Bất cập trong thí điểm sử dụng hộ khẩu điện tử

.

Số liệu trên phần mềm hộ khẩu điện tử (HKĐT) không khớp với thông tin trên hộ khẩu giấy, thông tin thiếu chính xác về ngày, tháng, năm sinh của công dân..., đó là phản ảnh của nhiều cơ quan hành chính quận, huyện và phường, xã sau 5 tháng thực hiện thí điểm sử dụng HKĐT để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Thanh Khê đang kiểm tra, đối chiếu thông tin trong số hộ khẩu với thông tin trong hộ khẩu điện tử để bảo đảm chính xác nhất.
Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Thanh Khê đang kiểm tra, đối chiếu thông tin trong số hộ khẩu với thông tin trong hộ khẩu điện tử để bảo đảm chính xác nhất.

Phương án thí điểm sử dụng phần mềm HKĐT (do Công an thành phố xây dựng dữ liệu trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ https://egov.danang.gov.vn) trong giải quyết TTHC được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện theo Công văn số 232/UBND-STTTT ngày 10-1-2019 với mục tiêu là giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ (hộ khẩu) phải nộp, tiết kiệm thời gian xử lý TTHC của công chức các cơ quan hành chính.

Phạm vi thí điểm là UBND các quận, huyện và phường, xã. Theo phương án này, người dân làm những TTHC nào mà trong thành phần hồ sơ buộc phải có hộ khẩu thì không cần mang theo sổ hộ khẩu.

Khi nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa”, người dân chỉ cần cung cấp thông tin họ, tên, số chứng minh nhân dân (CMND), cán bộ tiếp nhận sẽ nhập thông tin này vào phần mềm HKĐT. Nếu thông tin trùng khớp với việc khai báo trong các thành phần hồ sơ thì hồ sơ hợp lệ và được giải quyết theo quy định. Sở Thông tin-Truyền thông là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện; Sở Nội vụ, Công an thành phố, UBND các quận, huyện và phường, xã là cơ quan phối hợp thực hiện chủ trương thí điểm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Chiến, sở đã tham mưu áp dụng phương án thí điểm đối với 24 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện và phường, xã gồm các lĩnh vực mà hồ sơ hành chính yêu cầu có hộ khẩu như: hộ tịch, chứng thực, giáo dục và đào tạo, người có công, bảo trợ xã hội, tôn giáo... Tuy nhiên, phương án này không đạt mục tiêu HKĐT thay thế hộ khẩu giấy vì thông tin nhập liệu vào phần mềm còn sai sót.

Chứng minh thực tế, Phó phòng Tư pháp quận Thanh Khê Trương Văn Thống lấy ngẫu nhiên hồ sơ vừa tiếp nhận một bản sao (photocopy) sổ hộ khẩu để lấy thông tin tên người dân và số CMND nhập vào phần mềm HKĐT tại địa chỉ https://egov.danang.gov.vn. Khi đối chiếu với các thông tin trên sổ hộ khẩu giấy, ông Thống phát hiện một số lỗi sai sót thông tin nhập liệu trên phần mềm HKĐT. Cụ thể, thông tin cha sinh năm 1985, con sinh năm là 1996 (cha và con cách nhau chỉ 11 tuổi) là không khớp.

“Lỗi sai rất phổ biến khi nhập liệu vào phần mềm HKĐT là rất nhiều người có ngày, tháng, năm sinh là ngày 1 tháng 1, thậm chí nhiều người trong một gia đình có ngày, tháng sinh như vậy. Bên cạnh đó, mục nơi thường trú trước khi chuyển đến trùng với nơi người dân đang thường trú. Trong lĩnh vực hộ tịch, thông tin như vậy sẽ gây trở ngại cho cơ quan hành chính và người dân”, ông Thống cho hay.

Tại UBND nhiều phường, qua ghi nhận cho thấy thông tin trên HKĐT còn sai sót, cán bộ vẫn phải yêu cầu người dân trình sổ hộ khẩu khi giải quyết TTHC. Chị Phan Thị Thanh Trúc, cán bộ bộ phận “một cửa” phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết, lúc mới triển khai thí điểm chị đã nhập thử tên, số CMND của mình vào phần mềm để tra cứu nhưng không thấy thông tin. Nhiều trường hợp nhập số CMND của người này lại ra thông tin của người khác.

Còn một số bất cập trong thí điểm sử dụng hộ khẩu điện tử cần khắc phục. TRONG ẢNH: Giao dịch tại “một cửa” phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Còn một số bất cập trong thí điểm sử dụng hộ khẩu điện tử cần khắc phục. TRONG ẢNH: Giao dịch tại “một cửa” phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Chị Hoàng Thị Loan, cán bộ tư pháp-hộ tịch phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) cho hay, nhiều trường hợp đăng nhập vào phần mềm HKĐT để tra cứu thông tin nhưng không có nên phải đề xuất Chủ tịch UBND phường ký giấy giới thiệu đến trụ sở Công an quận sưu tra từ tàng thư mới có được thông tin để giải quyết TTHC cho người dân.

Chị Phạm Thị Thái Nguyên, cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết; thông tin trên phần mềm HKĐT khi in ra chỉ là tờ giấy ghi “Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu”; không đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.

Theo ông Võ Huy Hoàng, trưởng bộ phận “một cửa” UBND quận Thanh Khê, cần tổ chức lấy thông tin nhân hộ khẩu bắt đầu từ việc phát phiếu tự khai đến từng hộ dân. Sau đó Công an phường, xã phối hợp với UBND cùng cấp có trách nhiệm đối chiếu, hiệu chỉnh thông tin chính xác trước khi nhập liệu vào phần mềm HKĐT. Khi thông tin trong HKĐT thật chính xác mới có thể dùng thay thế sổ hộ khẩu. Nếu giải quyết TTHC với nhiều sai sót trong thông tin của HKĐT hiện nay sẽ gây hậu quả cho các cơ quan hành chính và cả người dân. Trong thực tế, không có người dân nào đến làm TTHC yêu cầu cán bộ tự tra cứu thông tin trên HKĐT. Họ không biết thành phố đang thí điểm việc này nên luôn luôn cầm theo hộ khẩu gốc. Còn cán bộ bộ phận “một cửa” vẫn thích công dân mang theo sổ hộ khẩu vì như thế thông tin sẽ chính xác hơn.

Ông Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin-Truyền thông cho hay, nếu mô hình thí điểm HKĐT thành công, sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy chế quản lý và sử dụng thông tin HKĐT thay cho sổ hộ khẩu trong việc giải quyết TTHC cho người dân.

Bài và ảnh: SƠN TRUNG
 

;
;
.
.
.
.
.