Suy nghĩ về hai chữ "đàng hoàng" của Bác

.

Trong những ngày chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam, dùng không quân và hải quân leo thang đánh phá miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước làm rung động hàng triệu triệu trái tim, khối óc của người dân Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

9 năm sau Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, mùa Xuân 1975 lịch sử, dân tộc ta đã giành thắng lợi vĩ đại, giành lại độc lập, tự do, giang sơn thu về một mối. Chúng ta “quyết không sợ” kẻ thù, đạp bằng mọi chông gai hiểm nạn, đàng hoàng đĩnh đạc bước đến ngày thắng lợi vẻ vang ấy, cho dù phải đổ bao nhiêu máu xương.

Đến hôm nay, sau 44 năm xây dựng, bằng sự cần cù, thông minh và sức sáng tạo, chúng ta đã từng bước đưa đất nước trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng mong muốn của Bác. Xét ở tầm vĩ mô, quả là đất nước ta đã có được một diện mạo mới với cơ sở hạ tầng kỹ thuật một số nơi sánh ngang nhiều nước trong khu vực. Kẻ thù từng tuyên bố sẽ “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, nhưng nay những người ít cảm tình nhất với Việt Nam cũng đã phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi ngoạn mục này.

Dĩ nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Còn một khoảng cách khá xa giữa các đô thị lớn với những vùng nông thôn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng phải nhìn nhận rằng, trong từng nhà, trên từng thôn xóm, làng bản, cuộc sống đã cải thiện hơn rất nhiều. Cuộc sống tươm tất hơn. Trước chủ yếu lo no cơm ấm áo. Nay đã có thể nghĩ đến ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn.

Xét về phương diện ngoại giao, Việt Nam đang thực sự trở thành một quốc gia có tiếng nói và có trách nhiệm đối với các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội chung của thế giới. Trước đây chúng ta đã từng bị bao vây, cấm vận, tại các diễn đàn quốc tế chỉ là quan sát viên, dự thính viên, nay chúng ta đã đàng hoàng trong vị thế quốc tế.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh hiệu Việt Nam được xướng lên trên những diễn đàn quốc tế lớn. Không những thế, trên các diễn đàn xã hội, khoa học, công nghệ, những diễn đàn mang tính trí tuệ, văn hóa, văn học nghệ thuật, thể thao, nhan sắc Việt, tên tuổi Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.

Nhưng điều làm cho tâm lý xã hội bức xúc, bất an, chính là trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện không đàng hoàng, điều ấy phần nào làm mất thể diện dân tộc, tạo nên những hiệu ứng xã hội không lành mạnh. Trước hết phải kể đến tình trạng tham nhũng, vun vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vẫn còn những “sân sau”, vẫn còn tình trạng chạy chọt “cửa hậu”, “đi đêm”.

Không chỉ trong dân gian, mà trong các phát biểu chính thức của các đồng chí lãnh đạo cũng đã đề cập đến những kiểu “chạy”, cách “chạy” để vào các vị trí có quyền, có lợi. Như thế là không đàng hoàng rồi! Ngoài ra còn nhiều biểu hiện không đàng hoàng khác, ở nhiều lĩnh vực khác. Trong làm ăn kinh tế, nhức nhối về tình trạng hàng giả, hàng “dỏm”, tình trạng buôn lậu, giấu giếm để buôn hàng cấm. Tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, tình trạng thực phẩm bẩn lưu hành trong xã hội.

Một lĩnh vực được Đảng ta coi là “quốc sách” nhưng vẫn để lọt lưới những cách làm không minh bạch, không đàng hoàng có thể gây di hại cho nhiều thế hệ, đó là tình trạng gian lận trong thi cử, trong xét tuyển nhân sự... Những hành vi không đàng hoàng như vậy chỉ có lợi cho những người cơ hội, nhiều toan tính, những người làm ăn bất chính trong thương trường; còn những người đàng hoàng tử tế thường bị thua thiệt. Điều đó tạo ra những hiệu ứng xã hội không tốt, làm suy giảm niềm tin, làm mất động lực phấn đấu cho những người trẻ tuổi, những người làm ăn chân chính nản lòng.

Điều may mắn là Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhìn ra những tệ nạn, thậm chí “quốc nạn” nói trên. Liên tục trong nhiều nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng cũng như các nghị quyết chuyên đề của Trung ương các khóa, Đảng đã chú trọng đến vấn đề rèn luyện đạo đức đảng viên, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, quan tâm vấn đề chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa Đảng. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, liên tục có các nghị quyết, các quy định rất cụ thể về những biểu hiện suy thoái mà người đảng viên cộng sản phải tránh xa. Kết hợp với đó là những biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật và theo kỷ luật Đảng.

Tất cả những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm và những tiêu cực xã hội cũng có thể nhìn ở góc độ làm cho đất nước ta đàng hoàng hơn trước thế giới văn minh, hiện đại. Ở thời đại  hiện nay, trong một thế giới phẳng, bên cạnh những giá trị vĩnh cửu, đàng hoàng cũng được xem là một giá trị.

Càng nhiều công khai, minh bạch càng đem lại sự thoải mái, thanh thản trong tâm lý xã hội, tạo được niềm tin giữa các nhóm dân cư cộng đồng. Dù việc khó đến mấy nhưng sự việc được tiến hành một cách minh bạch, công khai thì quần chúng cũng ủng hộ chính quyền giải quyết. Và như vậy mới tránh được những ách tắc, “điểm nghẽn”, xã hội mới phát triển đi lên.

Chúng ta tin tưởng, với quyết tâm lớn và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung uơng Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những tệ nạn từng làm nhức nhối trong xã hội sẽ dần bị loại trừ, đưa đất nước ta thực sự to đẹp, đàng hoàng hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.