Kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch nước Lê Đức Anh

.

Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng (60 tuổi, ngụ phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), Trưởng đại diện Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng, Trưởng đại diện Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng đã 3 lần được gặp nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 3 lần ấy đã để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm sâu sắc.  

Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng.
Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng.

          Nguyên là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân thường trú tại miền Trung - Tây Nguyên, ông Lê Anh Dũng thường xuyên tác nghiệp tại địa bàn miền núi và các đảo, điểm đảo trên vùng biển miền Trung.

Cách đây 25 năm, năm 1994, ông Dũng vinh dự tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi thăm các đơn vị quân đội và nhân dân xã đảo Tam Hiệp (thường gọi là Cù lao Chàm), thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (nay là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Ông Dũng và nhiều phóng viên khác ngược xuôi trên boong tàu để chụp ảnh Chủ tịch nước nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Với giọng nói truyền cảm, thân mật, ấm áp, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc có nhiều khó khăn, phức tạp, cần phải kiên quyết nhưng cũng cần hết sức mềm dẻo nhằm tránh xảy ra chiến tranh để đất nước có điều kiện xây dựng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nhân nhượng vô nguyên tắc. Đoạn, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhắc lại lời của Vua Lê Thánh Tông: “Phải giữ từng tấc đất, tấc biển của tổ tiên để lại!”.

Đến Cù lao Chàm, sau khi nói chuyện với bộ đội, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi thăm cụ Lê Niếu, cán bộ lão thành cách mạng và ân cần tâm sự: “Anh em mình đã già rồi, nên sống nhẹ nhàng, thoải mái, thường xuyên giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho con cháu”.

Nhà báo Lê Anh Dũng nhớ mãi cái bắt tay và những lời thăm hỏi thân tình của Chủ tịch nước dành cho mình. Ông Dũng kể: “Chủ tịch nước Lê Đức Anh hỏi tôi họ tên gì, tôi nói: “Thưa Thủ trưởng! Em tên là Lê Anh Dũng”.

Vừa nghe xong, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói ngay: “Vậy chúng ta cùng họ và cùng là con cháu của Vua Lê Thánh Tông, chúng ta hãy chung tay góp sức bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của tổ tiên để lại”.     

       Lần thứ 2, nhà báo Lê Anh Dũng và mấy chục đồng nghiệp cùng đi máy bay với Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) vào ngày 4-1-1996. Máy bay xuất phát tại Sân bay Đà Nẵng, sau khoảng nửa giờ, hạ cánh xuống Sân bay Khâm Đức (Phước Sơn) trong sự chào đón nồng nhiệt của các tầng lớp nhân dân.

Nói chuyện với đồng bào Phước Sơn, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Phước Sơn là địa bàn chiến lược quan trọng, là vùng căn cứ cách mạng suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhân dân Phước Sơn rất anh hùng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, ngày nay cần tiếp tục phát huy tinh thần kiên cường, năng nổ, sáng tạo để xây dựng cuộc sống mới, cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ khoáng sản, làm cho gia đình no ấm và quê hương giàu đẹp, an vui”.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên ở huyện miền núi Phước Sơn: “Các đồng chí phải chú tâm chăm lo đời sồng nhân dân, xem có hộ nào còn thiếu gạo, muối, quần áo, nước sạch hay không và xem có học sinh nào còn thiếu sách vở, đồ dùng học tập hay không?...”.

Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng.
Đại tá, nhà báo, nhà thơ Lê Anh Dũng.

         Năm 2015, nhà báo Lê Anh Dũng cùng với nhà báo Vĩnh Quang Lê, Tổng biên tập Báo Nhân đạo và Đời sống đến thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại nhà riêng trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội).

Ông Dũng hồi tưởng, năm ấy, dẫu đã 95 tuổi nhưng Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn còn minh mẫn và giọng nói vẫn rõ ràng, khúc chiết. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dặn dò: “Những người cầm bút phải thể hiện cái tài và cái tâm trên từng trang viết. Viết bài phải dùng ngôn ngữ đại chúng, ai xem cũng hiểu được.

Các cậu phải làm cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thấm vào lòng bạn đọc, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, người dân tộc thiểu số. Các cậu cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, nhà báo, nhà văn cần đề xuất, kiến nghị những giải pháp thiết thực về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngòi bút của các cậu phải tinh, phải sắc, phải đủ mạnh để đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt, các cậu phải làm nhịp cầu nối các nhà hảo tâm, các đơn vị, cá nhân có điều kiện kinh tế đến với đồng bào nghèo và những hoàn cảnh khó khăn, rủi ro...

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.