Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS

.

Hiện nay, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đang ngày càng biểu hiện rõ nét qua tình hình thiên tai, lũ lụt ngày càng cực đoan bất thường. Thách thức lớn nhất trong công tác cảnh báo thiên tai đến cộng đồng hiện nay là cảnh báo kịp thời để người dân ứng phó. Để giải quyết vấn đề này, Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) đã nghiên cứu và lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS. Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) thành phố Đà Nẵng được ứng dụng khá hiệu quả trong thực tế.

Thiết bị cảnh báo hệ thống lũ lụt VFASS.
Thiết bị cảnh báo hệ thống lũ lụt VFASS.

Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS dựa trên ứng dụng IoT - Kết nối vạn vật với công nghệ kết nối không dây Lora nhằm cảnh báo lũ lụt đến cộng đồng theo thời gian thực. Lora là công nghệ truyền tải dữ liệu không dây. Với khả năng truyền tải trên phạm vi lớn, công suất thấp,

Lora rất thích hợp để ứng dụng trong cảnh báo thiên tai, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mà mạng viễn thông chưa ổn định, dễ dàng xảy ra sự cố khi có thiên tai. Hệ thống này có khả năng cảnh báo ngập lụt tại cộng đồng, cảnh báo ngập sâu ở ngầm tràn, hầm chui, đô thị hay cảnh báo an toàn hạ du hồ chứa, cảnh báo lũ quét và mưa lớn vượt ngưỡng.

VFASS có kết cấu nhỏ gọn gồm các thiết bị cơ bản: cảm biến; thiết bị điều khiển; thiết bị cảnh báo và nền tảng quản lý. Các thiết bị được kết nối qua giao tiếp Lora và hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời. Ưu thế vượt trội của nó so với các hệ thống cảnh báo khác là không phụ thuộc vào nguồn điện và mạng viễn thông.

Thiết bị điều khiển cũng được kết nối với nền tảng quản lý qua giao tiếp 3G, 4G, từ đó cho phép các cơ quan quản lý theo dõi tình trạng vận hành của hệ thống, độ sâu ngập lụt, lượng mưa... tại các điểm cảnh báo qua internet. Đây là một hệ thống sử dụng pin năng lượng mặt trời nên rất hữu ích trong việc tiết kiệm năng lượng.

Giải pháp đề xuất của VFASS là tại các tháp báo lũ hoặc các vị trí gần khu vực dân cư sẽ đặt các thước đo mực nước điện tử và trạm điều khiển gần đó. Tại trung tâm khu dân cư sẽ đặt các trạm điều khiển ngoài trời với đèn báo và loa phát thanh công suất 150W. Trạm điều khiển ngoài trời có thể kết hợp chức năng truyền thanh tại cộng đồng qua máy bộ đàm hoặc điện thoại di động. Tại các nhà dân sẽ đặt thiết bị báo động trong nhà (kết hợp với đồng hồ điện tử).

Khi mực nước lũ tại vị trí thước đo điện tử dâng cao đến mức báo động (mức báo động được cài đặt theo 3 mức tùy theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của khu vực dân cư) thông qua giao tiếp Lora, toàn bộ các thiết bị điều khiển và thiết bị cảnh báo sẽ được kích hoạt. Thiết bị cảnh báo ngoài trời, thiết bị cảnh báo trong nhà sẽ phát thanh cảnh báo đến cộng đồng.

Ông Trịnh Thế Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khí tượng thủy văn (thuộc WATEC) cho biết, hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu về thiết bị cảnh báo hạ du khu vực xả lũ. VFASS đề xuất hệ thống dựa trên giao tiếp Lora. Khi xả lũ sẽ kích hoạt hệ thống phát cảnh báo thông qua nút điều khiển hoặc điện thoại di động. Hệ thống cảnh báo sẽ phát còi hú và thông tin cảnh báo đến người dân. Trung tâm cũng đã phát triển thành công hệ thống đo mưa chuyên dùng Vrain với gần 1.000 trạm đo mưa tự động cung cấp số liệu cho Tổng cục Khí tượng thủy văn, 63 tỉnh, thành phố và trên 100 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong cả nước.

Đà Nẵng hiện có 6 doanh nghiệp KH&CN đã và đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn nhiều thành tựu KH&CN trong các lĩnh vực môi trường, y tế, công nghiệp... Đó là những sản phẩm phục vụ cộng đồng của doanh nghiệp KH&CN Đà Nẵng được phủ sóng trên cả nước thời gian gần đây. Hệ thống cảnh báo lũ thông minh VFASS có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống nhân dân, nhất là ở những vùng thường xuyên xảy ra các vấn đề thiên tai, bão lũ như miền Trung nước ta.

Bài và ảnh: TRẦN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.