Kiên quyết không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới

.

ĐNO - Đây là cam kết của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khi mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào sáng 4-6.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết,  Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các bộ trưởng sẽ không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu 5 phút trước khi trả lời chất vấn. Sẽ có 5 đại biểu chất vấn mỗi lần, mỗi đại biểu chỉ hỏi một phút, người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đại biểu nêu câu hỏi rõ ý, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Đại biểu có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng chỉ có tối đa 2 phút. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hoạt động chất vấn vừa qua đã giúp nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, đóng góp vào sự phát triển chung.

Với tinh thần trách nhiệm, sự tích cực chủ động của các thành viên Chính phủ, cùng sự chuẩn bị của cơ quan hữu quan, phiên chất vấn sẽ đạt chất lượng như cử tri mong đợi. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ có nghị quyết để giám sát việc thực hiện những cam kết khi chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm điểm lại một số vấn đề nổi bật của ngành, điển hình là tình hình tội phạm ma túy.

Bộ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7,  Quốc hội khóa XIV vào sáng 4-6 (ảnh chụp từ màn hình)

Chúc mừng ngành Công an thời gian qua trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tỏ ra lo lắng với các băng nhóm tội phạm hoạt động lộng hành, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận. ĐB Mai Hoa nhắc đến vụ án nhóm phụ nữ giết người phi tang xác ở Bình Dương và một số vụ án giết người man rợ do các đối tượng sử dụng ma túy gây ra. “Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý như thế nào? Đây là vấn đế yếu về nghiệp vụ hay đạo đức công vụ? Giải pháp sắp tới của ngành như thế nào?”, ĐB Mai Hoa đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết theo báo cáo của Bộ Công an, lượng ma túy bị bắt giữ tăng kỷ lục, lớn nhất từ trước đến nay. ĐB Hương cũng đặt câu hỏi về chất lượng phòng chống, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và tố giác tội phạm được bảo đảm thế nào?

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt câu hỏi về năng lực của ngành Công an khi để lọt nhiều đối tượng vận chuyển số lượng ma túy "khủng" vào Việt Nam gây mất an ninh, an toàn xã hội. “Cử tri rất quan tâm và bức xúc về việc vận chuyển, mua bán ma túy, không còn tính bằng gam, hay kilogam mà được tính bằng tấn. Công tác phòng, chống còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp. Hiện, ma túy đã len lỏi đến tất cả các tỉnh, thành phố, đến tận vùng nông thôn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ĐB Linh nói. ĐB Linh cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công an và những giải pháp căn cơ trong phòng ngừa loại tội phạm này trong thời gian tới.

Trả lời chất vất của các ĐB về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Bộ nhận thấy đây là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn; khẳng định, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt hết sức nghiêm khắc cho hành vi liên quan đến ma túy. Chính phủ cũng có kế hoạch triển khai và có sự phối hợp chặt chẽ. Các ngành đã ban hành nhiều chương trình phối hợp, đặc biệt là hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, có sự quyết liệt của cả hệ thống vào công tác phòng chống ma túy.

Liên quan đến câu hỏi của các ĐB nêu liệu Việt Nam có phải là điểm trung chuyển ma túy của thế giới hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, các quốc gia phải có sự hợp tác để giải quyết rốt ráo tội phạm này. Hơn nữa, Việt Nam rất gần Tam giác vàng - thủ phủ ma túy lớn, cộng với tình hình ma túy diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hóa ma túy. Từ tháng 10-2018, Bộ Công an được Thủ tướng cho phép tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về phòng, chống ma túy. Các nước ASEAN cũng đã có sự phối hợp và phát hiện đường dây, tổ chức ma túy với số lượng lớn. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm cam kết.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thẳng thắn nêu những khó khăn, thách thức như số người nghiện trong nước, nhu cầu ma túy trong nước ngày càng tăng lên, tội phạm này sẽ có diễn biến phức tạp. Về mặt pháp luật, hiện không xử lý hình sự người sử dụng ma túy, do vậy Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2019, các lực lượng Công an đã phát hiện 10.246 vụ, 11.731 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 301,31kg heroin, 3.272,20 kg và 437.334 viên ma túy tổng hợp, 259,61 kg cần sa. Tuy số vụ bắt giữ giảm 12,66% so với cùng kỳ 2018, nhưng số lượng ma túy tổng hợp thu được tăng kỷ lục, đây là số lượng ma túy thu được lớn nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn phát hiện, xử lý nhiều tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma túy trong các quán bar, vũ trường, karaoke. Bộ nhận định đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác không kiểm soát được nhận thức, hành vi, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng...

TRỌNG HÙNG    

;
;
.
.
.
.
.