện BVPS-NĐN cho hay, ngày 21-1-2019, Khoa Cấp cứu BVPS - NĐN tiếp nhận bé trai con bà Nguyễn Thị Oanh, sinh ngày 21-1-2019 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam với chẩn đoán: sơ sinh non yếu, biến chứng suy hô hấp. Sau đó, bé được chuyển sang Khoa Nhi sơ sinh (NSS) tiếp tục điều trị. 2 ngày sau, trẻ ngưng tim, ngưng thở được xử trí cấp cứu nhưng không hiệu quả.

Bệnh viện nhiều lần liên lạc theo số điện thoại của người nhà bệnh nhân nhưng không được. Bệnh viện thông báo trên truyền hình để thân nhân đến nhận thi thể bé nhưng vẫn không thấy người nhà đến nên bệnh viện đã tiến hành các thủ tục mai táng cho bé.

Mỗi khi tiếp nhận trường hợp người bệnh không thân nhân, Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đà Nẵng) lập tức đăng tin tìm người thân lên trang mạng xã hội của phòng nhưng không phải lúc nào sự cố gắng đó cũng đều có kết quả.
Mỗi khi tiếp nhận trường hợp người bệnh không thân nhân, Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đà Nẵng) lập tức đăng tin tìm người thân lên trang mạng xã hội của phòng nhưng không phải lúc nào sự cố gắng đó cũng đều có kết quả.

Chị Hoàng Thị Thanh Tâm, Điều dưỡng trưởng, Khoa NSS, BVPS-NĐN ngậm ngùi: “Thường thì trẻ sơ sinh nằm ở khoa chỉ sau 1 ngày là có người thân ghé thăm, nếu bận việc họ sẽ gọi báo cho khoa hay kèm theo những lời hỏi thăm, nhắn gửi. Còn nếu bé nào sau khi được chuyển vào đây mà không thấy ai ghé thăm, cũng không thấy gọi hỏi thăm thì chúng tôi biết ngay là người thân đã bỏ rơi bé”.

Với những trường hợp trẻ bị bỏ rơi, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý sẽ chăm sóc các bé đến khi nào sức khỏe trẻ ổn định mới bắt đầu làm các thủ tục liên quan đến việc xác nhận trẻ không thân nhân hay tìm người thân.

Nếu đã dùng mọi cách nhưng vẫn không tìm được thân nhân, bệnh viện sẽ bàn giao các bé cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố (TTNDTMC) Nhớ về những đứa trẻ bị bỏ rơi, chị Tâm kể 2 trường hợp gắn bó lâu nhất với khoa. Đó là một bé trai sinh ra bình thường (hiện sinh sống tại TTNDTMC) và một bé gái bị não úng thủy.

Chị Tâm cho hay: “Quá trình tìm người thân cho bé trai diễn ra khá lâu nên chúng tôi chăm bé gần 1 tuổi rồi mới bàn giao cho TTNDTMC. Trước đó, khi bé đủ tháng đi học, chúng tôi có gửi bé đi nhà trẻ để bé có bạn chơi cùng. Còn trường hợp bé gái bị não úng thủy thì ban đầu có người thân, nhưng sau khi biết bệnh tình của bé thì họ bỏ đi luôn. Chúng tôi đã nuôi bé đến khoảng 17 tháng tuổi thì bé mất. Chúng tôi coi những bé bị bỏ rơi như con của mình. Chăm con sao thì chăm các bé vậy. Những trường hợp các bé bị dị tật chăm sóc có phần cực hơn nhưng cứ xem như con mình đang bị bệnh thì mọi chuyện trở nên bình thường”.

Chị Đoàn Thị Hồng Vân, chuyên viên Phòng CTXH, BVPS-NĐN, tâm sự: “Có lần, có một bé mắc bệnh down bị bỏ rơi ở bệnh viện. Cả phòng tôi hay ghé Khoa NSS thăm bé. Sau 3 tháng, bệnh viện thuyết phục được người mẹ đến nhận lại bé”.

Ngày chia tay, cả phòng chị Vân góp tiền gửi tặng mẹ của bé, rồi mua sữa, mua một cái phích bên trong có sẵn nước sôi, gọi xe cho mẹ và bé về nhà. Lúc xe chuẩn bị chạy, cả phòng chị ai cũng bật khóc.

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ngay cả những người trong cuộc như chị Hương, chị Tâm đều khẳng định một điều rằng, dù họ có tận tâm, yêu thương những bệnh nhân không thân nhân đến dường nào thì vẫn không thể chu đáo bằng sự quan tâm, chăm sóc của người thân ruột thịt.

Không chỉ chị Hương, chị Tâm mà những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên chăm sóc, những người biết đến những câu chuyện này đều mong muốn sẽ không còn tình trạng bệnh nhân không thân nhân, sẽ không còn những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.