Đổi mới mạnh mẽ hoạt động Công đoàn khi tham gia Hiệp định CPTPP

.

ĐNO - Sáng 25-5, tại hội nghị chuyên đề giới thiệu “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày cơ hội, thách thức của Công đoàn Việt Nam khi gia nhập CPTPP cho gần 1.000 cán bộ Công đoàn toàn thành phố.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày cơ hội, thách thức của Công đoàn Việt Nam khi gia nhập CPTPP. Ảnh: Lam Phương
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày cơ hội, thách thức của Công đoàn Việt Nam khi gia nhập CPTPP. Ảnh: Lam Phương

Hiệp định CPTPP được ký ngày 9-3-2018 tại Chile bởi 11 quốc gia thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Hiệp định không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề mới như: lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, xoá đói giảm nghèo và phòng, chống tham nhũng. Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Hiệp định CPTPP.

Việt Nam gia nhập CPTPP góp phần tăng nhanh số lượng lao động và doanh nghiệp, tạo nguồn đoàn viên và Công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức Công đoàn; người lao động sẽ được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Tham gia CPTPP, các doanh nghiệp, cơ quan sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật đối với người lao động, tạo điều kiện giúp tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn, phát huy được vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, bên cạnh những cơ hội, Hiệp định CPTPP cũng đem đến nhiều thách thức cho Công đoàn Việt Nam. Số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở có nguy cơ tăng chậm so với giai đoạn trước. 

Do đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, trong thời gian đến, Công đoàn Việt Nam cần tập trung truyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP đối với Công đoàn Việt Nam đến cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động.

Cần tập trung phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp; xây dựng đội ngũ Công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; kiến nghị ban hành các chính sách mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hướng tới mục tiêu cuối cùng là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Hội nghị cũng đề cập đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến công nhân và hoạt động Công đoàn; định hướng hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.