Bằng trí tuệ, trách nhiệm và tình cảm, quyết tâm đưa Nghị quyết 43-NQ/TW đi vào cuộc sống

.

Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một chủ trương lớn, tổng định hướng rất kịp thời cho thành phố phát triển trong giai đoạn mới.

Cần có cơ chế, chính sách mới để Đà Nẵng đột phá trong phát triển giai đoạn mới. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Cần có cơ chế, chính sách mới để Đà Nẵng đột phá trong phát triển giai đoạn mới. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Những chuyển biến rõ nét sau 15 năm

Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước (sau đây gọi là Nghị quyết 33) ra đời, được xem là quyết sách quan trọng nhất của Trung ương ưu ái dành cho Đà Nẵng. Nghị quyết 33 nêu rõ: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. 

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 12-11-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 75/KL-TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

15 năm qua, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, với nỗ lực và quyết tâm cao, Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 33, Kết luận 75 và đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế- xã hội phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế được duy trì khá cao và liên tục. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các ngành thông tin và truyền thông, vận tải logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao; Đà Nẵng đã khẳng định là trung tâm du lịch có thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực; công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển, nông nghiệp công nghệ cao bước đầu hình thành, hướng đến phục vụ du lịch và đô thị, thế mạnh kinh tế biển ngày càng phát huy. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp 4 lần so với năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, tương đối đồng bộ và hiện đại.

Thành phố đã tập trung thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện, gắn với chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; “Thành phố 4 an”. Đặc biệt, thành tích ấn tượng của Đà Nẵng là nhiều năm liên tục dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT- Index), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR- Index)… và trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đà Nẵng cũng là nơi đăng cai và tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017. Khách du lịch đến với thành phố luôn tăng trưởng 2 con số mỗi năm và đạt 7,6 triệu lượt vào 2018…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Đà Nẵng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình phát triển và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế có năm chưa đạt. Dư địa, nguồn lực phát triển cạn dần, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh tại một đô thị lớn đang phát triển đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu mà Nghị quyết 33 đã đề ra. Nhiều người theo sát tình hình phát triển của thành phố cho rằng những chỉ số phát triển của Đà Nẵng đang có chiều hướng chững lại. Rõ ràng ngay lúc đáng ra phải cất cánh, thì vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... của Đà Nẵng - cánh chim đầu đàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên lại chưa đạt được như kỳ vọng, xuất hiện khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế…

Đặc biệt, đáng lưu ý là sự tăng trưởng chững lại của Đà Nẵng được đánh giá là quá sớm (chỉ sau khoảng 15 năm) so với chu kỳ phát triển của nhiều đô thị trẻ trong khu vực, dẫn đến nguy cơ tụt hậu so với một số địa phương trong vùng và tụt hậu xa hơn so với các thành phố khác trong khu vực châu Á.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao là cơ quan thường trực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng triển khai xây dựng đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW để ban hành một Nghị quyết mới. Trên cơ sở kết quả của đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, ngày 24-01-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Nghị quyết 43).

Nghị quyết 43 được đánh giá là một Nghị quyết đột phá cho Đà Nẵng, không những định hướng chiến lược phát triển mà còn cả đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế có tính chất mở đường, nhận diện và phát huy tốt các động lực phát triển mới, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để Nghị quyết 43 thật sự mang lại những thành tựu vượt bậc, bứt phá đi lên, hành trang lớn nhất của chúng ta không chỉ là những mục tiêu, con số đặt ra, mà sâu sắc hơn cả chính là khát vọng, niềm tin, sự kỳ vọng của người dân Đà Nẵng vào sự lãnh đạo của Đảng, của hệ thống chính trị trên con đường phía trước.

Hành trang lớn nhất là niềm tin của người dân thành phố

Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, Đà Nẵng đã luôn phát huy được truyền thống trung dũng, kiên cường, nhưng bài học kinh nghiệm lớn nhất mà Đà Nẵng có được là sự đồng thuận của người dân đối với những chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền trên cơ sở “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Sự đồng thuận của nhân dân thành phố trước hết được xuất phát từ nguyện vọng, ý thức của mỗi người dân với mong muốn về một thành phố phát triển văn minh, giàu đẹp. Đồng thời, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn bám sát thực tế, luôn lắng nghe và chia sẻ kịp thời những khó khăn, giải quyết những bức xúc của nhân dân, tạo niềm tin cho nhân dân bằng những chủ trương, chính sách phù hợp giải quyết được yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Khi ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để cùng với thành phố Đà Nẵng sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Với Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa nghị quyết đi ngay vào cuộc sống; chỉ đạo chuẩn bị đề án, kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật…

Cần có khát vọng, niềm tin và cách làm hiệu quả để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển bền vững. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Cần có khát vọng, niềm tin và cách làm hiệu quả để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển bền vững. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Nghị quyết 43 với mục tiêu chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực cũng như góp phần quan trọng mang lại sự phát triển mạnh mẽ hơn cho cả nền kinh tế.

Trung ương đặt nhiều hy vọng vào Đà Nẵng là thành phố đầu tàu, động lực ở miền trung và Tây Nguyên; đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển. Điểm mới trong Nghị quyết 43 là Bộ Chính trị đã đồng ý cho Đà Nẵng có cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tốc độ phát triển. Để đạt được mục tiêu ấy là cả chặng đường dài, nhất là còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Vì vậy, thành phố rất cần một đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng tầm, biết phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, đồng thuận, vì dân, vì sự phát triển thành phố, đặt người dân vào vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Nghị quyết 43 bằng trí tuệ, trách nhiệm và tình cảm, để người dân Đà Nẵng giữ và phát huy được lửa nhiệt tình, kiên trì mục tiêu phát triển Đà Nẵng “trở thành trung tâm du lịch, một trung tâm về khoa học công nghệ, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, một trung tâm về logistic và phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, một thành phố sinh thái, một thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.

TRẦN ĐÌNH HỒNG
 
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
 

;
;
.
.
.
.
.