Hướng đến thành phố môi trường, sinh thái

.

Sáng 5-6, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (2008-2018), lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, địa phương đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án đã góp phần giúp cho Đà Nẵng có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc; đồng thời cũng chỉ ra tồn tại, thách thức và đề ra giải pháp để tiếp tục định hướng, xây dựng thành phố môi trường, sinh thái.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (giữa) tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (giữa) tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án.

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Thực hiện đạt 7/10 tiêu chí về môi trường

Trong 10 năm qua, thành phố nhận được nhiều giải thưởng, chứng nhận trong nước và quốc tế về phát triển, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong 10 tiêu chí đề ra, thành phố thực hiện đạt 7 tiêu chí là: chỉ số ô nhiễm không khí (API) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100; độ ồn tại khu dân cư nhỏ hơn 60dbA, đường phố nhỏ hơn 75dbA; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đầu người từ 6-8m2/người; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn là 76,81%; tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt hơn 95%, khu vực nông thôn là hơn 70%; tổng lượng nước thải sinh hoạt thu gom đạt trên 61%, tỷ lệ xử lý đạt yêu cầu hiện lớn hơn 42% (của 3 trạm). 3 tiêu chí chưa đánh giá được, hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 là: tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực: sông, ven biển, hồ, nước ngầm; tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp.

Trong giai đoạn từ năm 2020-2030, tầm nhìn năm 2045, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” tiếp tục được thực hiện với mục tiêu là xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái.

Theo đó, đến năm 2025, thành phố kiểm soát tốt chất lượng môi trường (nước, không khí, đất); hoàn thành các tiêu chí đã được cập nhật đến năm 2025. Đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của thành phố theo nền tảng thành phố sinh thái; xây dựng, phấn đấu các tiêu chí về thành phố sinh thái. Đến năm 2045, là thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện được mục tiêu nói trên, sẽ đề ra 40 nhiệm vụ và 30 tiêu chí về môi trường nước, không khí, đất, chất thải rắn và quản lý tổng hợp để thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ thực hiện các dự án về môi trường như: hệ thống thu gom nước thải khu vực phía đông thành phố, hệ thống thu gom nước thải khu vực vịnh Đà Nẵng, hệ thống thu gom tập trung chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực nội thị, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đến năm 2030, quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa Nhơn cho giai đoạn sau năm 2030… Cạnh đó, thành phố ưu tiên các giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường nguồn lực quản lý, giám sát tuân thủ môi trường thuộc phân cấp; nghiên cứu, xây dựng các quy định về quản lý đô thị, quản lý môi trường đáp ứng với mục tiêu thành phố môi trường, thành phố sinh thái…

Nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường

Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho rằng, cần phải hết sức quan tâm đến các vấn đề như: phát triển hệ thống không gian công cộng, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, an ninh nguồn nước, quản lý hành lang thoát lũ các tuyến sông, khoảng cách ly đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tình trạng tự lấn chiếm đất để xây dựng trái phép các khu nghĩa địa…

“Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo việc triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chắc chắn, trong quá trình triển khai nghiên cứu, những vấn đề về môi trường sẽ được mổ xẻ, phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp nhất để hướng tới mục tiêu thành phố môi trường”, ông Thái Ngọc Trung cho hay.

Ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Môi trường miền Trung - Tây Nguyên đề xuất, để cải thiện, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, cần quan tâm đến khâu tham mưu của các sở, ban, ngành cho lãnh đạo thành phố quyết định các chủ trương lớn về môi trường; qua đó nâng chất lượng các chỉ tiêu về môi trường, tránh lặp lại những hạn chế từ 10 năm trở lại đây, nhất là việc đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải chung... Công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng cần được thực thi chặt chẽ; cần thẳng thắn với các vi phạm, hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất; không để cho các nhà đầu tư cơ hội chỉ muốn “làm ăn” mà không quan tâm, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thành phố Đà Nẵng kêu gọi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng chung tay xây dựng thành phố môi trường.
Thành phố Đà Nẵng kêu gọi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng chung tay xây dựng thành phố môi trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, trong quá trình phát triển của thành phố 10 năm qua, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” và có vị trí là một trong 3 trụ cột của sự phát triển bền vững. Việc triển khai thực hiện đề án sau 10 năm với những kết quả đã được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Tại hội nghị, UBND thành phố tặng bằng khen cho 23 tập thể và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra là trở thành thành phố môi trường, sinh thái, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu, thành phố phải xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tương ứng với mục tiêu trở thành phố môi trường. Hệ thống hạ tầng đô thị phải được tính toán, đầu tư dài hạn, có đủ năng lực xử lý môi trường, ứng phó nhanh với sự cố môi trường có thể xảy ra.

Thành phố phải tiên phong sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao, công nghệ cao; thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, sử dụng tiết kiệm nước, tiết kiệm điện… Quản lý chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm về môi trường trong phát triển đô thị, phát triển kinh tế; tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” gắn với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm về môi trường…

“Trước mắt, chúng ta phải nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm và tính kỷ luật trong điều hành bộ máy, thực thi nghiêm khắc để quản lý tốt về môi trường; tiếp tục giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” để cộng đồng cùng chung tay thực hiện thành công đề án. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, ý thức, sự tham gia, giám sát của cộng đồng có vai trò to lớn giúp xây dựng, phát triển và đạt các mục tiêu, thành tựu lớn. Mỗi người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc để thổi lên luồng sinh khí, để cả cộng đồng cùng vào cuộc bảo vệ, làm sạch và đẹp cho môi trường sống. Lúc đó, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thành phố đáng sống, thành phố xanh, sạch và đẹp”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.