Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, sáng 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 của Tổng Thư ký Quốc hội. Về nội dung chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề để nghiên cứu, lựa chọn, gồm: chuyên đề 1: việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; chuyên đề 2: việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA); chuyên đề 3: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, bảo vệ quyền trẻ em vừa rồi đã giám sát; tuy nhiên, hiện nay, nổi lên là vấn đề bạo lực học đường, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, những vấn đề liên quan tới đạo đức xã hội...
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị lựa chọn lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng không mở rộng như phương án đề xuất, chỉ liên quan tới hoạt động tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chọn chuyên đề 1 ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. “Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này. Tôi cho là việc này được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Đồng quan điểm lựa chọn chuyên đề 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị phạm vi “khoanh hẹp hơn” và đổi tên thành giám sát “tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em”.
Lựa chọn chuyên đề 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đi sâu vào những nội dung: việc thực hiện Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký để xem việc nội lực hóa thực hiện những cam kết như thế nào; được những gì; cái gì khai thác tốt, cái gì chưa tận dụng được các ưu đãi... Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng giám sát nội dung này rất tốt cho việc xây dựng các văn kiện của Đảng và qua giám sát cũng là dịp để tìm hiểu, nêu rõ những quan điểm, lập trường và cung cách làm ăn trong thời kỳ mới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trên cơ sở tình hình đặc điểm năm 2020 là năm có nhiều hoạt động chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm 2020, ngoài việc xem xét các báo cáo của Quốc hội, Quốc hội giám sát tối cao 1chuyên đề tại kỳ thứ 9, Ủy ban Thường vụ giám sát 1 chuyên đề.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Về nội dung giám sát chuyên đề, các ý kiến thống nhất cơ bản lựa chọn chuyên đề 1 và 2; chuyên đề 1 sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội làm việc cùng các cơ quan liên quan để chỉnh sửa câu chữ trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 2 nội dung trên, Quốc hội sẽ chọn giám sát tối cao 1 nội dung và nội dung còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát.
Ngoài việc giám sát chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tích cực hoạt động giải trình những nội dung vấn đề bức xúc nổi lên; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để tổ chức các phiên họp giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, năm 2020 sẽ giảm các chuyên đề giám sát nhưng chú trọng hoạt động giải trình; từ đó, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tiến hành hoạt động giám sát, nghiên cứu lịch làm việc để tránh trùng lắp, đỡ phiền hà địa phương.
TTXVN