Cùng với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, 5 năm gần đây, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công của thành phố đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tuy nhiên, trên hết, vẫn là nghĩa tình mà lãnh đạo, nhân dân thành phố dành cho những gia đình có công với cách mạng.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung thăm và tặng quà cho gia đình có công cách mạng ở quận Thanh Khê, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. |
Với chủ trương tập trung chăm lo bảo đảm gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống khu dân cư, thời gian qua, thành phố đã làm tốt việc triển khai thực hiện những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho các gia đình chính sách trên địa bàn. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, thành phố dành ra nguồn ngân sách gần 400 tỷ đồng để chăm lo mọi mặt cho khoảng 100.000 lượt người có công cách mạng, từ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, đau ốm, tạo việc làm... cho đến tổ chức tham quan nghĩ dưỡng, chăm sóc lúc ốm đau.
Cụ thể, trong 5 năm qua, hơn 25.000 gia đình có công được hỗ trợ thường xuyên; hơn 11.000 người thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân được bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Ngoài ra, 7.000 con em gia đình thương binh, liệt sĩ được cấp thẻ BHYT và 93.000 thẻ BHYT khác được cấp cho người có công với cách mạng. Hằng năm, thành phố đã duy trì việc trợ cấp thường xuyên với mức vượt khung quy định của Nhà nước cho 21.000 người có công và trợ cấp thường xuyên cho 35.000 lượt học sinh, sinh viên là con em gia đình người có công với kinh phí hàng trăm tỷ đồng...
Đặc biệt, thành phố cũng là địa phương tiên phong cả nước khi thực hiện vượt chỉ tiêu về việc hỗ trợ xây nhà ở cho gia đình chính sách. 5 năm qua, thành phố sửa chữa, xây mới 7.407 ngôi nhà cho những người có công với cách mạng.
Riêng năm 2018, thành phố cũng đã dành ra nguồn ngân sách lên đến 79 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới 2.472 ngôi nhà cho gia đình chính sách. Ngoài ra, mỗi trường hợp được hỗ trợ sửa chữa, xây mới còn được thành phố “mừng tân gia” 1 chiếc ti-vi màn hình phẳng 32 inch. Ông Nguyễn Cường, con trai của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thìn (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, Hòa Vang) tâm sự: “Gia đình tôi có nhiều người hy sinh trong chiến tranh. Mất mát lớn nhưng gia đình luôn ấm lòng khi chính quyền và người dân luôn dành cho chúng tôi những tình cảm hết sức chân thành, ấm áp”.
Còn em Lê Thị Thanh Bình, con của thương binh 4/4 Lê Văn Tuấn (phường Xuân Hà, quận Thanh khê) xúc động: “Gia đình em trước đây gặp nhiều khó khăn do chỉ mình mẹ là lao động chính. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ, gia đình có nhà mới, hai chị em đều được hỗ trợ trong việc học, mua thẻ BHYT... Vui nhất là khi em vào đại học, nhờ UBND phường giới thiệu, em được doanh nghiệp tặng chiếc xe máy để đi học. Con rất biết ơn những tình cảm này”.
Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đó chính là kết quả của việc tuyên truyền đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Điều đáng mừng là đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã đều nêu cao trách nhiệm, luôn là sợi dây gắn kết đầy nghĩa tình giữa chính quyền và gia đình những người có công.
Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, công tác chăm lo gia đình chính sách thời gian qua cho thấy, chính quyền và nhân dân thành phố luôn tri ân sâu sắc đến những gia đình có công với cách mạng. Ở đây, không chỉ dừng lại việc có bao nhiêu thẻ BHYT được trao, bao nhiêu ngôi nhà được sửa chữa và xây mới mà còn thể hiện ở những hoạt động nghĩa tình, như: Đoàn viên thanh niên và Hội CCB hằng tháng đều đến thắp hương cho các liệt sĩ ở các nghĩa trang; Hội phụ nữ các cấp duy trì thường xuyên chương trình “Người con hiếu thảo” bằng việc phân công từng hội viên đến động viên, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng... Điều này tạo nên sự gắn kết rất đặc biệt giữa chính quyền, người dân với các gia đình chính sách.
Bài và ảnh: THANH VÂN