Gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ của Quân ủy Trung ương, từ năm 2018, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đều xây dựng kế hoạch, đăng ký thực hiện mô hình “Mỗi ngày một lời Bác dạy”.
Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong thi đua học tập và làm theo Bác. |
Thực hiện mô hình này, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) biên soạn tài liệu “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa” với các lời dạy, câu nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời bình để triển khai học tập. Đây là tài liệu chính để các cơ quan, đơn vị toàn quân chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt và thực hiện tốt việc tuyên truyền học tập và làm theo “Mỗi ngày một lời Bác Hồ dạy” với phương pháp phù hợp.
Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) toàn thành phố đã tổ chức học tập “Mỗi ngày một lời Bác dạy” bằng những cách học cụ thể và thiết thực nhất. Nếu như các cơ quan Bộ chỉ huy, cơ quan trung, tiểu đoàn, nhà trường, cơ quan quân sự quận, huyện tổ chức học trong giờ đọc báo mỗi buổi sáng thì các đơn vị có chiến sĩ, tiểu đội dân quân thường trực xã, phường lại học vào giờ sinh hoạt chính trị ban đêm.
Mỗi ngày học một lời dạy của Bác, mỗi năm 365 điều, được cán bộ, chiến sĩ nắn nót chép vào sổ tay cấp phát thống nhất theo mẫu chung. Không chỉ ghi chép đầy đủ, mỗi người còn luôn ghi nhớ và suy ngẫm từng lời, từng chữ của Bác Hồ đã dạy, đã viết.
Mỗi lời dạy đều được gắn với điều kiện hoạt động cụ thể của đơn vị và công việc của từng cá nhân, đồng thời các cán bộ, chiến sĩ luôn có sự trao đổi, đóng góp lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ, như: “Mỗi viên đạn, mỗi khẩu súng là mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình”, “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ”, “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”, “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh”… “
Những câu nói, lời dạy của Bác tại các thời điểm khác nhau dành cho đối tượng khác nhau nhưng có sức sống lâu dài, mang ý nghĩa sâu sắc với mọi người. Do đó, quá trình thực hiện mô hình “Mỗi ngày một lời Bác dạy”, chúng tôi đều hướng nội dung lời bình phù hợp với tình hình của đơn vị, gắn với thực tế để các đơn vị áp dụng thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất”, Đại úy Trần Việt Hà, Trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS thành phố chia sẻ.
Từ khi thực hiện, mô hình trên đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, chiến sĩ thêm quyết tâm phấn đấu, hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn, tạo sự lan tỏa sâu rộng và không khí phấn khởi, đoàn kết, ý chí quyết tâm và sự tự giác, trách nhiệm cao trong việc chấp hành, thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị.
Trung sĩ Phan Nguyễn Đăng Tùng, Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 971 chia sẻ: “Qua mô hình “Mỗi ngày một lời Bác dạy”, chúng tôi hiểu và học tập được nhiều điều bổ ích để hoàn thiện tác phong Bộ đội Cụ Hồ, tạo động lực cố gắng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ; xứng đáng với tình yêu thương của Bác dành cho chiến sĩ và truyền thống học tập, rèn luyện, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT thành phố”.
Đại tá Lê Văn Chín, Phó Chính ủy Bộ CHQS thành phố khẳng định: “Mô hình được thực hiện hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực hằng ngày, hằng tuần, tiếp thêm niềm tin để cán bộ, đảng viên và chiến sĩ tích cực thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh, xuất sắc”.
Bài và ảnh: Hồng Hạnh