Trong những ngày qua, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn... đã đề cập rất nhiều đến vai trò của Ineternet và những tác động của các trang mạng xã hội.
Bên cạnh việc đánh giá cao về những đóng góp to lớn của nó cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… thì rất nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, của các nhà báo, và công chúng băn khoăn, lo ngại về thông tin giả, sai sự thật đang ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại trên các trang mạng xã hội hiện nay.
Những thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội đều là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, cố tình “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn sự đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nào đó nhưng được “nhào nặn” để đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, bôi nhọ, gây chia rẽ, hoặc nhằm toan tính cho thế lực thù địch nào đó.
Không chỉ riêng nước ta mà các nước trên thế giới cũng đang đối mặt với thách thức vô cùng nghiêm trọng và to lớn về tin giả, sai sự thật. Nhiều nước đã đề ra các biện pháp rất mạnh để truy tìm, răn đe, đấu tranh ngăn chặn những thông tin giả, sai sự thật gây tác động xấu tới bộ máy công quyền, các chính khách, các doanh nghiệp, các nhân vật nổi tiếng, cũng như trong đời sống của xã hội.
Hội nghị Thượng đỉnh Truyền thông châu Á lần thứ 16 (AMS 16) tại Campuchia hôm 12-6 vừa qua với chủ đề “Số hóa phương tiện truyền thông - Tập trung phát triển thị trường” thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia cũng đã nhấn mạnh đến cuộc chiến chống tin giả, sai sự thật đang ở mức báo động, gây phương hại rất lớn cho nền kinh tế cũng như cho xã hội.
Hay cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 vừa qua, tin giả, sai sự thật lan truyền tác động tiêu cực tới các nhân vật ứng cử, các đảng phái tham gia bầu cử đã buộc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải đưa vấn đề chống tin giả, sai sự thật vào chương trình nghị sự Thượng đỉnh diễn ra vào ngày 22-6 này để thảo luận, tìm biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành bộ quy tắc đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt để buộc Twitter và Facebook phải có hành động “xóa bỏ” ngay lập tức khi xuất hiện những thông tin giả, sai sự thật mà các cơ quan quản lý của các nước thành viên EU cảnh báo.
Một ví dụ khác từ Mỹ cũng cho chúng ta thấy sự tác động của tin giả, tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội nguy hiểm như thế nào?
Hãng NBC News và tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 5-4 vừa qua cùng thực hiện một cuộc khảo sát về những tác động của các trang mạng xã hội. Kết quả có 57% số người được hỏi tin rằng các mạng xã hội gây chia rẽ đất nước nhiều hơn. Trong khi đó, 55% cho rằng các mạng này có thể lan truyền những thông tin giả nhiều hơn so với tin tức và thông tin từ các nguồn chính thống. Cũng có 61% số ý kiến cho rằng các mạng xã hội lan truyền các vụ tin đồn thất thiệt về những nhân vật và công ty nổi tiếng, so với 32% cho rằng các mạng này giúp củng cố hình ảnh của những người này.
Ngay như trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua cũng xuất hiện khá nhiều tin giả, sai sự thật gây nên những xáo trộn trong nội bộ cơ quan, trong các gia đình hoặc một bộ phận công chúng. Thậm chí còn có những bài viết nhằm vào một số lãnh đạo của thành phố, họ cố tình “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn sự đúng-sai, thật-giả để hạ uy tín, vai trò người lãnh đạo cũng như việc xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ Đảng và chính quyền. Họ cố tình đưa ra những thông tin mang tính bịa đặt để cho dư luận hiểu một cách mơ hồ rằng có “phe cánh”, có “nhóm lợi ích”, có “tiêu cực” trong quản lý, sắp xếp cán bộ cũng như trong quy hoạch, đầu tư và hình thành các dự án đang chi phối trong công tác điều hành của tập thể lãnh đạo cũng như người đứng đầu…
Từ những thực tế đó cho chúng ta thấy rằng, vấn nạn tin giả, sai sự thật xuất hiện trên các trang mạng xã hội hiện nay vô tình hay cố ý đều gây nên những hậu quả khôn lường. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Một số thông tin còn có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, tập thể, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc…
Do vậy, việc cảnh giác, phát hiện và đấu tranh để chống tin giả, sai sự thật đang là một thách thức, nhưng cũng là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước như ban hành các biện pháp cụ thể, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để xử lý các thông tin giả, sai sự thật một cách kịp thời, hiệu quả thì việc tuyên truyền để mọi người nắm vững các quy định về Luật an ninh mạng, hay đề cao cảnh giác trước thông tin giả, sai sự thật có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đặc biệt, việc xây dựng nội bộ Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, không để lộ lọt các thông tin nội bộ, thông tin mật ra ngoài xã hội đang là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Nhất là khi Đảng ta đang chuẩn bị kế hoạch Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thì việc đấu tranh, ngăn chặn những tin giả, sai sự thật ngày càng cấp thiết vì đây là cơ hội mà các phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn đang tăng cường tìm kiếm các thông tin để chúng nhào nặn, tung ra nhằm vào một số cá nhân, tổ chức gây mất đoàn kết để phục vụ cho những ý đồ đen tối của họ và các thế lực thù địch khác.
Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội phải không ngừng nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác định hướng thông tin, cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời; đẩy mạnh công tác giáo dục, quản lý đảng viên, đoàn viên… trong việc cảnh giác với những tin giả, sai sự thật khi sử dụng, tương tác với các trang mạng xã hội… góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí cũng như thúc đẩy cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng đạt hiệu quả cao.
TUYẾT MINH