Hiệu quả từ những mô hình vì cộng đồng

.

Không chỉ chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình, nhiều chị em trên địa bàn quận Liên Chiểu còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là những người tiên phong, sẵn sàng trợ giúp du học sinh Lào và nữ công nhân lao động, học sinh nghèo hiếu học.

Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ, phường Hòa Khánh Nam xây dựng mô hình “Homestay - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng”.
Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ, phường Hòa Khánh Nam xây dựng mô hình “Homestay - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng”.

Tại phường Hòa Khánh Nam, mô hình homestay (cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân địa phương) dành cho du học sinh Lào không còn xa lạ với hầu hết người dân. Đây là mô hình do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Hội Hữu nghị Việt - Lào, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và UBND phường Hòa Khánh Nam phối hợp tổ chức từ năm 2011.

Từ đó đến nay, hàng trăm lưu học sinh Lào được tạo điều kiện tốt nhất trong suốt quá trình sinh sống, học tập tại địa phương này. Trong đó, Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ xây dựng hẳn mô hình “Homestay - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng”, góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào.

Đang theo học chuyên ngành Báo chí, Trường ĐH Sư phạm, Vongvienxay cho hay, khi chọn học ngành này, bản thân anh xác định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn vì ngữ pháp tiếng Việt phức tạp, đa nghĩa và vô cùng phong phú.

“Việc ở nhà dân không chỉ giúp tôi yên tâm học tập, tìm hiểu văn hóa bản địa mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình học, thực hành ngôn ngữ tiếng Việt. Từ những buổi trao đổi, nói chuyện với các cô, chú, anh chị em trong gia đình người Việt, tôi học được khá nhiều vốn từ, khả năng nói tiếng Việt, nhờ thế được củng cố rất nhiều”, Vongvienxay chia sẻ.

Được biết, Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ đang nhận đỡ đầu hơn 10 du học sinh Lào học tập tại Trường ĐH Sư phạm. Là giáo viên khoa Thể chất, Trường ĐH Sư phạm, chị Trần Thị Nguyện - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ có nhiều cơ hội tiếp xúc với du học sinh Lào. Chị hiểu rằng, hầu hết các du học sinh Lào khi mới sang Việt Nam học tập đều gặp những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, sinh hoạt và lối sống. Nếu không có môi trường tốt để hòa nhập, các em dễ lạc lõng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện.

Chị Nguyện cho biết: “Chúng tôi thường xuyên giữ mối quan hệ với những gia đình có du học sinh Lào sinh sống để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Với mô hình “Homestay - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng”, chúng tôi kỳ vọng tạo được môi trường thuận lợi để du học sinh Lào thực hành ngôn ngữ tiếng Việt cũng như hiểu thêm về văn hóa, lối sống của người dân Đà Nẵng, đồng thời mang đến những kỷ niệm đẹp cho các em trong suốt thời gian sinh sống, học tập tại đây”.

Chị Lưu Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam khẳng định, việc thường xuyên giữ mối liên hệ gắn kết giúp Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ nuôi dưỡng phong trào thành công. Mô hình homestay dành cho du học sinh Lào không mới nhưng khó duy trì nếu không có sự chung tay, chia sẻ, trợ giúp của chị em phụ nữ. Không chỉ hỗ trợ chỗ ăn ngủ, sinh hoạt, Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu nhằm tạo không khí cởi mở, chân tình, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, xem du học sinh như người thân trong gia đình.

Trong khi đó, với Chi hội Phụ nữ Quang Thành 3A2 (phường Hòa Khánh Bắc) - khu vực tập trung khá nhiều công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, chị em nhanh chóng triển khai mô hình “Ngôi nhà thứ hai”, nhận đỡ đầu, giúp đỡ chỗ ăn, ngủ cho công nhân xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Quang Thành 3A2 Tào Thị Lựu cho biết, Chi hội hiện có 145 hội viên, phần lớn là công nhân, người lao động, nên việc tuyên truyền, vận động chị em tham gia công tác hội gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần tương thân tương ái, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau, Chi hội Phụ nữ Quang Thành 3A2 thường xuyên gặp gỡ, động viên chị em tham gia sinh hoạt cộng đồng, tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, bán gây quỹ hỗ trợ sinh viên, công nhân, người cao tuổi không nơi nương tựa lúc ốm đau, bất trắc.

Được biết, quận Liên Chiểu là một trong số ít địa phương có nhiều mô hình hoạt động nhận được giải thưởng Chi hội Phụ nữ tiêu biểu năm 2018 của Hội LHPN thành phố. Chị Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu cho biết, đây là những mô hình hoạt động hiệu quả, mang dấu ấn của chị em trong việc góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.

“Tuy không nặng về thành tích nhưng giải thưởng từ các cấp hội cũng như sự ghi nhận của lãnh đạo địa phương là nguồn động viên lớn lao để chị em nỗ lực chu toàn công tác hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hướng về cơ sở, song song với công tác bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chung tay xây dựng “Thành phố 4 an”, tạo điều kiện tốt nhất để chị em cống hiến và trưởng thành”, chị Hằng cho hay.

Ngoài hai mô hình “Homestay - nhận đỡ đầu các lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng” của Chi hội Phụ nữ Chơn Tâm 2Đ, phường Hòa Khánh Nam và “Ngôi nhà thứ hai” của Chi hội Phụ nữ Quang Thành 3A2, phường Hòa Khánh Bắc, còn phải kể đến các mô hình “Lớp học tình thương” của Chi hội Phụ nữ Hòa Phú 5, phường Hòa Minh do cô giáo Nguyễn Thị Đào Thanh đứng lớp; “Thu gom phế liệu” của Chi hội Phụ nữ Phước Lý, phường Hòa Minh...

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.