Vận động người dân bảo vệ môi trường biển

.

Thời gian qua, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và người dân đã phần nào làm cho môi trường ven biển của thành phố ngày càng trong sạch. Dẫu vậy, vẫn còn những tồn tại nhất định, nhất là tình trạng rác thải, nước thải xả ra biển.

Xà bần, rác thải nhựa tràn ngập bãi biển Thọ Quang.
Xà bần, rác thải nhựa tràn ngập bãi biển Thọ Quang.

Mặc dù có đội vệ sinh môi trường (thuộc Xí nghiệp môi trường sông biển, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) thường xuyên dọn rác, bãi biển Thọ Quang ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn khá nhiều rác, từ lon bia hết, bóng đèn (do ngư dân dùng đánh cá đêm vứt lại) hỏng, chai nhựa, dây thừng, bao nilon, miếng xốp và cả những đống xà bần (sát bờ)...

Dọc bờ biển từ phía Công viên Biển Đông về phía bán đảo Sơn Trà, tình trạng rác thải bờ biển tăng dần về phía Mân Thái, Thọ Quang. Các cống xả thải, tình trạng nước thải bốc mùi hôi, màu đen đục vẫn đe dọa môi trường biển.

Ông Ngô Tấn Hà, một người dân thường xuyên đi thể dục và tắm biển khu vực bãi biển Mân Thái cho biết: “Không hẳn ngày nào bờ biển cũng ngập rác thải nhưng hầu như ngày nào cũng có rác, từ biển dạt vào, du khách xả ra, đặc biệt là sau các đợt mưa, thì rác thải nhựa tràn ngập bờ biển. Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường làm việc sớm, từ 4-5 giờ sáng đã thu gom, ngày nào họ lơ là là rác tràn ngập ngay”.

Ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết, để bờ biển khu vực phường Phước Mỹ sạch sẽ như hiện nay, ngoài công tác dân vận toàn dân chung tay bảo vệ môi trường biển, đội tuần tra 8394 của phường thường xuyên phối hợp với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) nhắc nhở du khách không xả thải rác ra bờ biển; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, phường và Ban quản lý thường xuyên nhắc nhở những người buôn bán trên bãi biển phải bảo đảm vệ sinh môi trường, đặt thùng đựng rác thải cảnh quan cho du khách, nếu để ô nhiễm bãi biển, sẽ xem xét việc cấp phép buôn bán.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thọ Quang Lê Từ Hòa cho biết: Mặt trận phường đã phối hợp với các đoàn thể thành viên, cùng Công an phường, Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quân hưởng ứng các phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào chung tay bảo vệ biển, đảo quê hương.

Từ các chương trình phối hợp đó, các khu dân cư (KDC) ven biển đều được tuyên truyền, vận động tham gia vệ sinh, bảo vệ môi trường biển, trong đó KDC Thọ An 1 và 3 được chọn làm điểm. Hằng tháng, Mặt trận phối hợp với các hội đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội của phường vận động toàn dân tham gia thực hiện “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.

Tuy nhiên, một phận nhỏ người dân địa phương, du khách vẫn còn xả rác ra bờ biển. Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị phường là công tác vận động phải thường xuyên, lâu dài để hình thành ý thức bảo vệ môi trường biển. “Chỉ đến khi chính người dân nhắc nhở với nhau hoặc nhắc nhở du khách về hành vi xả rác ra bờ biển, lúc đó công tác vận động mới thành công”, ông Hòa nói.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ năm 2019, nguồn kinh phí vệ sinh môi trường biển được chuyển về cho Ban quản lý. Từ đó, ban tổ chức đấu thầu (Xí nghiệp Môi trường sông biển trúng thầu) cho một đơn vị chuyên môn xử lý, quét dọn, thu gom rác thải bờ biển. Ban quản lý có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đôn đốc trong việc dọn vệ sinh môi trường biển.

Trong công tác bảo vệ môi trường biển, bên cạnh những giải pháp mang tính kỹ thuật, công tác tuyên truyền vận động của hệ thống chính trị địa phương nơi có biển đang đặt ra yêu cầu nâng cao hơn về chất lượng, hiệu quả để hình thành ý thức bảo vệ môi trường biển trong cộng đồng, kể cả người dân và du khách.

Bài và ảnh: TR. HUY

;
;
.
.
.
.
.