LẤY Ý KIẾN GÓP Ý BÁO CÁO CHÍNH TRỊ

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024

.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đăng tải toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng khóa X trình Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị.

Thời gian lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân: từ ngày 12-4-2019 đến ngày 26-4-2019.

Ý kiến góp ý gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, số 12 Trần Phú, Đà Nẵng hoặc gửi qua email: mattrandanang@gmail.com.

Toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố khóa X như sau:

PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, THỰC HIỆN DÂN CHỦ, TĂNG CƯỜNG ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, XÂY DỰNG  THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIÀU ĐẸP, AN BÌNH, VĂN MINH, HIỆN ĐẠI

(Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố khóa X trình Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024)

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống của các tầng lớp nhân dân thành phố. Đại hội được tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thành phố đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2014-2019, Mặt trận các cấp với vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC 
VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NHIỆM KỲ 2014-2019

I. TÌNH HÌNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC  

Năm năm qua, nhân dân thành phố Đà Nẵng vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh của đất nước và thành phố. Sự phát triển của thành phố theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, Đà Nẵng được lựa chọn là nơi Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế thành phố trên trường quốc tế, góp phần thu hút đầu tư để phát triển thành phố.

Tuy nhiên, nhân dân thành phố quan tâm, lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, ma túy và tệ nạn xã hội, tai nạn và ùn tắc giao thông… Việc xử lý nghiêm sai phạm của các tập thể, cá nhân; việc thực hiện kết luận thanh tra về đất đai được cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục xây dựng và củng cố mối quan hệ “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; Chính quyền làm - dân ủng hộ”. Các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, thi đua, đóng góp vào sự phát triển của thành phố:

- Công nhân, công chức, viên chức và người lao động thành phố tăng nhanh về số lượng với gần 600.000 người (1), chất lượng được nâng lên về nhiều mặt, trẻ hóa (dưới 40 tuổi chiếm khoảng 85%) và có trình độ chuyên môn từng bước đáp ứng yêu cầu trên một số lĩnh vực. Công nhân, công chức, viên chức và người lao động mong muốn Đảng bộ và chính quyền thành phố quan tâm hơn nữa về vấn đề nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc để yên tâm lao động, sản xuất ngày càng tốt hơn.  

- Nông dân thành phố có hơn 53.400 hộ, 45.000 hội viên, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới và khai thác hải sản, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng được cải thiện. Nông dân mong muốn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao và các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn và vùng biển.

 - Đội ngũ trí thức thành phố phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng (2), tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội; sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.

 - Phụ nữ với gần 540.000 người, hơn 150.000 hội viên, vừa thực hiện thiên chức của mình vừa không ngừng học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ của xã hội. Phụ nữ thành phố mong muốn được nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, điều kiện chăm sóc trẻ em, bảo đảm bình đẳng giới. Đã thành lập và phát triển Hội Nữ trí thức thành phố với gần 300 hội viên.

- Thanh niên có hơn 280.000 người, là lực lượng năng động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, vì Tổ quốc. Phần lớn thanh niên sống có trách nhiệm, nỗ lực học tập nâng cao trình độ để lập thân, lập nghiệp. Một bộ phận thanh niên còn thụ động trong học tập và làm việc, kỹ năng sống hạn chế; nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học và sau đại học chưa có việc làm. Thanh niên mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm tạo việc làm và môi trường để được cống hiến, trưởng thành.

- Cựu chiến binh có hơn 19.000 hội viên và 23.000 cựu quân nhân đã phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư, tích cực giúp nhau làm kinh tế, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

- Lực lượng vũ trang thành phố trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội đảm bảo phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

- Đội ngũ doanh nhân thành phố hoạt động trong gần 26.000 doanh nghiệp, nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Doanh nhân mong muốn môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện hơn, thành phố có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ mới, kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

- Người cao tuổi thành phố có hơn 86.000 người, chiếm gần 10% dân số với phong trào “Tuổi cao gương sáng” tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội ở cơ sở. Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cấp Hội Người cao tuổi thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc người cao tuổi theo Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

- Chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo: thành phố hiện có 6 tôn giáo với gần 200.000 tín đồ, 539 chức sắc, 1.893 chức việc (3). Các vị chức sắc, chức việc và bà con tín đồ các tôn giáo đoàn kết, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, bảo vệ môi trường, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận.

- Đồng bào các dân tộc thiểu số: thành phố có 28 dân tộc với 1.835 hộ/ 4.942 nhân khẩu (chủ yếu là dân tộc Cơ tu và người Việt gốc Hoa) (4). Đồng bào yên tâm sinh sống và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Chính sách đối với đồng bào được thành phố đặc biệt quan tâm, đến nay đã hoàn thành xóa nhà tạm trong đồng bào dân tộc Cơ tu, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện rõ rệt.

