Người lao động nghèo thực sự khó khăn trước việc “bộ đôi” xăng, điện cùng tăng giá, đó là bài toán cần lời giải từ chính quyền và các ngành chức năng, không chỉ ở địa phương mà còn ở cấp cao hơn...
Giá xăng tăng mạnh trong thời gian qua ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập người lao động. |
Với 2 sào ruộng cằn, dù rất cố gắng nhưng vợ chồng anh Lê Văn Cường (thôn 5, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) cũng không thể nào đủ sống. Vì vậy, cách đây 1 năm, anh quyết định ra Đà Nẵng mưu sinh. Vợ làm công nhân may ở Công ty CP Dệt may 29-3, còn anh chạy “xe ôm” công nghệ.
Thu nhập hai vợ chồng khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, gần đây, gia đình bắt đầu gặp khó khăn khi giá xăng và điện cùng tăng. “Tiền kiếm được chỉ vừa đủ cân đối cho cả nhà 4 miệng ăn nên khi xăng, điện cùng tăng giá thì gặp khó khăn. Trước đây, tiền thuê nhà 1,2 triệu đồng/tháng, tiền điện là 3.000 đồng/kWh, nhưng bước qua tháng 4 này, chủ nhà đã tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà và tiền điện tăng lên 3.500 đồng/kWh. Trong khi đó, tiền xăng tăng nên mỗi tháng cũng “hao hụt” khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Chúng tôi rất lo không biết tính sao”, anh Cường tâm sự.
Trong khi đó, dù không phải thuê nhà, tiền lương từ công việc phụ bếp cho một quán ăn trên Khu công nghiệp Hòa Cầm cũng khiến chị Lê Thị Tâm (tổ 21, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) gặp khó khăn khi giá xăng, điện tăng. Chị cho biết, nếu làm đủ 30 ngày/tháng thì tiền lương là 3,4 triệu đồng, vắng một bữa trừ 100.000 đồng. Vì vậy, trung bình thu nhập của chị chỉ vào khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ lúc giá xăng tăng, thu nhập cũng bị giảm khoảng 300.000-400.000 đồng.
“Trước đây ngày hai vòng xe đi về trung bình hết khoảng 500.000 đồng/tháng, nay giá xăng lên tôi phải mất thêm khoảng 200.000 đồng nữa. Trong khi đó, tiền điện hằng tháng khoảng 250.000 đồng/tháng, nhưng bước qua tháng 4 vừa rồi là gần 450.000 đồng. Với tình hình này, tôi định xin việc ở gần nhà để tiết kiệm được vài trăm ngàn tiền xăng xe, nhưng cũng chẳng biết xin đâu”, chị Tâm thở dài.
Việc “bộ đôi” xăng, điện cùng lúc tăng giá mạnh trong thời gian qua đã khiến hầu hết người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông ở vào tình thế hết sức khó khăn. Sau 3 lần điều chỉnh liên tiếp, gần đây, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 3.564 đồng/lít và xăng RON 95 tăng thêm 3.642 đồng/lít. Trong khi đó, giá điện được EVN thông báo là tăng 8,36%! Theo đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng bắt đầu tăng nhẹ, trong khi thu nhập của người lao động tự do vẫn không thay đổi, khiến nhiều người lâm cảnh khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, bà Nguyễn Thị Mười, bán bún, mì trên con hẻm nhỏ đường Hà Thị Thân (quận Sơn Trà) than thở: “Nhà tôi ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, lâu nay, mỗi sáng, anh xe ôm đến chở với giá là 20.000 đồng/lượt. Nhưng từ tháng 4 đến nay, anh đã xin thêm 5.000 đồng nữa; như vậy ngày 2 lượt, tôi tốn thêm 10.000 đồng. Thêm vào đó, tất cả giá thực phẩm mua vô đều tăng, nhưng bán tô bún, tô mì thì cũng phải giữ giá để giữ khách vì họ cũng nghèo như mình. Do đó, thu nhập của tôi giảm khoảng 1 triệu mỗi tháng, nhưng chưa biết kiếm khoảng nào để bù vô…”.
Theo Quyết định 1723/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 28-3-2016 về việc hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo theo chuẩn thành phố (giai đoạn 2016-2020), mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 49.000 đồng/tháng. Tuy nhiên trên thực tế, với mục tiêu giúp người dân nghèo thoát nghèo bền vững, thời gian qua thành phố cũng đã “nới lỏng” chỉ tiêu về hộ nghèo để tăng số hộ được hưởng sự hỗ trợ này. Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, trên địa bàn thành phố, có trên 25.000 hộ được hỗ trợ tiền điện hằng tháng.
Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc giúp người nghèo thoát nghèo bên cạnh các hỗ trợ về vay vốn làm ăn, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ sửa chữa nhà... Tuy nhiên, theo đánh giá của một cán bộ Mặt trận phường thuộc quận Hải Châu, với diễn biến mới nhất về giá điện và xăng trong thời gian qua, những nỗ lực của thành phố khó đem lại kết quả như mong đợi. Bởi lẽ, giá tiền điện chỉ riêng trong tháng 4 đã cao so với mức hỗ trợ thêm từ chính quyền thành phố. Trong những tháng mùa hè sắp đến, lượng điện tiêu thụ tăng cao cũng sẽ là gánh nặng với người nghèo.
Người lao động nghèo thực sự khó khăn trước việc “bộ đôi” xăng, điện cùng tăng giá, đó là bài toán cần lời giải từ chính quyền và các ngành chức năng, không chỉ ở địa phương mà còn ở cấp cao hơn….
Bài và ảnh: Thanh Vân