Hỗ trợ những người hoàn lương

.

Những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả giúp đỡ những người lầm lỡ có mong muốn hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2015, Trần Quốc Th. (SN 1989, tổ 13, phường Hòa Hiệp Bắc) chấp hành án tù vì tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 2016, Th. được cho ra tù sớm, trở về địa phương tu chí làm ăn bằng nghề cào mứt nhưng nghề này chỉ làm theo vụ mùa nên công việc bấp bênh, không ổn định.

Đầu năm 2019, Th. được UBND phường hỗ trợ 5 triệu đồng mua xe máy để chạy xe ôm. Có công việc và thu nhập tạm ổn, Th. được chú ruột giúp mở chung cửa hàng bán quà lưu niệm trên đỉnh đèo Hải Vân. Giờ đây cuộc sống của gia đình Th. cũng thay đổi hẳn. Không còn vẻ tự ti, mặc cảm như trước, Th. hồ hởi khi gặp người quen là các anh Công an phường, dân phòng, đảng viên chi bộ, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể khu dân cư…

“Tôi từng lầm lỗi, giờ biết ăn năn cải tạo tốt nhờ chính quyền địa phương, Công an phường và các hội, đoàn thể giúp đỡ tôi chiếc xe máy làm phương tiện hằng ngày lên đỉnh đèo Hải Vân bán hàng lưu niệm ”, Th. nói. 

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho hay, nhằm hỗ trợ sinh kế cho người từng lầm lỡ sau khi ra tù trở về địa phương tu chí làm ăn, chính quyền chủ động phối hợp với Công an phường, tổ dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư xây dựng mô hình “Chung tay lập nghiệp”. Với mô hình này, phường tổ chức gặp gỡ, tọa đàm, trao sinh kế cho các đối tượng hoàn lương sau khi chấp hành xong án phạt tù. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể đến từng gia đình động viên các đối tượng tu chí làm ăn để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, phường hỗ trợ trao sinh kế 3 trường hợp, với tổng kinh phí 13 triệu đồng. 7 trường hợp khác cũng được hỗ trợ kinh phí học nghề.

Tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Ngô Hồng L. (SN 1991) có tiền án vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhưng sau khi chấp hành xong án phạt tù, L. trở về địa phương sinh sống. Lúc đầu, L. sống thu mình, không giao lưu với bạn bè vì sợ trở lại con đường cũ.

Được địa phương vận động hỗ trợ, Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu tạo điều kiện cho vay vốn để cùng người thân mở xưởng nhôm kính, Ngô Hồng L. tâm sự: “Quyết tâm làm lại cuộc đời, em nhờ ba đứng tên vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận để đầu tư trang thiết bị phục vụ xưởng gia công nhôm kính. Từ đó đến nay, em làm việc chăm chỉ, tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân và dần quên đi những tháng ngày lầm lỗi”.

Không chỉ có địa phương triển khai nhiều mô hình, biện pháp hỗ trợ hiệu quả người hoàn lương, mà ngay cả các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn quận cũng chung tay hỗ trợ người hoàn lương tự tin làm lại cuộc đời. Nguyễn Phi T. (SN 1993, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) khi trở về địa phương sau án phạt tù vì gây tai nạn giao thông đã mạnh dạn làm đơn xin làm nhân viên tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tại khu công nghiệp Hòa Khánh.

Ông Ngô Lê Quảng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chia sẻ: “Có nhiều lý do để người ta phạm tội và tất cả đã chịu tội trước pháp luật. Sau cải tạo, họ cũng cần có công việc, nghề nghiệp để sau này trở về còn sinh kế. Đó là lý do mà công ty chúng tôi không ngần ngại tuyển những người lầm lỡ, nếu như họ biết tu chí làm lại cuộc đời”.

Ông Lê Thế Nhân, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Minh cho biết, các trường hợp trên địa bàn phường khi chấp hành xong án phạt tù nhìn chung đều chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên cũng có một số người mặc cảm, tự ti, không có việc làm ổn định nên nguy cơ tái phạm cao. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể phối hợp quản lý các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Bên cạnh đó, phường cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống đối với những trường hợp này. 

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, đa số những người từng lầm lỡ thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định. Vì vậy, muốn cảm hóa, giúp đỡ người hoàn lương cần phải có sự chung tay của cộng đồng và các ngành chức năng trong việc hoạch định một kế hoạch dài hơi với những đề án, dự án tạo việc làm có đầu tư kinh phí. “Giải pháp trọng tâm là tích cực hỗ trợ vốn sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”, ông Hưng nói.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.