- Người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố có hơn 8.000 người, là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong xu thế hội nhập, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng về thành phần. Bà con kiều bào có nhiều nỗ lực trong học tập, lao động, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tích cực đóng góp cho thành phố về đầu tư, giáo dục, y tế, công tác xã hội từ thiện.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tăng cường đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy truyền thống yêu nước, đồng thuận với chủ trương của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung tay xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Đại hội ghi nhận và biểu dương sự gắn bó keo sơn của các tầng lớp nhân dân thành phố và kiều bào ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng xây dựng, mở rộng khối đại đoàn kết thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ NHIỆM KỲ 2014 - 2019

1. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên truyền và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (5), với phương châm “Nói cho dân nghe” và “Nghe dân nói”, Mặt trận các cấp đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền trong nhân dân về các văn bản pháp luật, về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” (6), cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân chào mừng Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Phát hành 60 chuyên trang Mặt trận trên Báo Đà Nẵng đến Ban công tác Mặt trận; đăng tải 6.127 tin, bài viết, 7.935 hình ảnh và 489 văn bản hướng dẫn trên Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam thành phố; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố xây dựng và phát sóng chuyên mục “Đại đoàn kết”. Đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tại cơ sở, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và kiến nghị giải quyết, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

 Mặt trận Tổ quốc thành phố chú trọng đa dạng các hình thức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, kết nạp mới 1 tổ chức thành viên (7). Phát huy vai trò các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu trong các giới, các tôn giáo, dân tộc tham gia góp ý chân thành, thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề quan trọng của đất nước và thành phố; kiến nghị, hiến kế cho Đảng, chính quyền, Mặt trận nhiều giải pháp về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, về giám sát, phản biện xã hội. Thông qua việc thăm hỏi đồng bào các dân tộc, các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trọng, Mặt trận các cấp đã động viên đồng bào chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo. Thực hiện chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Mặt trận các cấp và các tôn giáo đã xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả (8). Chương trình Liên hoan văn nghệ các tôn giáo năm 2015, 2017 có hơn 1.000 chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia gần 50 tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu con người, cuộc sống... đã tăng cường tình đoàn kết, hòa hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cộng đồng các tôn giáo thành phố.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18-11 hằng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, là tâm điểm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gắn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với các chủ đề: “Khu dân cư bảo đảm 4 an”, “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”… Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản, chung sức xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, vững mạnh.

Tuy nhiên, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố đến với các tầng lớp nhân dân chưa thường xuyên; việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.

2. Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước

Kế thừa và phát huy kết quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức triển khai Đề án số 04 ngày 28-12-2015 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình thành phố “”5 không”, “3 có”, “4 an” (9). Đã xây dựng và duy trì nhiều mô hình hiệu quả (10), đưa cuộc vận động đi vào đời sống nhân dân.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nguồn lực chăm lo đời sống của người nghèo, đa dạng hóa các hình thức vận động(11) Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 135 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch (Nghị quyết Đại hội X vận động 100 tỷ đồng). Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.123 nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 58,5 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế, sản xuất cho 11.816 hộ nghèo với số tiền trên 10,9 tỷ đồng; tiếp sức đến trường cho hơn 11 ngàn học sinh, sinh viên con hộ nghèo số tiền 8,578 tỷ đồng; hỗ trợ 107.674 suất quà Tết cho hộ nghèo trị giá 43,443 tỷ đồng, giúp 20.293 hộ thoát nghèo, hoàn thành trước thời hạn chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020 của thành phố.

Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phát huy tinh thần tương thân, tương ái, vận động nhân dân tham gia cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, người bị bệnh hiểm nghèo...  Năm năm qua, nguồn cứu trợ thành phố đã vận động được 12,087 tỷ đồng, hỗ trợ 9,257 tỷ đồng cho nhân dân vùng bị thiên tai (12), tiếp nhận 2,4 tỷ đồng của Trung ương Mặt trận và các địa phương hỗ trợ ngư dân khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, động viên ngư dân bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng; vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 80,5 tỷ đồng. Mặt trận đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 203 nhà gia đình chính sách với số tiền trên 5 tỷ đồng; các đoàn thể chính trị - xã hội và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng, sửa chữa 229 nhà gia đình chính sách với số tiền trên 6 tỷ đồng.

Mặt trận các cấp vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phối hợp tổ chức các lễ hội truyền thống (13); tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh  - sạch - đẹp; tuyên truyền hỏa táng; xây dựng xã, phường thân thiện với môi trường (14).

“Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được tổ chức hằng năm đã tuyên truyền nhân dân đề cao cảnh giác, tích cực phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở khu dân cư(15), bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Mặt trận, các tổ chức thành viên và các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hoạt động phong phú. Các chương trình “Tự hào hàng Việt Nam ”, các phiên chợ hàng Việt đã đưa cuộc vận động đi vào đời sống nhân dân, góp phần làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng hàng Việt. Hiện có 90 đến 95% hàng Việt được bày bán tại các chợ, siêu thị; có hơn 85% người dân thành phố ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt. Cuộc vận động cũng động viên, cổ vũ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” được triển khai đến quận, huyện, phường, xã. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp xét chọn 4 công trình sáng tạo, đề nghị và được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chọn 3 công trình sáng tạo đưa vào “Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2018” (16).

Các tổ chức thành viên tích cực thực hiện chương trình hành động của Mặt trận, đã hiệp thương xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động với nội dung phù hợp từng đối tượng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Liên đoàn Lao động vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công sở, doanh nghiệp”, nhân rộng mô hình “Tổ công nhân tự quản văn hóa”, “Nhà trọ công nhân thân thiện, sạch đẹp, an toàn” (17). Hội Nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đóng góp 22,7 tỷ đồng, hơn 22.000 ngày công (18) xây dựng nông thôn mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “5 không, 3 sạch”, “Mỗi cán bộ, hội viên tiết kiệm 5.000 đồng để góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (19). Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên thực hiện phong trào “Xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”. Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên hư (20). Bộ Chỉ huy Quân sự với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” huy động 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thi công hơn 38km đường bê-tông nông thôn (21).

 Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và tổ chức nhiều hội thảo, hội thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật động viên văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa động viên doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp chương trình an sinh xã hội. Liên minh Hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hợp tác xã; vận động phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới.

Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu văn hóa, tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân thành phố với nhân dân các nước. Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố phát động phong trào “Xây dựng giáo xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu, người giáo dân tiêu biểu”, xây dựng “Khu dân cư Công giáo thân thiện và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố cùng các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn tích cực đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, chung tay cùng chính quyền và Mặt trận thực hiện công tác an sinh xã hội và nhân đạo từ thiện.

 Hội Chữ thập đỏ với phong trào địa chỉ nhân đạo đã tặng hơn 100.000 suất quà Tết trị giá 34,6 tỷ đồng, vận động hiến 179.026 đơn vị máu đáp ứng 100% nhu cầu truyền máu tại các bệnh viện. Hội Đông y tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí với số tiền 1,6 tỷ đồng. Hội Luật gia tích cực tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho hộ nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hội Người cao tuổi với phong trào “Tuổi cao, gương sáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Hội Tù yêu nước, Hội Cựu Thanh niên xung phong thực hiện tốt công tác “Nghĩa tình đồng đội”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức đẩy mạnh phong trào “Học tập suốt đời”, khuyến học, khuyến tài. Hội Người mù thực hiện phong trào thi đua “Hội Người mù Đà Nẵng với chương trình an sinh xã hội”. Hội Người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người khuyết tật, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em mồ côi.

Hội Nạn nhân chất độc da cam với chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”. Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em với phong trào “Thi đua giúp đỡ hộ nghèo vượt khó và chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em”. Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh với chương trình hỗ trợ chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo.

Nhìn chung, các phong trào, cuộc vận động đã được các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương và trong cùng một địa phương, có nơi còn mang tính hình thức, chưa sát với tình hình thực tế nên hiệu quả chưa cao. Việc triển khai một số mô hình điểm thiếu sức lan tỏa; nhiều mô hình hay, hiệu quả chưa được nhân rộng.

3. Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đã có chuyển biến đáng kể.

Mặt trận các cấp tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên (22); tập trung giám sát 49 lĩnh vực người dân quan tâm, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, tham gia 43 đoàn giám sát của HĐND các cấp. Qua giám sát, Mặt trận đã kiến nghị chính quyền xem xét giải quyết nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân như việc bố trí đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa, việc chi hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng các dự án… Các cơ quan chức năng đã giải quyết, trả lời công khai nhiều kiến nghị, được nhân dân đồng tình. Việc thực hiện Đề án Giám sát đại biểu dân cử của các cấp Mặt trận thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Công tác phản biện xã hội có nhiều cố gắng. Từ cuộc phản biện xã hội đi đến quyết định dừng thực hiện dự án Cầu đi bộ qua sông Hàn năm 2014, Mặt trận các cấp đã tổ chức 10 hội nghị phản biện xã hội (23) với 29 nội dung. Các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, các chuyên gia, đại diện các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của thành phố. Ý kiến phản biện của Mặt trận đã được chính quyền và cơ quan soạn thảo tiếp thu, phản hồi.

Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến nhân dân góp ý văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; tham gia xây dựng Đảng thông qua việc giám sát cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); thực hiện Quy định số 06-QĐ/TU của Thành ủy về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Mặt trận các cấp tích cực tham gia xây dựng chính quyền, kiến nghị nhiều vấn đề tại các kỳ họp HĐND nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân; tham gia góp ý 45 dự án luật, trên 100 văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Mặt trận các cấp đã hiệp thương giới thiệu 3.341 người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức 617 cuộc tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động; tổ chức 7 đoàn giám sát công tác bầu cử tại cơ sở; tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử đến các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú (24). Vận động cử tri tham gia bầu cử đạt 99,8%, đã bầu 6 đại biểu Quốc hội, 49 đại biểu HĐND thành phố, 250 đại biểu HĐND quận, huyện và 1.541 đại biểu HĐND phường, xã. Tổ chức tốt 1.805 hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và đại biểu HĐND các cấp với gần 200.000 lượt cử tri tham dự, phát biểu 17.098 ý kiến, kiến nghị được Mặt trận thành phố gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan dân cử theo luật định để giải quyết và trả lời cho cử tri.

Mặt trận các cấp tích cực triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các quận, huyện, phường, xã; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân giám sát việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các nguồn quỹ, nguồn đóng góp của nhân dân, các công trình, dự án liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của 56 Ban thanh tra nhân dân, 126 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các phường, xã làm nòng cốt giám sát hoạt động của chính quyền, giám sát thi công các công trình, dự án trên địa bàn. Mặt trận thành phố đã tiếp 81 lượt công dân và nhận 347 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 54 đơn; có văn bản trả lời cho công dân 16 đơn.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tuy đạt được một số kết quả nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội đặt ra và sự kỳ vọng của nhân dân. Hoạt động giám sát có lúc, có nơi còn hình thức, dàn trải, hiệu lực pháp lý và hiệu quả thực tế chưa cao. Một số Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế về nghiệp vụ. Một số nơi, Mặt trận chưa theo dõi, giám sát đến cùng việc cơ quan chức năng trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri.

4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, tuyên truyền về “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia 2017”, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước; duy trì các hoạt động ngoại giao (25); phối hợp bảo đảm an toàn nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi được tổ chức tại Đà Nẵng, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG5), Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, Chương trình hành động số 30/CTr-MTTW-BTT của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường và đổi mới công tác đối ngoại nhân dân”; lắng nghe, tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền; chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành lập Câu lạc bộ doanh nhân kiều bào thành phố.

Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức họp mặt kiều bào, thu hút gần 200 kiều bào tham dự. Đây là dịp để bà con xa quê được giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo thành phố; qua đó động viên bà con tiếp tục tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng, phát triển thành phố.

Nhìn chung, hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện chủ yếu ở cấp thành phố. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên; việc vận động, tập hợp bà con kiều bào đóng góp xây dựng thành phố còn hạn chế. Một số tổ chức thành viên chưa chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện “Vai trò đại sứ nhân dân”.

5. Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”, các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo về xây dựng tổ chức bộ máy, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị; cử lãnh đạo cấp ủy Đảng tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện trách nhiệm vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác Mặt trận. HĐND, UBND đã phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên triển khai nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc thành phố đã ký kết với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND và các ban, ngành của thành phố 11 quy chế, chương trình phối hợp. Hằng tháng, lãnh đạo Mặt trận các cấp dự phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND, kịp thời phản ánh, kiến nghị và đề xuất giải quyết nhiều vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tổng số biên chế cán bộ cơ quan Mặt trận giảm so với đầu nhiệm kỳ (cấp thành phố còn 21 biên chế, cấp quận- huyện còn 5 -7 biên chế, cấp phường-xã chỉ có 1 phó chủ tịch). Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác được tổ chức thường xuyên nên đa số cán bộ Mặt trận đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Ủy ban Mặt trận các cấp được củng cố, kiện toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã hiệp thương, bầu bổ sung, thay thế 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 Ủy viên thường trực và 27 Ủy viên; kết nạp mới 1 tổ chức thành viên. Đa số các vị Ủy viên gắn bó, sâu sát với địa bàn, kịp thời phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tích cực tham gia triển khai các chương trình công tác Mặt trận. Chủ tịch Ủy ban MTTQ các cấp đều là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp được mở rộng, kết nạp thêm thành viên mới, tăng ủy viên là người tiêu biểu, chuyên gia trên các lĩnh vực. Ban Thường trực được trẻ hóa, trình độ được nâng lên.

