Hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững

.

Sáng 23-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về hội nhập quốc tế tổ chức hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tổng kết hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm thành lập BCĐ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vương Đình Huệ đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tham dự hội nghị.

Theo BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế, 2019 là năm tăng tốc Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn mới phải hoàn tất các cam kết trong 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 31/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Về chính trị, phải chuẩn bị tốt mọi mặt để đảm nhận các trọng trách đa phương như: Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thành viên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019 - 2025; kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông; xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh mạng, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu…

Về kinh tế, xây dựng triển khai thực hiện hiệu quả các FTA mới có hiệu lực; tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập; tăng cường vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, ASEAN, APEC, ASEM…

Về văn hóa - xã hội, xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021- 2030; tích cực triển khai các thoả thuận đã cam kết tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có Kế hoạch hành động của ASEAN về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo 2016 - 2025, kế hoạch hành động về giáo dục 2016 - 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã nâng cao vị thế và xây dựng hình ảnh thành phố sự kiện bằng việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển, du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, có khả năng kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong ASEAN và trên thế giới; đồng thời, tăng cường xúc tiến đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện trung tâm hội nghị và quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để sớm ban hành các nghị quyết, nghị định về cơ chế đặc thù phát triển thành phố. Trung ương cần quan tâm, hỗ trợ thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm tại Đà Nẵng như: mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng Liên Chiểu, Làng Đại học. Đà Nẵng mong muốn được hỗ trợ trong việc thiết lập các quan hệ đối ngoại với các địa phương quốc tế, thiết lập thêm các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hội nhập quốc tế là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng và thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới, cần thực hiện 3 phương châm gồm: nâng tầm nhận thức, tư duy hội nhập chủ động; hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 6 nội dung trọng tâm.

Trong đó, hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp với năng lực và lợi ích đất nước, song không để các thời cơ lần lượt trôi qua; cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị để đẩy mạnh hội nhập; đối với hội nhập kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm là phải làm nội lực mạnh lên, đặc biệt là nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại và đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối với hội nhập chính trị - an ninh - quốc phòng, cần chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương và đa phương; trong lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, cần chủ động học hỏi, nâng cao nội lực phù hợp với những thông lệ, chuẩn mực chung; phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của địa phương và doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.