Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019)

Trận địa chiến hào ở Điện Biên Phủ

.

Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt tấn công thứ nhất, quân ta đã tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và bức hàng quân địch ở Bản Kéo, làm chủ hoàn toàn Phân khu Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Sau đợt tấn công thứ nhất (từ 13 đến 17-3), quân ta khẩn trương chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 2. Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ xác định: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 2 là việc xây dựng trận địa tấn công và bao vây quân địch. Bởi xây dựng trận địa sẽ đưa được bộ đội vào gần mục tiêu, hạn chế thương vong do pháo địch và tiếp tục tấn công tiêu diệt được quân thù.

Sau khi hoàn thành xây dựng các đường hào giao thông trên những triền núi, cùng một lúc, chiến hào của ta đổ xuống khắp nơi trên cánh đồng Mường Thanh. Đại đoàn Việt Bắc xây dựng trận địa trên nửa cánh đồng ở phía tây, chạy dài từ đồi Độc Lập, qua Bản Kéo, Pe Luông, Hồng Lếch, kéo dài tới bản Cò Mỵ.

Đại đoàn Bến Tre và Đại đoàn Biên Hòa đảm nhiệm xây dựng trận địa ở phía đông, nối liền với trận địa phía tây tại đồi Độc Lập và bản Cò Mỵ. Đại đoàn Nam Định có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung chạy từ phía đông sang phía tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm với phân khu Trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Toàn bộ trận địa chiến hào là một công trình khổng lồ, với tổng chiều dài hàng trăm ki-lô-mét. Đầu tiên là đào một đường hào trục chạy men theo chân núi, cắt ngang cánh đồng ở bản Cò Mỵ, tạo thành một đường vòng lớn, bao quanh khu trung tâm, có chiều sâu ngập đầu người, chiều rộng đủ để các loại pháo và cáng thương vận chuyển dễ dàng.

Từ đường hào trục, các đơn vị đào những tuyến hào chạy thẳng ra giữa cánh đồng, hướng về các cứ điểm địch. Tiếp đó, là vô số những đường hào nhỏ, chạy ngang dọc, quanh co, gấp khúc. Đó là trận địa của từng tiểu đoàn, đại đội.

Những trận địa này đối diện với trận địa địch, là nơi bộ đội ta chiến đấu phòng ngự khi quân địch đánh ra và là trận địa xuất phát xung phong khi ta tấn công. Dọc theo tất cả các đường hào có rất nhiều hầm hố để tránh pháo. Các đường hào làm xong đến đâu, ngụy trang ngay đến đấy.

Hằng ngày, giấc ngủ của bộ đội chuyển về buổi sáng. Sau bữa cơm trưa, mọi người lên rừng, đẵn cây, chặt lá để ngụy trang chiến hào. Ăn cơm chiều xong, cũng là lúc mặt trời sắp lặn, bộ đội từ trong rừng tiến xuống cánh đồng, đào trận địa cho tới khi trời sáng. Trong thời gian này, tính trung bình một ngày, cán bộ, chiến sĩ ta phải lao động nặng nhọc từ 14-18 tiếng đồng hồ.

Đến khi đường hào đã xuất hiện chằng chịt trên cánh đồng, thì chúng ta không còn cách nào che mắt kẻ địch. Những dàn ngụy trang làm bằng cành cây gác ngang, gác dọc trên miệng chiến hào, phủ rơm rạ và những cành lá héo quắt chỉ còn tác dụng làm cho địch khó nhìn thấy quân ta vận động ở bên dưới.

Bọn địch hiểu rằng, mỗi mũi chiến hào của ta chẳng khác gì một mũi dao chọc vào cổ chúng. Chúng tìm mọi cách cản trở. Hầu như không một đoạn hào nào đã xuất hiện trên mặt ruộng mà không bị bom đạn địch cày xới. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đầu hào mà ban ngày chúng đã nhìn thấy. Máy bay địch quần đảo, thả pháo sáng liên tục để phát hiện và bắn phá, ngăn cản hoạt động của bộ đội ta.