Mặt trận Tổ quốc thành phố chú trọng phát huy vai trò của 4 hội đồng tư vấn: Kinh tế-Môi trường, Văn hóa-Xã hội, Dân chủ-Pháp luật, Tôn giáo-Dân tộc. Thành viên các hội đồng đã tư vấn, góp ý cho Ban Thường trực nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận thành phố. Tại 56 xã, phường có 1.229 Ban công tác Mặt trận khu dân cư thường xuyên được củng cố, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động. Nhờ đó đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố đến với người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với cấp ủy Đảng, chính quyền và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức biên soạn, phát hành Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng (1930-2017). Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Việc hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận các cấp có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, một vài quy chế, chương trình phối hợp của Mặt trận thành phố với các ban, ngành, đoàn thể được ký kết nhưng thực hiện còn dàn trải, chưa định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết. Một bộ phận cán bộ Mặt trận năng lực hạn chế, một số địa phương bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận thiếu tính ổn định nên ảnh hưởng đến kết quả hoạt động. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận cơ sở chưa bảo đảm. Một số vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động của Mặt trận các cấp.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG         

1. Kết quả đạt được và nguyên nhân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã nỗ lực thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của thành phố.
Mặt trận các cấp đã chủ động, sáng tạo trong triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động với nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội về những vấn đề liên quan đến đời sống, quyền lợi của nhân dân, Mặt trận đã cùng Đảng, chính quyền giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân, khẳng định vị thế của Mặt trận trong hệ thống chính trị và trong lòng nhân dân. Mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên được tăng cường, tạo sự tin cậy và phối hợp hiệu quả trên các lĩnh vực công tác. Hoạt động của Mặt trận có nhiều cố gắng đổi mới, tập trung triển khai các hoạt động ở cơ sở và từng địa bàn dân cư; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

Nguyên nhân: Bên cạnh sự nỗ lực của Mặt trận các cấp, sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, nhất là chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với công tác Mặt trận đã đem lại những kết quả trong nhiệm kỳ qua. Chính quyền các cấp đã phối hợp, đảm bảo điều kiện để Mặt trận triển khai nhiệm vụ. Các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, lồng ghép nội dung chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Mặt trận vào nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức và vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân    

Công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua còn một số hạn chế, yếu kém. Nội dung và phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa theo kịp những yêu cầu mới của xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận tuy có cố gắng nhưng còn dàn trải, thiếu sức thu hút người dân. Việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Trước một vài vụ việc nổi cộm trên địa bàn thành phố được dư luận quan tâm, Mặt trận phản ứng còn chậm, chưa kịp thời vào cuộc tham gia giải quyết. Việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền tuy có chuyển biến đáng kể nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội đặt ra và sự kỳ vọng của nhân dân. Triển khai giám sát cán bộ, đảng viên còn lúng túng; chưa chủ động lựa chọn vấn đề phản biện xã hội, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát và tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội có nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức. Hoạt động đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với vai trò của Mặt trận.

Nguyên nhân: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về công tác giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc. Trước nhiệm vụ mới và khó như công tác giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sự phối hợp của các tổ chức thành viên, nhất là việc phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, các chuyên gia chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số cán bộ Mặt trận thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền; năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ thực tiễn công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hoạt động của Mặt trận phải hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.  
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công tác Mặt trận.

Thứ ba, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận theo phương châm vừa tổ chức các hoạt động quy mô lớn để tạo khí thế chung, vừa tổ chức các hoạt động chiều sâu ở cơ sở, khu dân cư. Xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, định kỳ sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời, chính xác.

Thứ tư, lựa chọn những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, vấn đề được dư luận quan tâm để giám sát và phản biện xã hội. Qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận trong hệ thống chính trị.
Thứ năm, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp có trình độ, phẩm chất và năng lực, biết tham mưu, phối hợp và tổ chức phong trào, tận tụy, có uy tín trước Đảng, chính quyền và nhân dân.

Phần thứ hai


MỤC TIÊU, CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NHIỆM KỲ 2019-2024

Năm năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế đất nước được dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định. Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Những mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet và sự chống phá của các thế lực thù địch làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thành phố Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung- Tây Nguyên và của cả nước. Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logictics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”. Tầm nhìn đến năm 2045 “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Quán triệt đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng  Đảng bộ và chính quyền  thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

I. MỤC TIÊU

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân thành phố; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

* Các chỉ tiêu chủ yếu:

- 100% cán bộ Mặt trận các cấp và đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.

- Hằng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 75% “Tổ dân phố, thôn văn hóa”.

- Vận động Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đạt trên 120 tỷ đồng.

- Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc thành phố, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện tổ chức ít nhất 1 cuộc phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện ít nhất 2 cuộc giám sát chuyên đề.
- Hằng năm, phấn đấu 100% MTTQ quận, huyện và 80% MTTQ phường, xã đạt loại vững mạnh và xuất sắc, không có đơn vị yếu kém; 80% Ban công tác Mặt trận hoạt động tốt, không có Ban công tác Mặt trận  yếu kém.

II. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM THÀNH PHỐ NHIỆM KỲ 2019 - 2024

Chương trình 1: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Tuyên truyền, vận động để nhân dân biết và ủng hộ các chủ trương của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước và hưởng ứng các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của thành phố và đất nước.
- Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để tập hợp, phản ánh đến cấp ủy Đảng, chính quyền và kịp thời định hướng dư luận xã hội về những vấn đề nổi cộm; tổ chức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng với Đảng, chính quyền.

- Vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài chung sức xây dựng thành phố.

2. Giải pháp cơ bản

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của Mặt trận và các tổ chức thành viên; phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024), Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến các tầng lớp nhân dân Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  và Chương trình của Thành ủy thực hiện nghị quyết. Xây dựng kế hoạch của Mặt trận các cấp thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

- Tiếp tục thực hiện Đề án số 01 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VIII) về “Đổi mới công tác thông tin, tuyền truyền của MTTQ Việt Nam”. Nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam thành phố, chuyên trang Mặt trận trên Báo Đà Nẵng, chuyên mục Đại đoàn kết trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố. Mở rộng các kênh thông tin nắm bắt tình hình nhân dân, nhất là trên Internet, mạng xã hội…

- Kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; xây dựng cơ chế, phương thức thu thập thông tin, nắm bắt dư luận xã hội để tập hợp, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền; tích cực phối hợp, tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh trong nhân dân ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư.

- Đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18-11).

- Tuyên truyền để nhân dân hiểu biết sâu sắc về chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, tôn giáo, Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường hoạt động của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Câu lạc bộ Doanh nhân kiều bào, Hội đồng hương Đà Nẵng các tỉnh, thành phố nhằm huy động nguồn lực xây dựng thành phố.
Chương trình 2: Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

- Vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống tương thân tương ái tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo.

-  Vận động nhân dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường tự quản, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân.

2. Giải pháp cơ bản

- Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” theo hướng thực chất và bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.  Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

- Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tích cực thực hiện Đề án phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, thành phố du lịch.

- Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo hướng đi vào chiều sâu, vận động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu dùng hàng Việt có chất lượng, tiến tới mục tiêu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế”. Tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Triển khai sâu rộng phong trào thi đua  “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Định kỳ xét chọn các công trình, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bình chọn ghi danh “Sách Vàng sáng tạo Việt Nam”. Đẩy mạnh phong trào “Học tập suốt đời” trong nhân dân.

- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm để kêu gọi, vận động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, đồng thời cổ vũ, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Phấn đấu trong 5 năm (2019-2024), vận động Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đạt 120 tỷ đồng. Vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai kịp thời, đúng đối tượng.

- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, tham gia phòng chống cháy nổ, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội. Kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Chương trình 3: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Thực hiện tốt công tác tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận cấp trên và đôn đốc, giám sát đến cùng việc xử lý, giải quyết các kiến nghị. Tham gia tổ chức và giám sát việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội. Trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý Nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phản biện các chương trình, dự án, đề án, dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, tích cực phản ánh, tố giác và đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện và hành vi tham nhũng, lãng phí.

- Phối hợp tổ chức thành công và vận động cử tri thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nâng cao chất lượng hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

2. Giải pháp cơ bản

- Tập trung làm tốt công tác tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy vai trò các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

- Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề hằng năm theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương. Theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn trong công tác phản biện xã hội.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020. Thực hiện trách nhiệm giám sát của MTTQ Việt Nam theo quy định tại các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Nhân dân và Ban công tác Mặt trận tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư và Quy định 06-QĐ/TU của Thành ủy Đà Nẵng “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

- Tổ chức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân để trao đổi, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần giảm thiểu những bức xúc trong nhân dân. Giám sát người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Tổ chức để nhân dân tham gia góp ý vào văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tham gia góp ý, phản biện các chủ trương, chính sách, góp ý các dự án luật, đặc biệt là các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thành phố.

- Thường xuyên củng cố, tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Xây dựng và củng cố lực lượng hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn dân cư. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chương trình 4: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân.

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân; tăng cường đoàn kết, hữu nghị, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

- Tiếp tục củng cố, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng; tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

2. Giải pháp cơ bản

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn  minh trong quan hệ giao tiếp, ứng xử với người nước ngoài, tạo môi trường hấp dẫn và an toàn để thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư của nước ngoài.

- Phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị, Sở Ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng, Sở Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông và các tổ chức thành viên mở rộng các hoạt động giao lưu nhân dân giữa các nước, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng với nhân dân các nước, thuyền viên, khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt chú trọng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống với nhân dân Lào, Campuchia.

- Phối hợp với Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, Câu lạc bộ doanh nhân kiều bào thường xuyên thông tin, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tuyên truyền về thành phố Đà Nẵng thời kỳ đổi mới, động viên kiều bào giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

- Các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện “Vai trò đại sứ nhân dân”.

Chương trình 5: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng, kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực để Mặt trận thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên nghiệp, tâm huyết, sáng tạo, ngang tầm nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

2. Giải pháp cơ bản

- Tiếp tục thực hiện thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các địa phương đủ điều kiện.

- Kiện toàn bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và quận, huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

- Rà soát, định kỳ sơ kết, tổng kết các quy chế, chương trình phối hợp của Mặt trận với các ban, ngành, đoàn thể. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chủ trì hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên.

 - Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận các cấp.

- Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn để thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, mở rộng phạm vi hoạt động của Mặt trận. Nghiên cứu, đề xuất với thành phố và Trung ương có một số quy định về chính sách đối với cán bộ Mặt trận. Chú trọng việc mở rộng và tạo điều kiện để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ không chuyên trách, cộng tác viên, các chuyên gia, người có uy tín trong cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng mô hình tự quản ở khu dân cư. Phát huy vai trò và trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận, nhất là trưởng ban, phó trưởng ban trong công tác phối hợp với tổ dân phố, ban nhân dân thôn.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố đến phường, xã tạo không khí dân chủ, cởi mở, tranh luận thẳng thắn, các ủy viên mạnh dạn bày tỏ chính kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân.

- Các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận ở từng vị trí công tác, lĩnh vực hoạt động, địa bàn sinh sống; kịp thời đề đạt ý kiến về những vấn đề của đời sống nhân dân đến Mặt trận các cấp.

- Đưa hoạt động về cơ sở, tập trung cho khu dân cư, tổ dân phố, thôn và hộ gia đình. Đảm bảo mọi hoạt động của Mặt trận đều xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

- Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội”.

Với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024 kêu gọi các tầng lớp nhân dân thành phố, người Đà Nẵng đang sinh sống ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng Đảng bộ và chính quyền xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

(1) 19.970 doanh nghiệp với 353.082 lao động, CNVCLĐ 144.504 người, 125.788 đoàn viên, gần 74.000 CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; lao động ngoại tỉnh khoảng 45%.

(2) Thành phố hiện có trên 15 vạn hội viên Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật và trên 1.100 văn nghệ sĩ tham gia 9 hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật; có 27.212 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, 14.027 người có trình độ đại học (chiếm 52,49%), 1.996 người có trình độ sau đại học (48 tiến sĩ, 1.948 thạc sĩ, bác sĩ nội trú).

(3) Các tôn giáo trên địa bàn thành phố hoạt động thuần túy tôn giáo, đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố; các cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.

(4) Dân tộc Cơ tu có 359 hộ/1.198 nhân khẩu sống tại xã Hòa Bắc và xã Hòa Phú; cộng đồng người Việt gốc Hoa có 1.117 hộ/2.976 nhân khẩu.

(5) Tổ chức 27 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ Mặt trận các cấp và 1.229 Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư.

(6) 5 không: Không có hộ đặc biệt nghèo theo chuẩn Trung ương, không có học sinh bỏ học do điều kiện kinh tế, không có người lang thang xin ăn, không có giết người để cướp của, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; 3 có: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; 4 an: An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội.

(7) Hội Người khuyết tật thành phố.    

(8) Mô hình “Khu dân cư Công giáo thân thiện và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Sơn Phước-Hòa Ninh, Tùng Sơn-Hòa Sơn và Lệ Sơn 2-Hòa Tiến (Hòa Vang); Mô hình “Họ đạo Trung Bửu vì môi trường xanh, sạch, đẹp”; “Đạo hữu chùa Bàu Sen vì môi trường xanh, sạch, đẹp” (Cẩm Lệ).

(9) Mỗi quận, huyện chọn 2 phường, xã; mỗi phường, xã chọn 2 khu dân cư triển khai điểm. Đến nay đã triển khai đồng bộ trên 56 phường-xã, 1.229 khu dân cư.

(10) Mô hình “Hộ gia đình đoàn kết, phát triển 2+1”, “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu 4 không”, “Vườn hộ xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư vì môi trường an toàn, xanh-sạch-đẹp”; “Người dân Hải Châu thân thiện, vỉa hè thông thoáng, đường phố sạch đẹp”; “Mỗi tuần một việc tốt, mỗi tháng một điển hình”; “Khu dân cư bảo đảm an toàn thực phẩm”, “Kiệt hẻm buôn bán văn minh, an toàn vệ sinh thực phẩm”...

