KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

Cần tăng năng suất lao động, chất lượng nông sản

.

 * Đề nghị kiểm toán việc điều hành giá điện

Sáng 22-5, Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ 5 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này đã phản ánh cơ bản, khá đầy đủ bức tranh KT-XH Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Quang đặt ra một số vấn đề Chính phủ cần quan tâm trong thời gian đến, đó là: lao động trong độ tuổi lao động quý 1-2019 ước tính là 48,8 triệu người, tăng 444.200 người so với cùng năm 2018; tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2%, tạo việc làm trong nước khoảng 440.000 người, đưa trên 44.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam hiện nay đang là những vấn đề phức tạp và khó tiếp cận. Thực trạng chuyển giá một mặt cho thấy những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đây được coi là lỗ hổng tài chính lớn của Việt Nam hiện nay.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần nhấn mạnh năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam còn khá thấp so với các nước khác trong khu vực, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia... và 87,4% NSLĐ của Lào. Do vậy, trong thời gian đến, việc tăng NSLĐ cần phải quan tâm để bảo đảm sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, khu vực tư nhân là động lực chính nhưng theo báo cáo thì tình hình tăng trưởng số lượng doanh nghiệp của Việt Nam dường như không cải thiện nhiều. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số giải thể, phá sản trong năm là không chênh lệch nhiều. Do đó, cần phải phân tích làm rõ vấn đề này.

Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu quan điểm, so với một số nước có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Israel, các điều kiện về thiên nhiên, thổ nhưỡng của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều. Vậy tại sao những năm qua, mặc dù đã đạt được những đột phá về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản… thì thỉnh thoảng vẫn còn “giải cứu nông sản”. Theo ĐB Thúy, thực tế chúng ta vẫn sản xuất cái chúng ta có và trong tình trạng “ăn thì thừa” mà “bán thì thiếu”, vì sản xuất không đồng bộ, thu gom không đạt chất lượng.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Liên quan đến Khoản 3, Điều 33 của dự thảo luật về việc trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động (tức đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam), ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, nguyên tắc là khi xây dựng pháp luật chúng ta phải căn cứ theo các quy định của pháp luật cao hơn và việc đưa điều khoản này đại biểu không phản đối. Tuy nhiên, cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề pháp lý nảy sinh trong điều khoản này.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ chính sách nhất quan của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ...” (quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 3 BLHS). Đồng thời, Điều 30 Bộ luật Hình sự đã quy định “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong bộ luật này, do tòa án quyết định áp dụng...”; Điều 31 cũng đã quy định “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.  (VŨ HƯNG)

* Việc tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ sáng 22-5.

Chia sẻ với báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội giải trình cụ thể về quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng cũng như kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về tăng giá điện, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay là chưa hợp lý. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện Nhật Bản có biểu giá điện chia làm 3 bậc thang, Hàn Quốc 3 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc nhưng Việt Nam lại chia thành 6 bậc.

Đặc biệt, với Việt Nam, bậc thang thứ 1 từ 1-50 kWh quá thấp, bậc 2 cũng chỉ từ 51 - 100kWh để hưởng mức giá 1.678 đồng/kWh. “Tôi nghĩ nên hợp nhất 2 bậc một, ví dụ bậc 1 từ 0 - 100kWh, rồi bậc 2 từ 101 - 300kWh (tức là ghép bậc 3 - 4 lại) vì nhu cầu sử dụng điện của người dân hiện nay tăng lên do thu nhập tăng lên, các điều kiện sinh hoạt để phục vụ đời sống cũng tăng theo. Do đó, định mức thang bậc phải thay đổi. Có như vậy, việc tăng giá điện mới không ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Về thời điểm tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết năm 2018 chưa hội đủ yếu tố tăng giá điện. Nhưng năm 2019 khi than tăng giá 2 lần với mức tăng 7.332 tỷ đồng, giá khí bao tiêu tăng 5.832 tỷ đồng, được tính toán, xác định và báo cáo lãnh đạo Chính phủ bằng văn bản vào ngày 19-3 thì ngày 20-3 giá điện mới tăng. Ngoài ra, Chính phủ quy định lợi nhuận tối đa của EVN chỉ là 3% bởi vì trong lúc khó khăn, EVN phải thắt lưng buộc bụng, cộng với khoản 20.000 tỷ đồng biến động đầu vào mua điện của EVN nên tổng thể giá điện chỉ tăng 8,36%.

Việc chọn thời điểm tăng vào ngày 20-3 là hợp lý, nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi mới có thể trang trải được khoản chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng. Về biểu giá điện, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu số người trung lưu dùng trên 200 kWh thì sẽ điều chỉnh tăng mức giá điện lên, bảo đảm công bằng trong chi trả của người dân.

“Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về đợt tăng giá điện vừa qua. Ngoài ra, tôi đã báo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán lại báo cáo tài chính và giá điện năm 2019, nếu phát hiện sai sót thì phải khắc phục, nếu đúng thì phải ghi nhận và khẳng định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Với mức tăng giá điện vừa qua và tính toán biến động giá xăng dầu, các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước quản lý trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát mức tăng lạm phát năm nay từ 3,3- 3,9%. (B.T tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
 

;
;
.
.
.
.
.