Các khách sạn, nhà hàng ven biển: Xử lý nghiêm khắc vi phạm về môi trường, xây dựng

.

Mặc dù thành phố quyết liệt chỉ đạo kiểm tra và xử lý nghiêm các khách sạn, nhà hàng ở khu vực ven biển phía đông thuộc hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xây dựng sai phép, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)..., nhưng nhiều cơ sở vẫn vi phạm.

Mỡ do các nhà hàng, khách sạn xả vào cống thoát nước bị phân hủy, vón cục và trôi ra bãi biển Mỹ An vào chiều 25-5.
Mỡ do các nhà hàng, khách sạn xả vào cống thoát nước bị phân hủy, vón cục và trôi ra bãi biển Mỹ An vào chiều 25-5.

Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận rà soát, hướng dẫn việc cấp phép xây dựng, thực hiện ĐTM, xả thải của nhà hàng, khách sạn, hoàn thành trong tháng 8 để đến 9-2019 sẽ tiến hành tổng kiểm tra, rà soát và xử lý rút giấy phép, buộc ngừng hoạt động các cơ sở không thực hiện nghiêm túc về ĐTM theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Công tác quản lý chưa tốt

Thời gian qua, sau một trận mưa to, nước thải và nước mưa trong lòng cống dâng cao, phá vỡ đập cát đắp trước cửa xả Mỹ An và chảy tràn ra biển, mang theo nhiều cục mỡ màu trắng đục. Hơn 200m đoạn bờ biển xung quanh cửa xả tấp đầy mỡ vón cục và bốc mùi hôi thối, thậm chí có những cục mỡ với kích thước bề ngang 20cm, bề rộng 15cm và cao 10cm.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: “Các cục mỡ này bị biến chất và phân hủy lâu ngày ở trong lòng cống rồi vón thành cục. Có lần nạo vét cống, gặp phải một tảng mỡ rất lớn đóng lâu ngày trong cống, công nhân phải dùng xà-beng nạy và tách thành nhiều cục nhỏ rồi mang lên. Mỡ này chủ yếu là do các nhà hàng, khách sạn xả vào trong cống. Cần phải kiểm soát xả nước thải của các nhà hàng, khách sạn, chứ cứ để cho họ xây dựng các hầm xử lý nước thải 3 ngăn và lắp đặt bể tách mỡ không đạt chuẩn như hiện nay thì nước thải, chất bẩn, mỡ vẫn chảy vào cống gây tắc cống, ô nhiễm bãi biển”.

PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho hay: “Với hạ tầng thoát nước chung như hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về nước thải phải được thực hiện chặt chẽ, bài bản, bảo đảm nước thải từ các nhà hàng, khách sạn phải được xử lý sạch sẽ rồi mới xả vào hệ thống cống, khi trời mưa thì nước mưa lẫn nước thải sau xử lý chảy ra biển mới sạch sẽ. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, xả thải từ các nhà hàng, khách sạn ở ven biển là chưa tốt. Mặc dù cơ quan chức năng quy định và yêu cầu các cơ sở này xử lý nước thải đạt chuẩn B, tức là nước tương đối sạch và không có mùi trước khi xả vào cống, nhưng thực tế, chất lượng nước thải đầu ra của các cơ sở này chưa sạch và còn có mùi hôi. Cạnh đó, có rất nhiều chất thải hữu cơ, mỡ được xả vào cống và khi trời mưa thì trôi ra bãi biển, nhưng việc nạo vét và thu gom chất thải trong cống vẫn đang thực hiện bằng sức người và công cụ thô sơ, hiệu quả thấp, chưa được đầu tư hệ thống tự động thu gom chất thải trong cống hiện đại, hiệu quả”.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bên cạnh nguyên nhân là sự thay đổi quá lớn về chức năng đô thị ở khu vực ven biển phía đông làm hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu phát triển và cũng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ, thì công tác quản lý về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng chưa tốt. Các phường còn cho các quán tạm hoạt động, nhưng gần như không có sự quản lý, kiểm tra, giám sát về môi trường. Trong khi đó, việc thoát nước tại các cống thoát nước thải phía sau các dãy khách sạn, nhà hàng và nhà dân gần như không ai kiểm soát; nhiều nhà hàng sử dụng nước dọn rửa sàn hằng ngày và đẩy rất nhiều rác, khăn ăn, thức ăn thừa xuống cống thoát nước...

“Trước mắt, sẽ tiếp tục duy trì một số giải pháp để kiềm chế nước thải tràn ra biển; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà hàng, khách sạn không thực hiện đúng ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường…, đặc biệt là xử phạt, buộc dừng hoạt động, đóng cửa các cơ sở vi phạm”, ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.

Rà soát, xử lý các công trình xây sai phép, không phép

Vào giữa tháng 5-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi công văn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Sơn Trà và UBND quận Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm về cấp phép xây dựng đối với 20 khách sạn, nhà hàng.

Theo đó, đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, xử lý 4 khách sạn xây dựng số phòng lưu trú tăng thêm so với ĐTM gồm: khách sạn Golden Star (xây dựng tăng từ 49 phòng lưu trú lên 60 phòng), Aria Grand Hotel (tăng từ 40 lên 73 phòng), khách sạn Aria (tăng từ 48 lên 69 phòng), khách sạn Queen’s Finger Hotel (tăng từ 49 lên 54 phòng).

