Những người quản trang thầm lặng

.

Đến các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trên địa bàn thành phố, nơi đâu cũng có hoa nở, thảm cỏ xanh mát. Đó là công sức của những người quản trang đêm ngày chăm sóc nơi yên nghỉ nghìn thu của các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước...

Ông Hồ Sỹ Lương bên ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Thành Ninh - người đồng đội, người bạn thân cùng xóm từ nhỏ.
Ông Hồ Sỹ Lương bên ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Thành Ninh - người đồng đội, người bạn thân cùng xóm từ nhỏ.

Ngày rời vị trí Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Quý cũng là ngày ông Hồ Sỹ Lương quyết định nhận nhiệm vụ mới - người quản trang cho NTLS của phường. Người thân khuyên ông nên nghỉ hẳn để hưởng tuổi già nhưng ông cười, thuyết phục: “Nhà mình ngay trước cổng NTLS phường, mỗi ngày, tôi tranh thủ chạy ra thăm liệt sĩ, trong đó có cả bà con quê hương Hòa Quý và đồng đội của tôi nữa”.

Đến nay, tròn 15 năm làm quản trang, ông gần như thuộc hết mọi lý lịch “trích ngang” của 980 ngôi mộ trong nghĩa trang. Và cũng chừng đó năm, ông chưa dám đi đâu xa nhà quá 2 ngày bởi suy nghĩ “mình đi như vậy, ai ở nhà tưới nước cho hoa, cây xanh trong khuôn viên 12.000 mét vuông của NTLS. Rồi tối ai thắp hương cho những liệt sĩ ở đây”.

Như người có con mọn, suốt 15 năm qua, cứ đúng 4 giờ sáng, ông và vợ cùng qua NTLS phường, chia nhau tưới nước. Đến 7 giờ 30, bà Phùng Thị Khanh, vợ ông về nhà lo đi chợ và cơm nước, riêng ông ở lại quét dọn, nhổ cỏ đến trưa. Có những đêm không ngủ được, tầm 2 giờ sáng, ông lặng lẽ qua NTLS để tưới nước. Lần nào cũng vậy, ông mở cửa thật nhẹ để vợ con không thức giấc nhưng lần nào vợ ông cũng tỉnh giấc và đồng hành với chồng.

Công việc vất vả nhưng vợ chồng ông vẫn vui bởi với ông, chăm sóc NTLS là cái tình, cái đạo của những người đồng hương, đồng đội mà không có gì so sánh được. Cuối năm 2018, trong một lần lao động, ông bị thương nơi tay, nhiễm trùng nặng suýt mất mạng. Sau gần 3 tháng điều trị ở bệnh viện, vừa được xuất viện, ông nằng nặc đòi con đưa qua NTLS vì “ba nhớ nơi này lắm, không thể không thăm”.

Một trường hợp khác, ông Ngô Văn Chánh - có thâm niên 7 năm làm Tổ trưởng Tổ quản trang NTLS thành phố - nói rằng mình có cái duyên với hương hồn liệt sĩ. Ông tâm sự: “Từng đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, tôi hiểu được sự hy sinh, mất mát của người lính. Vì vậy, tôi thương anh em lắm. Và cũng vì thương, xem họ như người thân của mình nên tôi không có cảm giác sợ hãi, cho dù mỗi ca trực đêm nơi đây chỉ có 1 người. Tổ có 3 người, cứ chia nhau ra làm việc, ngày thì ở tại NTLS, còn tối thì thay nhau trực. Ban ngày, 2 người chia nhau tưới cây, quét dọn 701 mộ liệt sĩ trong khuôn viên trên 10.000 mét vuông.

Công việc xoay quần từ 5 giờ sáng đến chiều tối nhưng người có lương cao nhất là anh Ngô Văn Chánh cũng chỉ 3,5 triệu đồng, cộng thêm khoảng 400.000 - 500.000 đồng tiền trực, ngoài ra không  có thêm khoản thu nhập nào. Riêng những người trẻ thì 2,5 triệu đồng, người mới vô thử việc chỉ có 1,7 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà, khi hỏi có đủ sống không, ai cũng cười  nhẹ, cùng câu trả lời: “Mình được chăm sóc anh em liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng là vinh dự rồi, chuyện tiền nong không quan trọng”.

Với anh Khanh, niềm vui lớn bây giờ là sau mỗi ngày làm việc nặng nhọc, cùng anh em nhìn ra những luống hoa nở rộ, những thảm cỏ xanh mướt, những ngôi mộ được quét dọn sạch sẽ. Đặc biệt, với những ngôi mộ liệt sĩ quê ở các tỉnh, thành khác, khi thấy người thân tìm đến và quyết định không dời về quê vì “ở nơi đây, người thân chúng tôi được chăm sóc tốt quá”, niềm hạnh phúc còn nhân lên gấp nhiều lần.

Ngay cả “lính mới” Nguyễn Đức Sang, đang trong thời kỳ thử việc ở NTLS thành phố với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng cũng có những cảm nhận hết sức đặc biệt về công việc hiện nay của mình: “Lương khá thấp so với sức mình bỏ ra nhưng đây là công việc đạo lý, tôi không nặng vấn đề tiền bạc. Tôi vốn sợ bóng đêm, vậy mà không hiểu sao ngay đêm đầu tiên trực, ở giữa hơn 700 ngôi mộ liệt sĩ và bên ngoài còn có hàng chục ngàn ngôi mộ của người dân nữa, vậy mà tôi vẫn có cảm giác an bình như chính trong ngôi nhà của mình. Có lẽ hương hồn các liệt sĩ đã tiếp cho tôi sự tự tin như vậy.”

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.