(11) Phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo; Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; tổ chức văn nghệ quyên góp ủng hộ Quỹ (quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang), “Nghĩa tình Thuận Phước” (phường Thuận Phước), “Giai điệu yêu thương” (phường Mân Thái), “Khúc ca dâng Bác” (xã Hòa Ninh), “Đêm hội Bài chòi” (phường Mỹ An), “Nối vòng tay nhân ái” (xã Hòa Bắc), “Vang mãi bản hùng ca” (phường Tân Chính); truyền hình trực tiếp lễ phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo (quận Thanh Khê), hội nghị phát động hưởng ứng thi đua ủng hộ Quỹ (quận Hải Châu, các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Thọ Đông…); mô hình hiệu quả tại khu dân cư:“Heo vàng giúp đỡ hộ nghèo” (phường Xuân Hà), “Đồng hành cùng bạn” (phường Tân Chính); “Nuôi heo đất tiết kiệm” (phường Hòa Hải), “10 ngàn - Vạn yêu thương” (phường Khuê Mỹ), “Câu lạc bộ tổ dân phố 5 triệu đồng vì người nghèo” (phường Hòa Khánh Bắc).

(12) Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 197 nhà chống bão cho hộ nghèo 1,94 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị bão lũ năm 2016, 2017 số tiền 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh bị xâm nhập mặn 400 triệu đồng; hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung 604 triệu đồng; hỗ trợ nhân dân Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị thiệt hại do bão lũ năm 2017 số tiền 1,954 tỷ đồng.

(13) Lễ hội Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn); Lễ hội Đình làng Hải Châu, Lễ hội Đình làng Tuý Loan, Lễ hội Đình làng Bồ Bản, Lễ hội Đình làng Quá Giáng, Lễ hội Đình làng Hòa Mỹ; Hội làng Khuê Trung; Lễ hội Cầu ngư (Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà); Ngày hội Văn hóa thể thao người Cơ tu (Hòa Vang)...

(14) Duy trì 45 khu dân cư thực hiện mô hình điểm“Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Khu dân cư thân thiện môi trường, tang văn minh tiến bộ” và nhân rộng ở 931 khu dân cư.

(15) Duy trì 30 khu dân cư thực hiện mô hình “Khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông”, mô hình “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tộc họ không có người vi phạm pháp luật”.

(16) Đã khen thưởng 4 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong phong trào “Đoàn kết sáng tạo”.

(17) Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 268 “Mái ấm Công đoàn”, Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” với tổng kinh phí 12,5 tỷ đồng; ký kết Thỏa thuận hợp tác với 38 đơn vị, doanh nghiệp.

(18) Để sửa chữa, làm mới 615 km đường giao thông nông thôn, kiệt, hẻm, 415 cầu cống, 600 phòng học, 300 km kênh mương thủy lợi.

(19) Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 838 nhà tình thương với số tiền trên 10 tỷ đồng.

(20) Nhận cảm hóa, giáo dục tiến bộ 1.170/1.619 thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; thanh - thiếu niên dương tính với ma túy.

(21) Tặng phương tiện sinh kế cho 105 hộ với số tiền 1,531 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 57 nhà tình nghĩa với số tiền 2,35 tỷ đồng.

(22) Giám sát việc cấp phát các khoản cứu trợ, phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; giám sát việc trao quà, chuyển quà Tết; giám sát đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư; giám sát các khoản thu, khoản vận động trong nhân dân; giám sát UBND các cấp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân....

(23) Mặt trận thành phố tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý”. Hải Châu tổ chức Hội nghị phản biện Đề án ‘‘Quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn quận Hải Châu đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Ngũ Hành Sơn tổ chức Hội nghị phản biện Đề án “Trùng tu tôn tạo phát huy giá trị di tích Khu căn cứ cách mạng K20”; Thanh Khê tổ chức Hội nghị phản biện Đề án “Thanh Khê - Đô thị kiểu mẫu giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035”.

(24) Mở chuyên mục tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam thành phố, tham gia các chương trình đối thoại trên Đài Truyền hình và tăng cường các tin, bài viết tuyên truyền về bầu cử trên chuyên trang Mặt trận của Báo Đà Nẵng.

(25) Đón tiếp các đoàn tổng lãnh sự, lãnh sự các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa, Đoàn Hiệp hội Nhân dân Singapore, Đoàn Chính hiệp tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Đoàn Ủy ban Chính quyền tỉnh Savannakhet-Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phối hợp với Trung ương Mặt trận tổ chức lớp tập huấn cán bộ Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

;
;
.
.
.
.
.