Ngăn chặn tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia

.

Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, cướp đi tính mạng của nhiều người, để lại nỗi đau và mất mát cho nhiều gia đình, xã hội. Vậy, làm gì để hạn chế tình trạng này? Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đại tá Phan Ngọc Truyền (ảnh), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an thành phố xung quanh vấn đề này.

* Ông cho biết một số thông tin tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia, rượu trong thời gian qua ở địa bàn thành phố Đà Nẵng?

- Công tác bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện mục tiêu “3 giảm” về TNGT được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố chỉ đạo quyết liệt.

Do đó, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó lực lượng CSGT làm chủ công triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Qua đó, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được bảo đảm ổn định, không xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố, xảy ra 30 vụ TNGT, làm chết 25 người, bị thương 9 người; so với 4 tháng trước liền kề, giảm 8 vụ, tăng 4 người chết, giảm 14 người bị thương. TNGT vì người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao. Ngoài ra, chưa kể nhiều vụ TNGT mà người điều khiển bị thương nhẹ, tự gây nhưng không báo đến cơ quan chức năng để xử lý.

* Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông ở Đà Nẵng được triển khai như thế nào? Việc triển khai xử lý gặp những khó khăn gì?

- Việc người điều khiển phương tiện uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT trong thời gian qua, vì vậy Phòng CSGT đã tham mưu thường xuyên triển khai chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn. Ngoài việc thực hiện thường xuyên, vào các dịp lễ, Tết, lực lượng chức năng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm.

Trong các đợt cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn theo kế hoạch của Cục CSGT ban hành. Tại khu vực tổ chức kiểm tra được bố trí dải cọc phản quang phân làn, có bảng báo hiệu, bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức xử lý vi phạm, tránh gây ùn tắc giao thông; người điều khiển phương tiện chỉ việc dừng lại, xuống xe và thổi vào máy đo để CSGT kiểm tra. Nếu máy đo phát hiện tín hiệu lái xe có nồng độ cồn trong khí thở vượt quá quy định thì CSGT yêu cầu đưa xe vào điểm đỗ, lập biên bản xử lý theo quy định. Với cách làm này, thời gian để kiểm tra một phương tiện rất nhanh, tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Công an các quận, huyện cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn tại các tuyến đường trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm luật giao thông. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, toàn lực lượng CSGT toàn thành phố đã kiểm tra, phát hiện hơn 1.500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới của lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn từ sự thiếu hợp tác của người vi phạm. Trong quá trình xử lý, nhiều trường hợp không chấp hành, có người lảng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc cố tình không chịu thổi.

Đặc biệt, nhiều người sẵn có hơi men, không làm chủ bản thân đã có những lời nói quá khích, thiếu tôn trọng lực lượng thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, những người làm nhiệm vụ phải khôn khéo để giải thích; đồng thời phải cứng rắn, không khoan nhượng.

Lực lượng CSGT thành phố chọn những địa điểm thuận lợi, có không gian thoáng để dễ dàng thực hiện công tác đón, đo và giữ phương tiện. Đo nồng độ cồn không thể làm hàng loạt bởi rất nhạy cảm, phức tạp, phải làm từng trường hợp. Quá trình làm việc thì cán bộ, chiến sĩ vừa xử lý vừa nhắc nhở tuyên truyền, mục đích là nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông về hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông là rất nguy hiểm, để từ đó họ còn tuyên truyền lại cho những người khác, có như vậy mới hiệu quả.

* Nhằm tiếp tục ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra, ông cho biết một số giải pháp trong thời gian đến?

- Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục kiểm soát tình hình giao thông, phấn đấu giảm 3 tiêu chí về “số vụ, người chết và bị thương” trong thời gian đến; ngăn chặn các vụ TNGT mà nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông.

Giám đốc Công an thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông toàn thành phố; đồng thời Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cũng đã triển khai kế hoạch cao điểm về xử lý chất ma túy và nồng độ cồn. Trong đợt này, lực lượng CSGT có sự phối hợp của Cảnh sát trật tự và Công an các quận, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác khi lái xe nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông tại đường Hoàng Thị Loan. 		                              Ảnh: NGỌC PHÚ
Lực lượng Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông tại đường Hoàng Thị Loan. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bên cạnh đó, trong đợt cao điểm, lực lượng CSGT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; các quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với lái xe, trong đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các học viên các khóa học đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe…

Tuy nhiên, cũng cần phải có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân. Đồng thời, ý thức người dân phải được nâng lên, phải có văn hóa khi tham gia giao thông: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, có như vậy mới giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra.

* Cảm ơn ông!

* Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng: Ý thức người tham gia giao thông đã được nâng cao

Trong những năm qua, việc tuyên truyền, vận động chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với người điều khiển phương tiện giao thông được các ngành, các cấp vào cuộc quyết liệt. Nhờ đó, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại thành phố Đà Nẵng đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, để ngăn chặn thực trạng này, mới đây, Tổng cục Đường bộ có văn bản đề xuất khi sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, cần tăng mức phạt với vi phạm nồng độ cồn; trong đó, đặc biệt tăng nặng các mức phạt.

Trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô, đối với hành vi vi phạm ở mức nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, Tổng cục Đường bộ đề xuất nâng mức phạt tiền lên từ 18 đến 20 triệu đồng thay cho mức 7-8 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 14 đến 18 tháng thay cho thời gian tước bằng lái từ 3 đến 5 tháng như quy định hiện hành. Đặc biệt, với tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tiền từ 16-18 triệu đồng lên 34-40 triệu đồng, tước bằng lái từ 22-24 tháng (kịch khung theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính) thay cho 4-6 tháng như hiện nay.

Với chế tài xử phạt như vậy, hy vọng trong thời gian đến, việc sử dụng rượu, bia khi lái xe sẽ hạn chế đến mức thấp nhất.

* Anh Nguyễn Văn Bình (ngụ quận Thanh Khê): Uống rượu, bia khi lái xe rất nguy hiểm

Uống rượu, bia khi lái xe rất nguy hiểm, hầu như tài xế không làm chủ được tốc độ, dễ gây ra TNGT. Vì vậy, chúng ta trước hết phải bảo vệ bản thân mình, gia đình và những người xung quanh, do đó khi lái xe thì không nên sử dụng rượu, bia. Tôi thấy ở Đà Nẵng, trong thời gian qua, lực lượng CSGT rất quyết liệt đo nồng độ cồn, qua đó hạn chế được việc người uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Hơn nữa, khi sửa đổi Nghị định 46 của Chính phủ theo hướng tăng nặng hình phạt, tôi nghĩ sẽ đem lại hiệu quả. Bởi lẽ, uống vài lon bia bị phạt lên tới 30-40 triệu đồng thì người dân sẽ không ai dám vi phạm.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.