Khẩu súng trên lưng, chiếc cuốc trong tay, các chiến sĩ làm việc cật lực ngày đêm. Quần áo dày cộp bùn đất, ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Sức khỏe nhiều người bị giảm sút. Một số chiến sĩ ngã ốm. Địch thì điên cuồng cản phá. Có khi chúng đánh ra, khi chúng phục kích, khi chúng lén lút cài mìn lại trận địa trước lúc rút lui. Bất thần, lại một loạt pháo địch nổ rền... Cứ như thế, không biết bao nhiêu là khó khăn, trở ngại!

Thời gian đầu, công việc tiến triển chậm. Không ít chiến sĩ chưa thông suốt nhiệm vụ, tư tưởng nên ngại xây dựng trận địa, nôn nóng đòi được đánh ngay đã xuất hiện. Nhiều chiến sĩ nói: “Trước đây có đào hào đâu mà vẫn cứ đánh được?”. Có những chiến sĩ cáo ốm xin nghỉ đào trận địa, nhưng khi nghe đêm nay đi chiến đấu thì lại nhanh nhẹn xách súng xin đi...

Để khắc phục hiện tượng này, Đảng ủy Mặt trận đã ra chỉ thị cho các cấp ủy Đảng ở từng đơn vị phải tăng cường giáo dục bộ đội và phải coi việc lãnh đạo đào trận địa như lãnh đạo chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư động viên bộ đội và nhấn mạnh: “Đào thêm một mét khối đất trong lúc này tức là tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch”.

Nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ và kiên quyết, tình hình xây dựng trận địa ngày càng có nhiều chuyển biến tốt. Đêm đêm, hàng vạn bộ đội tỏa ra trên khắp cánh đồng, bất chấp bom đạn, mưa rét, hối hả đào hào không ngơi tay. Ai cũng đã hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng trận địa chiến hào. Ai cũng biết, mỗi nhát xẻng, mỗi nhát cuốc của mình sẽ góp phần đào huyệt vùi xác quân thù. Cán bộ đại đội, tiểu đoàn vừa chỉ huy, vừa trực tiếp tham gia đào chiến hào. Cán bộ trung đoàn, đại đoàn trực tiếp đi đôn đốc, kiểm tra từng đơn vị. Nhiều cá nhân, tập thể lập kỷ lục về tiến độ. Chiến sĩ Phạm Viết Nghĩ đã đào trận địa suốt 18 đêm liền, mỗi đêm đào từ 4-6 mét chiến hào, một mình đã đào 18 hầm cá nhân.

Nhiều đơn vị “dọn nhà” từ trên núi xuống ở ngay trong những đường hào mới đào. Bộ đội ta đã tổ chức một cuộc sống mới tại đây, giữa khu đồng trống, khi trời nắng không một bóng cây, khi trời mưa thì ngập ngụa sình lầy... Một câu thơ tuyên truyền về đào chiến hào lan nhanh khắp các đơn vị và ai cũng thuộc lòng: “Nhắc nhau muốn đánh phải đào/Muốn thắt cổ địch phải có nhiều hào vây quanh”.

Trên cánh đồng Mường Thanh, trận địa chiến hào phát triển nhanh chóng, hướng mạnh đến trận địa địch như là những sợi dây thòng lọng siết vào cổ quân thù. Khi bước vào đợt tấn công thứ 2 (từ ngày 30-3 đến 22-4), nhờ có trận địa chiến hào, quân ta nhanh chóng đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng.

Pháo vừa chuyển làn, từ các đầu chiến hào (rất gần mục tiêu), bộ đội liền vọt lên, ném lựu đạn, thủ pháo vào ngay chiến hào địch, khiến quân thù khiếp đảm. Nhiều tên cuống cuồng tháo chạy. Nhiều tên run rẩy đầu hàng. Chỉ trong ngày 30-3, quân ta đã làm chủ đồi Cl, đồi E, đồi Dl, rồi phát triển đánh chiếm các điểm cao C2, D2…

Từ trận địa chiến hào với quyết tâm cao và cách đánh đầy sáng tạo, bất ngờ, quân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu”, góp phần làm nên thắng lợi trong công cuộc 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

LÊ VĂN THƠM tổng hợp

(Nguồn:  Tập sách “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Đà Nẵng ấn hành, tháng 4-2004).
 

;
;
.
.
.
.
.