Hoạt động đầu tư công phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn

.

Sáng 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố cho biết, Khoản 2, Điều 11 dự thảo luật quy định: “Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của luật này và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”. ĐB Sơn cho rằng, quy định này là không phù hợp Khoản 1, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; mặt khác, các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công được quy định trong Luật Đầu tư công. Do đó, theo ĐB, trường hợp sửa đổi các tiêu chí này thì phải do QH quyết định.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công không phải là việc cấp thiết cần phải báo cáo UBTVQH điều chỉnh trước khi báo cáo QH xem xét, quyết định. Vì vậy, ĐB Sơn đề nghị cần xem lại sự cần thiết phải quy định giao cho UBTVQH thẩm quyền điều chỉnh luật, trong trường hợp cần thiết sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, QH có thể cân nhắc cho phép sửa đổi theo trình tự rút gọn.

Liên quan đến việc bổ sung quy định về tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập quy định tại Khoản 1, Điều 5 và thẩm quyền quyết định thuộc về QH đối với dự án quan trọng quốc gia; Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh đối với dự án nhóm A. Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, điều này đã thể hiện sự đổi mới tích cực, phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động đầu tư công.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cho phép UBND cấp tỉnh quyết định tách riêng dự án đối với một số dự án nhóm B, C. Bởi vì trên thực tế ở phạm vi địa phương thì quy mô, số lượng dự án nhóm B, C là rất lớn, nhiều dự án nhóm B, nhóm C ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cần sớm có mặt bằng để triển khai thực hiện dự án và tạo quỹ đất công.

Nhiều dự án đầu tư công chậm trễ chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng bởi công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thường xuyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tốn nhiều thời gian, làm chậm tiến độ dự án và công tác giải ngân hằng năm.

Theo ĐB Sơn, thực tế hiện nay tình trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được thực hiện khá nhiều lần đối với một dự án. Điều này dẫn đến làm thay đổi tính chất, quy mô của dự án, thậm chí làm cho dự án không còn đúng với mục tiêu ban đầu nữa. Do đó, cần thiết phải quy định những trường hợp nào thì được điều chỉnh để tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện, liên tục như hiện nay.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng thảo luận tại Tổ 5 với Đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận.

Thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) thống nhất với phương án 1 tại Điều 28 của dự thảo quy định trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh là “Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm”. Tuy nhiên, ĐB đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể các dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm. Đồng thời, đề nghị cần làm rõ quy định “vì lý do quốc phòng- an ninh” tại Khoản 1, Điều 31 dự thảo luật để bảo đảm quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh là có căn cứ và chính xác.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) đề nghị cần cân nhắc lại quy định “Quân nhân dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp theo quy định” tại Khoản 1, Điều 32 của dự thảo.

Theo ĐB, thực tế quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan binh sĩ dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu hiện nay là rất lớn, nếu tất cả được hưởng phụ cấp thì liệu rằng ngân sách Nhà nước có bảo đảm được hay không. Liên quan đến Điều 38 của dự thảo quy định về nội dung chi cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên,

ĐB Quang cho rằng thực tế hiện nay các quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có quỹ đất để tiến hành xây dựng trạm tập trung, trạm tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 524/1999/TT-QP của Bộ Quốc phòng.

Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc bố trí cho mỗi địa phương cấp quận, huyện có quỹ đất phù hợp để tiến hành xây dựng trạm tập trung, trạm tiếp nhận khi thực hiện huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên làm nhiệm vụ. ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị Khoản 1, Điều 33 dự thảo luật nên phân rõ thành 2 nhóm, là nhóm quân nhân dự bị có hưởng lương và nhóm quân nhân dự bị không hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

VŨ HƯNG
 

;
;
.
.
.
.
.