Tuyên truyền người dân tham gia BHXH

.

Sáng 29-3 vừa qua, đến UBND phường An Hải Đông để chứng lý lịch cho con trai đúng vào ngày BHXH quận Sơn Trà phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng tổ chức buổi tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chị Lê Thị Hạnh tò mò ghé xem thử “BHXH tự nguyện là cái chi mà nghe nhiều nhưng chưa hiểu lắm”.

Từ tò mò chuyển qua thích thú, chị quyết định nán lại vì có một câu hỏi giống trường hợp của chị mà lâu nay còn phân vân: “Trước đây, tôi tham gia BHXH bắt buộc, được bảo lưu thời gian đóng BHXH, nay do đơn vị phá sản phải nghỉ việc, nếu tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng nối tiếp thời gian tham gia BHXH hay không”. Nghe đại diện BHXH quận Sơn Trà trả lời rõ ràng, cụ thể, chị Hạnh hiểu ra và dự định đến BHXH quận làm thủ tục tiếp tục đóng.

Thời gian qua, nhờ tham gia các buổi tuyên truyền của các cơ quan chức năng xung quanh các vấn đề về BHXH, BHYT..., nhiều trường hợp được “gỡ rối”, từ chỗ băn khoăn, chưa hiểu, nay chuyển sang tham gia các loại hình bảo hiểm khá nhiều. Đơn cử, liên tiếp 2 ngày 22 và 26-3, BHXH thành phố, Sở LĐ-TB&XH và Bưu điện Đà Nẵng phối hợp tổ chức buổi tuyên truyền về BHXH với trọng tâm là các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.

Chương trình thu hút rất đông người lao động, các doanh nghiệp tham dự và đặt nhiều câu hỏi để cơ quan chức năng trả lời. Vài năm gần đây, ba đơn vị chủ công gồm Sở LĐ-TB&XH, BHXH thành phố và Bưu điện Đà Nẵng rất tích cực phối hợp với các địa phương, các khu chế xuất, các hội, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi qua các kênh trực tiếp lẫn gián tiếp để mọi người dân, người lao động, doanh nghiệp hiểu sâu hơn về BHXH nói chung cũng như các loại bảo hiểm và các chế độ hiện hành. Chính nhờ việc chủ động cung cấp thông tin đến mọi đối tượng mà các chỉ tiêu hằng năm về BHXH của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trước đó, vào ngày 14-2, Sở LĐ-TB&XH  phối hợp với BHXH thành phố, Cổng thông tin Điện tử thành phố tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thực hiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội” và nhận được khoảng 40 câu hỏi của người lao động, doanh nghiệp.

Sau khi đặt câu hỏi và được trả lời ngay tại cuộc tọa đàm, anh Trần Văn Công, công nhân Công ty CP Cao su Đà Nẵng hài lòng: “Tôi quan tâm đến bảo hiểm thất nghiệp và đã được trả lời thỏa đáng, đây là điều lâu nay tôi không hiểu nhưng không biết hỏi ở đâu”.

Còn chị Lưu Thị Hoàng, công nhân Công ty Dệt may 29-3 thì tâm đắc với câu trả lời về các chế độ nghỉ thai sản, ốm đau dành cho phụ nữ... Đặc biệt, nhiều người đánh giá cao việc ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH thành phố cung cấp địa chỉ website  https://.baohiemxahoi.gov.vn để người lao động thực hiện kê khai hồ sơ giao dịch BHXH là rất tiện lợi và minh bạch. Đồng thời, ông Long khẳng định, các doanh nghiệp, người lao động nếu có vướng mắc có thể liên hệ với BHXH quận (nơi đăng ký BHXH) để được hỗ trợ giải quyết.

Theo báo cáo của BHXH thành phố, trong năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 113,55% kế hoạch, tổng số người tham gia BHYT đạt 101,09% kế hoạch; độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 95,90% - vượt các chỉ tiêu do Chính phủ giao cho thành phố.

Trong năm 2018, thành phố đã chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 84.160 lượt người; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho 245.923 lượt người. Ngoài ra, thành phố còn giải quyết cho 1.769 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng; giải quyết nghỉ chế độ một lần cho trên 13.000 người. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của BHXH thành phố trong việc giải quyết các chế độ đúng quy định cho người dân một cách nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, cũng chính là một kênh tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của mình khi tham gia các loại hình bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo BHXH thành phố, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc mà nếu chỉ trông chờ vào công tác tuyên truyền, vận động hoặc các chương trình tọa đàm là chưa thể giải quyết triệt để. Đó là vấn đề nợ đọng BHXH. Riêng trong năm 2018, Đà Nẵng có đến 2.046 đơn vị nợ đóng từ 3 tháng BHXH trở lên với số tiền là 236 tỷ đồng, trong số này có đến trên 90 tỷ đồng nợ BHXH rơi vào các đơn vị “mất tích”, giải thể, hoặc tài sản không thể thu hồi...

Điều đáng nói là trong số này có sự “góp mặt” một số đơn vị lớn vẫn dây dưa nợ tiền BHXH, như; Công ty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 nợ trên 12 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV TBO Vina, nợ 10,6 tỷ đồng; Công ty Cơ khí ô-tô thiết bị điện Đà Nẵng, nợ gần 10 tỷ đồng, Công ty Lilama 7 nợ trên 5 tỷ đồng...

Tham gia các loại hình bảo hiểm rõ ràng là điều rất thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền đến người lao động và mọi tầng lớp người dân tham gia các loại hình bảo hiểm, cần có chế tài với những đơn vị cố tình phớt lờ quyền lợi chính đáng này của người tham gia bảo hiểm. Nếu cần, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý và xử phạt theo quy định. Có như vậy, việc tham gia BHXH mới thực sự phát huy hiệu quả cao, tránh tình trạng thiệt thòi đẩy về phía người lao động.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.