UBND quận Sơn Trà kiểm tra và xử lý 9 khách sạn, 7 nhà hàng không có giấy phép xây dựng, trong đó, phần lớn nhà hàng chỉ có giấy phép xây dựng là nhà ở, biệt thự, không có giấy phép xây dựng nhà hàng… Những khách sạn và nhà hàng nói trên đã xây dựng hoàn thành trong một thời gian và hiện đang hoạt động.

Khách sạn Balcona vi phạm về xả nước thải có nồng độ các thông số thông thường vượt quy chuẩn cho phép.
Khách sạn Balcona vi phạm về xả nước thải có nồng độ các thông số thông thường vượt quy chuẩn cho phép.

Theo các ngành chức năng của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, nhiều nhà hàng, khách sạn chỉ bị phát hiện xây dựng tăng số phòng lưu trú, thêm bể bơi trên tầng mái, cải tạo tầng kỹ thuật thành các phòng dịch vụ, cải tạo tầng hầm để xe thành phòng chức năng… khi công trình đã hoàn thành xây dựng phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện.

“Đáng nói, nhiều khách sạn cũng chỉ bị phát hiện xây dựng các hạng mục sai phép khi kiểm tra hoàn công, chuẩn bị đưa công trình vào sử dụng, thậm chí có những khách sạn đã hoàn công, đi vào hoạt động rồi vẫn cơi nới, xây dựng thêm phòng. 4 khách sạn Golden Star, Aria Grand Hotel, Aria, Queen’s Finger Hotel đã đi vào hoạt động, hoàn công rồi nhưng vẫn xây dựng, cơi nới thêm. Khách sạn đi vào hoạt động rồi mà cơi nới, hay xây dựng thêm thì chúng tôi không thể biết được vì ít khi đi kiểm tra các trường hợp đã đưa vào hoạt động, sử dụng, mà thường chỉ thường xuyên kiểm tra, giám sát khi công trình đang xây dựng”, ông Lưu Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Về giải pháp kiểm tra, xử lý các khách sạn, nhà hàng xây dựng sai phép, ông Lưu Xuân Hùng cho hay: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành tổng kiểm tra, rà soát tại 4 khách sạn nói trên và các công trình khác đã hoàn công, đi vào hoạt động để đánh giá tổng thể. Sau đợt kiểm tra mới tiến hành xử lý 4 khách sạn nói trên và nhiều trường hợp vi phạm tương tự”.

Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay: “Hiện nay, các phòng chuyên môn và các phường đang triển khai xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các khách sạn, nhà hàng, quán tạm. Tại các tuyến đường, nhất là đường Võ Nguyên Giáp, cơ bản đã xử lý xong việc xây dựng lấn chiếm khoảng lùi 4m của các nhà hàng, quán tạm. Riêng đối với các vấn đề liên quan đến môi trường của các nhà hàng, quán tạm thì các phòng chuyên môn của quận đang rà soát, đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 15-6-2019. Quận đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban và phường có liên quan xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng của các khách sạn, nhà hàng, quán tạm. Các nhà hàng, quán tạm khi hết thời hạn được cấp giấy phép tạm thì phải tháo dỡ”.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung: Từ tháng 9-2019, tổng kiểm tra rà soát và xử lý nghiêm sai phạm

“Về xử lý nước thải ven biển, tập trung rà soát quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải và quy hoạch xử lý chất thải rắn đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2045 gắn với quy hoạch chung, đồng thời phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Rà soát đề xuất giải pháp xử lý bất cập dự án cải thiện môi trường nước phía đông, hoàn thành dự án vào năm 2020. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng nước thải tràn ra biển. Tiến hành rà soát, hướng dẫn việc cấp phép và thực hiện ĐTM tại các nhà hàng, khách sạn từ nay đến tháng 8-2019. Bắt đầu từ tháng 9-2019 tiến hành tổng kiểm tra rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện. Dừng hoạt động khi hết thời hạn đối với các cơ sở cấp phép tạm, chỉ cấp phép hoạt động đối với các cơ sở bảo đảm các điều kiện theo quy định”.

(Theo kết luận tại chương trình  “Hội đồng Nhân dân với cử tri” diễn ra vào ngày 15-5-2019)

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Xử phạt 9 khách sạn vì thực hiện không đúng đánh giá tác động môi trường

Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường đã xử phạt 9 khách sạn vì thực hiện không đúng đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, đồng thời, yêu cầu các khách sạn thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm. Đến hết thời hạn cho phép, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra các khách sạn này, nếu không chấp hành quyết định xử phạt và khắc phục vi phạm sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật để xử lý.

Đối với các trường hợp nhà hàng, khách sạn thuộc thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, UBND thành phố đã yêu cầu UBND 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn kiểm tra 450 trường hợp và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Ông Phùng Phú Phong, Phó Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố: Cần mở rộng rà soát, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn

Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện quyết liệt các đề xuất, kiến nghị của Ban Đô thị HĐND thành phố đối với giám sát chuyên đề về công tác thoát nước và xử lý nước thải khu vực ven biển phía đông thành phố. Trong đó, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện kiểm tra, rà soát ở khu vực ven biển của 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Sắp đến, Ban Đô thị sẽ tiếp tục kiến nghị thực hiện việc rà soát với quy mô rộng hơn và quyết liệt yêu cầu các cơ sở nào chưa thực hiện đúng ĐTM, đấu nối nước thải... thì phải nghiêm túc thực hiện cho đúng; đồng thời đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, khắc phục các thiếu sót đối với nhà hàng, quán ăn xây dựng tạm.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.